Manulife không còn nằm trong Top 10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín

23/06/2023 15:57 PM | Kinh doanh

Trước đó, công ty này đứng vị trí thứ 8 trong Top 10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín năm 2022 của Vietnam Report.

Manulife không còn nằm trong Top 10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín - Ảnh 1.

Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố danh sách Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2023 gồm 2 nhóm: Bảo nhiểm nhân thọ và Bảo hiểm phi nhân thọ.

Top 10 Công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2022 bao gồm: Tổng Công ty Bảo Việt Nhân Thọ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Cathay Viet Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, Công ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ Mirae Asset Prévoir.

Manulife không còn nằm trong Top 10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín - Ảnh 2.

Đáng chú ý, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Manulife (Việt Nam) năm nay không còn nằm trong danh sách Top10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín của Vietnam Report. Trước đó, công ty này đứng vị trí thứ 8. Thay thế Manulife, Công ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ Mirae Asset Prévoir đã lần đầu tiên lọt vào danh sách này.

Manulife không còn nằm trong Top 10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín - Ảnh 3.

Top 10 Công ty bảo hiểm phi nhân thọ uy tín năm 2023 bao gồm: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Thượng mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân Đội, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội.

Trong đó, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI vẫn tiếp tục giữ vị trí đứng đầu. Trong khi Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh vươn lên mạnh mẽ từ vị trí thứ 7 lên vị trí thứ ba trong danh sách.

Manulife không còn nằm trong Top 10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín - Ảnh 4.

Theo Vietnam Report, uy tín của các Công ty Bảo hiểm được đánh giá một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 5-6/2023.

Nhìn lại năm 2022 với những biến động sâu sắc trên cả phương diện kinh tế vĩ mô toàn cầu lẫn nội tại nền kinh tế Việt Nam, ngành bảo hiểm dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn trước, song vẫn tương đối ổn định, đảm bảo thực hiện vai trò lá chắn cho nền kinh tế trước rủi ro. Điều này được phản ánh qua việc hàng loạt các chỉ tiêu quan trọng của thị trường bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng khả quan.

Theo số liệu từ Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,1% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15,0%; trong khi tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận sự bứt phá mạnh (+15,3%) so với mức tăng khiêm tốn 4,3% của năm 2021, đồng thời đạt mức cao nhất trong 5 năm gần đây, với bảo hiểm sức khỏe là sản phẩm có tỷ trọng lớn nhất.

Manulife không còn nằm trong Top 10 Công ty Bảo hiểm Nhân thọ uy tín - Ảnh 5.

Nguồn: Cục quản lý, giám sát bảo hiểm

Theo Vietnam Report, việc thực hiện tốt chức năng chi trả quyền lợi bảo hiểm cũng được ghi nhận trong năm 2022 với tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chi trả khoảng trên 64.018 tỷ đồng (tăng 23,3% so với năm 2021). Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.418 tỷ đồng và lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 40.600 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 656.423 tỷ đồng (tăng 12,6% so với năm 2021). Những con số trên đã thể hiện sự đóng góp của thị trường bảo hiểm đối với sự phát triển của kinh tế đất nước cũng như an sinh xã hội trong năm khó khăn vừa qua.

Bước sang giai đoạn đầu năm 2023, ngành bảo hiểm – “người bảo vệ” giúp khách hàng sẵn sàng ứng phó những giai đoạn khó khăn lại phải đối mặt cuộc khủng hoảng xảy ra với chính mình. Loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.

Sự việc trên chưa dừng lại ở đó mà được đẩy lên cao trào khi một DNBH nhân thọ khác bị tố tư vấn mập mờ và thiếu trách nhiệm với khách hàng, dẫn đến lượng tin tiêu cực về ngành bảo hiểm (phần lớn là thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội hoặc theo phương thức truyền miệng) gia tăng đột biến.

Kết quả là tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỷ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DNBH thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn của thị trường. Tâm lý e dè, lo ngại và hoài nghi chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, sẽ còn rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, Vietnam Report cho rằng ở một góc độ tích cực, đây cũng là cơ hội để toàn ngành bảo hiểm nhìn lại và cải thiện quy trình, hệ thống phân phối, phục vụ khách hàng tốt hơn. Là một đợt thanh lọc tốt để thị trường chấn chỉnh, hoàn thiện, phát triển minh bạch và bền vững để chứng minh vai trò, lợi ích cũng như nâng cao tín nhiệm của ngành trong thời gian tới.

Theo Quang Hưng

Cùng chuyên mục
XEM