Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?

03/08/2018 17:11 PM | Kinh doanh

Hãy ngẫm nghĩ, lần cuối bạn thấy cả newsfeed tràn ngập những hình ảnh từ show diễn của Marc Jacobs là khi nào? Và bạn có biết rằng NTK tài năng này đã thua lỗ đến 61 triệu USD đồng thời dẹp tiệm hàng loạt cửa hàng khắp thế giới chỉ trong một vài năm qua.

Một buổi tối thứ hai tại New York (Mỹ), toàn thể những nhân vật thanh thế nhất làng mốt đều tề tựu tại Bảo tàng Brooklyn để tham dự Lễ trao giải CDFA (Council of Fashion Designers of America – Hội đồng Nhà thiết kế thời trang Mỹ) - vốn được ca tụng như giải Oscar của giới thời trang. Họ vỗ tay khi một cái tên quen thuộc được xướng lên: Marc Jacobs. Với chính bản thân Marc thì Giải thưởng "Nhà thiết kế của năm 2016" không quá xa lạ bởi ông đã từng được vinh danh không lâu từ năm 2013.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 1.

Marc Jacobs nhận giải thưởng của CFDA

Thế nhưng, cũng vì hàng loạt giải thưởng lừng lẫy và sự hiện diện liên tục của Marc trong danh sách những nhà thiết kế thành công nhất khiến một thiểu số công chúng vẫn đang theo dõi ông tự hỏi: Điều gì đang diễn ra với sự nghiệp của Marc Jacobs vậy?

Xuống dốc không phanh

Đã từng có thời Marc nằm lòng được cả một thế hệ phụ nữ hiện đại và thu hút họ với những sáng tạo giao thoa giữa thái độ thành thị và vẻ hào nhoáng hấp dẫn của khu phố uptown. Các ngôi sao như Sofia Coppola và Winona Ryder trở thành biểu tượng thời trang nhờ những thiết kế của ông, đồng thời cũng là hai nàng thơ xuyên suốt cuộc đời Marc.

Đó là quá khứ. Hiện tại của Marc Jacobs phải chăng đã lầm đường lạc lối? Ông tuyên bố rằng mình chẳng còn hiểu khách hàng muốn gì, thương hiệu tẻ nhạt dần đều và những món phụ kiện chẳng còn khiến giới mộ điệu reo hò phấn khích như những gì mà các nhà thiết kế trẻ như Alexander Wang hay Joseph Altuzarra đang đạt được.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 2.

Hình ảnh Marc Jacobs chào khán giả trong show diễn chia tay Louis Vuitton vào năm 2014.

Giới truyền thông đánh hơi ngay được sự bất ổn khi diễn ra cuộc kêu gọi vốn đầu tư vào đầu năm 2017, cùng thời điểm vào lúc Tổng thống Donald Trump đắc cử, ngài Bernard Arnault - Chủ tịch của tập đoàn LVMH kiêm cổ đông chính trong thương hiệu của Marc Jacobs - không ngần ngại trả lời trước báo chí: "Tôi có nhiều mối quan ngại về Marc Jacobs hơn là Tổng thống Mỹ hiện tại". Diễn biến càng tệ thêm khi cuối năm 2017, ông Jean-Jacques Guiony (Giám đốc tài chính của LVMH) cho rằng chính Marc là một trong thiểu số những nhân tố tiêu cực đang tồn tại trong tập đoàn. Ngay sau đó, LVMH dẹp tiệm dòng thời trang nam của Marc như một biện pháp nhằm cắt giảm chi phí.

Bài phỏng vấn gần nhất của Luca Solca, chuyên gia nghiên cứu hàng hoá xa xỉ, tại Exane BNP Paribas, hé lộ rằng Marc Jacobs đã thua lỗ hơn 50 triệu Euro - tức khoảng 61 triệu USD chỉ trong vài năm qua. 2015 ắt là thời kỳ khó khăn nhất khi Marc bất ngờ hạ giá một nửa dòng sản phẩm Marc by Marc Jacobs. Động thái này khiến giới mộ điệu không ngớt hoang mang bởi mới 2 năm trước đó, bộ đôi tài năng Luella Bartley và Katie Hillier đã về đầu quân cho thương hiệu của Marc nhằm mang đến những thay đổi cấp tiến hơn.

Công ty còn thanh lý hàng loạt cửa hàng tại châu Âu và New York, đến mức ngay cả khu phố Bleecker vốn từng được ca tụng là "Lãnh địa của Marc" giờ cũng chỉ còn chỏng chơ lại mỗi BookMarc - nơi bán sách và nữ trang hay một tiệm nhỏ khác trên đường Soho.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 3.

Cửa hàng của Marc Jacobs trên phố Soho còn bị vẽ bậy

Bên cạnh nỗi quan ngại về việc đóng cửa hàng loạt chuỗi chi nhánh thì những biến cố bên trong nội bộ thương hiệu này còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bartley và Hillier đành dứt áo ra đi sau vài mùa, nối gót họ liền sau đó là Robert Duffy - người đứng sau sự phát triển của thương hiệu. Dai dẳng suốt ba thập kỷ cùng chung chiến tuyến với Marc, Duffy đã mang lại cho thương hiệu của ông những bản thương thảo thành công với tập đoàn LVMH. Thế nhưng đến 2015, có vẻ như "giọt nước đã tràn ly" khi đến cả Duffy cũng ra đi không lời từ biệt.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 4.

Từ trái qua phải: Bernard Arnault (Chủ tịch LVMH), Marc Jacobs và Robert Duffy.

Và rồi đến sự xuất hiện của Sebastian Suhl, Giám đốc điều hành mới với hy vọng thổi nguồn sinh lực vào thương hiệu. Thế mà chưa đầy 3 năm sau, Sebastian lại bị hất cẳng bởi Eric Marechalle - cựu thủ lĩnh nhà Kenzo. Marc còn thuê thêm John Targon cho dòng thời trang đương đại và bình dân nhưng cũng chỉ duy trì được 2 tháng, mọi sự lại đâu vào đấy. Targon ra đi với những lời khen không ngớt từ bên thương hiệu, thế nhưng cuộc chia ly chóng vánh đến như vậy khiến giới chuyên môn không khỏi nghi ngờ.

Tình hình bết bát đến mức Ron Frasch, cựu Giám đốc điều hành của Bergdorf Goodman và Chủ tịch Saks Fifth Avenue, người luôn ngưỡng mộ và dõi theo sự nghiệp của Marc, phải thốt lên rằng: "Marc by Marc Jacobs là động lực của cuộc đời Marc, tôi không hiểu vì sao họ có thể quyết định như vậy".

Thế là cả giới chuyên môn đều ngóng chờ một cái kết nào đó từ LVHM. Tuy nhiên, phát ngôn chính thức của tập đoàn này vẫn khá lạc quan: "Cải cách đang được tiến hành tại Marc Jacobs International và chúng tôi đã nhận thấy những tiến bộ rất đáng khích lệ. Chúng tôi còn tiếp thu được các dấu hiệu tích cực từ bên nhà bán lẻ và khách hàng, giúp cải thiện đáng kể về lợi nhuận. Toàn thể công ty cần tập trung nhưng có thể nhận định rằng, chúng tôi đang đi đúng hướng."

Từ Grunge bất-cần-đời đến Louis Vuitton

Nếu có một NTK nào gây tranh cãi nhất nước Mỹ thì đó ắt là Marc Jacobs. Từ tận năm 1992 - cái ngày mà ông trình làng BST mang hơi hướng Grunge với váy kẻ caro và đôi boots Dr.Martin cho thương hiệu Perry Ellis khiến bản thân bị sa thải ngay 1 năm sau đó, Marc đã được đánh giá là một trong thiểu số những nhà thiết kế trẻ sở hữu tư duy mới mẻ và thú vị có thể kế tục thành thành tựu của Calvin, Donna hay Ralph.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 5.

BST Grunge để đời của Marc Jacobs

Đến năm 1997, Marc chỉ được tiếng mà không được miếng với một giải thưởng cho thương hiệu cá nhân, nhưng đây lại là tiền đề để nhà thiết kế tài ba này được thu nhận vào nhà Louis Vuitton. Ông đã hồi sinh một nhãn hiệu chỉ chuyên về vali với hòm rương thành nhà mốt với đầy đủ các món thời trang, kèm theo đó là hàng loạt show diễn đầy khoa trương và kịch tính. Marc còn khôn khéo cộng tác với những nghệ sĩ như Takashi Murakami, tạo nên loạt sóng thần về xu hướng giúp Louis Vuitton bành trướng doanh thu ra gấp 4 lần. Cũng vì thế mà ông trở thành con cưng của tập đoàn LVMH, được đầu tư tới bến nhằm đưa thương hiệu Marc Jacobs ra toàn cầu, với doanh số ước tính khoảng 300 triệu USD vào năm 2006 và chuỗi cửa hàng mọc lên như nấm từ New York cho đến Tokyo.

Để nói về Marc, ngài Frasch chẳng ngớt lời: "Họ tạo nên sự phấn khích cho thời trang mà chẳng cần thứ công thức nào. Cứ mỗi mùa lại có điều mới mẻ để nói. Với tôi, Marc không phải là người tù túng về tư duy như một số thương hiệu khác."

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 6.

Louis Vuitton dưới thời Marc Jacobs gần như là thương hiệu đứng đầu thế giới

Lời khen ngợi ắt có lý bởi Tuần lễ thời trang New York nào cũng vậy, Marc Jacobs luôn là cái tên được giới mộ điệu ngóng chờ nhất. Amanda Mull, biên tập viên 32 tuổi của trang PurseBlog, còn hồi tưởng lại quãng thanh xuân của cô khi còn ở Đại học và cũng là thời hoàng kim nhất của Marc. Khi đó cô còn ki cóp từng đồng để sắm cho được chiếc túi "Stam" - vốn được Marc Jacobs thiết kế dựa trên cảm hứng từ siêu mẫu một thời Jessica Stam. "Ngài Marc từng kiến tạo nên những món punk-rock điên khùng nhưng lại sang chảnh hết mực. Cái hình mẫu ngài ấy nhào nặn lên chẳng phải những cô nàng mê thời trang điển hình, mà là kiểu cách nổi loạn ưa lật nhào người khác", Mull chia sẻ về Marc.

Lúc còn trẻ và còn mải xúng xính, Amanda Mull ắt là đối tượng khách hàng của Marc Jacobs. Thế nhưng giờ đây cô phải thú nhận rằng mình không thể nhớ nổi lần cuối đã sắm một món đồ từ tiệm của Marc là khi nào. Mull cho rằng các sáng tạo hiện tại của Marc dường như chỉ dành cho một nhóm nhỏ đang trầy trật oằn mình theo xu hướng.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 7.

"Stam" là một trong những IT bag đình đám nhất, nhưng hiện tại cũng chẳng mấy ai dùng.

Tất nhiên Marc vẫn có những fan trung thành hay những người bạn chức tước cao sang, chẳng hạn như Anna Wintour. "Bà đầm thép" của Vogue ngợi ca Marc là một nhà thiết kế lỗi lạc, bởi ông vẫn cho ra mắt những thiết kế khiến đám đông phải trầm trồ như bộ cánh của Janelle Monáe tại Met Gala 2018 vừa qua hay trang phục Cher diện tại Met Gala 2015. Có điều, xét về đường dài thì mọi sự vẫn cứ sai sai.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 8.

Bộ cánh Marc Jacobs sáng tạo cho Janelle Monáe theo chủ đề Công giáo của Met Gala vẫn được khen ngợi hết lời.

Marc Jacobs là người luôn tiến về phía trước và đổi mới không ngừng, nhưng không phải sự đổi mới nào của ông cũng khiến đám đông ưng thuận. Chẳng hạn như vào năm 2011, Jenna Sauers, một nhà văn của Jezebel, thổ lộ với tờ The New York Times rằng cô thấy nhớ "Marc của ngày hôm qua". "Có một điều gì đó về anh ấy rất đáng yêu", Sauers chia sẻ, "Anh ấy là một học giả, và bạn sẽ cảm thấy anh ấy thực sự yêu công việc của mình. Tôi có rất nhiều tình cảm với Marc đó chứ không phải bây giờ."

Cảm thấy lúng túng trước những chỉ trích như vậy, Marc Jacobs chỉ có thể đáp trả yếu ớt: "Nếu bất hạnh của tôi tạo nên sự bất an và mọi người chỉ nhớ ra được đến thế thì tôi xin lỗi. Tôi vẫn là Marc, chỉ có điều mạnh mẽ và tích cực hơn."

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 9.

Dường như cả thế giới đang quay lưng lại với thiên tài một thời

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc về một hồ sơ đầy biến động với loạt hành vi thất thường của Marc. Ông từng phải thừa nhận rằng mình trong quá trình cai nghiện ma túy và rượu, công khai mối quan hệ yêu đương với một ngôi sao khiêu dâm hay tự đăng ảnh trần trụi của mình lên Instagram. Ngần ấy biến cố khiến nhiều người hoang mang trước khả năng lãnh đạo thương hiệu của Marc.

Sóng gió đến với Marc có lẽ từ năm 2014, khi ông chẳng còn giữ ghế Giám đốc sáng tạo tại Louis Vuitton sau 16 năm ròng, thay vào đó toan tính cho thương hiệu cá nhân và một kế hoạch mang tên IPO. Phát biểu với tờ The New York Times vào thời điểm đó, Michael Burke, Giám đốc điều hành của Louis Vuitton, cho rằng đó đúng hơn là sự đổ vỡ thay vì khởi đầu mới cho một công ty riêng. Theo Burke thì giai đoạn cuối của Marc ở Louis Vuitton vô cùng hỗn loạn, mang đến sự tốn kém khôn cùng cho nhà mốt. Không tập trung hoặc rửng mỡ thay đổi hoàn toàn kế hoạch là những gì Burke kết tội Marc, đối lập hoàn toàn với lời lẽ mà ông dành cho Nicolas Ghesquière - người kế nhiệm: "Nicolas không làm việc theo cái kiểu đấy."

Và sau tất cả, cái kế hoạch IPO của Marc là gì thì cũng chẳng ai còn quan tâm nữa.

Khi phép màu chẳng còn hiệu lực

Quanh đi quẩn lại cũng chỉ về vấn đề sáng tạo. Nhiều năm trước Marc còn hiểu khách hàng mình muốn gì, giờ đây thì ông mù tịt.

Có lẽ những sáng tạo lãng phí của Marc cũng chỉ nảy nòi từ sự ra đi của Duffy, bởi nhân tố này không chỉ là đối tác của Marc trong kinh doanh mà còn là người giữ vững tinh thần của thương hiệu, thúc đẩy Marc theo kịp tiến độ và sẵn lòng ngồi lỳ bên Marc vài tuần trước khi show diễn bắt đầu. Nội tình còn hiểu rằng công ty đang thiếu vắng một Giám đốc sáng tạo mạnh mẽ, người có thể chuyển tải tầm nhìn của Marc thành những động thái thiết thực cho đội ngũ thiết kế. Vai trò này từng được đảm đương rất tốt bởi Venetia Scott, người từng sát sao thương hiệu Marc by Marc Jacobs trong suốt thời hoàng kim của nó. Có điều cô cũng ra đi từ năm 2015.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 10.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 11.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 12.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 13.

Các sáng tạo của Marc vẫn rất thú vị, chỉ là chẳng còn ai thiết tha mua chúng.

Một trong những sai lầm của Marc là bởi ông không lưu tâm đến việc truyền đạt văn hóa đương đại qua thời trang. "Tôi thấy kinh bởi các phương tiện truyền thông xã hội. Tôi chẳng hiểu nó và nó cũng chẳng hấp dẫn tôi", Marc thẳng thắn với tạp chí Vogue UK vào năm 2015 trước khi tấm ảnh nude của ông được đăng lên.

Những BST của Marc vẫn được đánh giá cao. Giới chuyên môn vẫn dắt díu nhau đến xem show của ông như một cách thể hiện lòng kính trọng đối với thiên tài này, tất nhiên chính họ cũng mong mỏi bản thân được wow lên vài tiếng. Có điều, các thiết kế của Marc khiến đám đông phải lắc đầu vì chúng lệch hoàn toàn khỏi thị hiếu cũng như thị trường, các kênh thông tin thì ngày càng lẻ tẻ tin tức thay vì quảng cáo. Gần đây nhất là BST được Marc ra mắt tại không gian âm u của Park Avenue Armoury với hai hàng ghế ít ỏi, âm nhạc thì ảm đạm. Tờ Cult gọi đây là một "đám tang xa xỉ" của Marc Jacobs trong khi The New York Times thì nhẹ nhàng hơn: "Ông ấy là một trong những thiên tài mà chúng ta có được. Nhưng có lẽ ngần ấy vẫn chưa đủ."

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 14.

Show diễn Thu-Đông 2018 vừa qua của Marc bị chê bai là thiếu chuyên nghiệp và ảm đạm.

Thế chỗ Marc trong cái không gian đầy sáng tạo và sặc mùi thương mại của làng mốt quốc tế là những cái tên như Alexander Wang hay Alessandro Michele. Những nhà thiết kế này khéo sử dụng các phương tiện truyền thông, trong khi những thương hiệu như Supreme lại nắm vững tinh thần thời đại. Dòng người bon chen nhau bên ngoài cửa hàng Supreme ngày nay ít nhiều khiến người ta liên tưởng đến đám đông chị em giẫm đạp lên nhau để mua cho bằng được hộp phấn trái tim giá 5USD của Marc ngày xưa.

Đất chật người đông. Balenciaga, Loewe, Altuzarra, Proenza Schouler, Givenchy, Mansur Gavriel... ngày càng máu lửa hơn trong cuộc chiến giành thị phần bán lẻ.

"Như một cơn sóng thần", ngài Frasch thốt lên, "Những thương hiệu từ 15 năm trước thì nay đã bị đào thải gần hết. Nếu bạn có nhớ lại thì mới 3 - 4 năm trước thôi Gucci cũng thảm bại. Nhưng họ dám chơi lớn. Đó chính là những gì khách hàng hiện tại muốn: sự mới mẻ."

Có quá sớm để đưa ra kết luận?

Một vài biến động đã diễn ra bất chấp. Trong khi cá nhân Jacob vẫn cho ra những thiết kế cao cấp được công nhận bởi Hiệp hội CFDA thì cái tên Marc Jacob chính thức không còn là thương hiệu cao cấp, chỉ còn tương đương với Coach hay Kate Spade. Ngay cả cửa hiệu Barneys ở New York còn chẳng thèm bán túi Marc Jacobs - và chúng ta nào có cái minh chứng nào thuyết phục hơn thế?

Trên các trang bán hàng trực tuyến, giá của sản phẩm Marc Jacobs tụt xuống một nửa: từ 700USD vào giữa năm 2015 cho đến 350USD vào năm 2017. Phương thức này tuy tăng doanh thu nhưng bù lại nó khiến giá trị thương hiệu giảm sút tận cùng.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 15.

May ra cũng có một vài khả quan khác khi chiếc túi "Snapshot" giá 295USD của Marc khá được ưa chuộng, hay dòng mỹ phẩm Marc Jacobs Beauty có mức tăng trưởng đều đặn trong chuỗi bán lẻ Sephora. Tầm ảnh hưởng của Marc Jacobs Beauty khá tốt, đặc biệt khi Lady Gaga sử dụng màu mắt khói độc đáo của thương hiệu này trong màn biểu diễn của cô tại Grammy 2018.

 Marc Jacobs: Một tượng đài đang sụp đổ?  - Ảnh 16.

Màu mắt khói Lady Gaga dùng tại Grammy đã mang đến lợi nhuận khá lớn cho Marc Jacobs Beauty.

Có thể nhận định những gì mà Marc đang phải đương đầu chủ yếu là sự suy thoái của thương hiệu. Khi được hỏi về cơ hội lấy lại hào quang của Marc, ngài Frasch cho biết: "Khó lắm. Chắc chắn là khó hơn nhiều. Nó phụ thuộc vào Marc, vào LVMH và những dự đoán của họ". Phải nhấn mạnh rằng LVMH không phải lúc nào cũng mát tay, bởi ngay năm 2016 vừa qua tập đoàn này đã phải vứt xó thương hiệu Donna Karan.

Tất nhiên vẫn có tia hy vọng le lói. Fern Mallis, trước đây là Giám đốc điều hành của CFDA và hiện là một chuyên gia tư vấn ngành, hé lộ rằng vẫn rất nhiều người đặt niềm tin vào Marc Jacobs: "Marc là dạng người khó đoán. Tài năng của anh ấy quá lớn trong khi anh ấy lại là kẻ ưa mạo hiểm. Đó là một điều tuyệt vời!"

Nguồn: Business of Fashion

Theo Đại Ngọc

Từ khóa:  thời trang
Cùng chuyên mục
XEM