Mạng liên tục gặp sự cố: FPT khẳng định không hoàn toàn do chất lượng mạng mà có thể do các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số

06/08/2019 14:48 PM | Công nghệ

Trước việc khách hàng kêu mạng chập chờn cả ngày lẫn đêm, không thể chơi game, xem các video từ YouTube, Facebook hay xem phim trên NetFlix… FPT cho rằng lỗi không phải hoàn toàn do chất lượng mạng mà có thể đến từ các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số.

Mạng chập chờn cả ngày lẫn đêm

Anh Võ Quốc Hưng, nhà ở quận Gò Vấp và công ty ở quận 2 cho biết, cả nhà và công ty của anh đều dùng mạng Internet của FPT, nhưng trong thời gian qua chất lượng mạng rất kém và chập chờn. Cụ thể, cả hai nơi đều liên tục chập chờn, tải file về hay đưa lên iCloud đều chậm. Đáng chú ý mạng ở nhà bị đứng liên tục, dù xem tivi là đỡ nhất nhưng các video YouTube, hay phim trên Netflix thì không thể nào xem được, đặc biệt sau 11h, mạng ở nhà gần như tê liệt. Trước tình trạng mạng như trên, anh Hưng đã tiến hành gọi hỗ trợ nhiều lần, nhưng không thấy kỹ thuật xử lý sự cố. Sau đó dù FPT đã hỗ trợ và hứa sẽ khắc phục sự cố nhưng trình trạng vẫn như cũ.

Anh Xà Quế Nguyên, sống tại quận 7 cũng chán nản vì chất lượng không ổn định của mạng FPT. Theo anh Nguyên, do tính chất công việc nên thường 21h mới về đến nhà, khi mở game ra chơi nhưng mạng cáp quang FPT ở nhà liên tục gặp sự cố khiến anh không thể tiếp tục chơi được và buộc phải sử dụng mạng 3G để truy cập game.

Đáng chú ý, anh Nguyên cho biết cách đây 2 tháng, FPT tự động nhắn tin tăng gấp đôi băng thông và tăng tiền gói cước lên, mặc dù anh không có nhu cầu. Anh Nguyên cho cách làm việc của FPT đã khiến anh bức xúc và gọi lên tổng đài yêu cầu huỷ gói cước. Sau đó, FPT đã giải quyết bằng cách thay modem mới, đồng thời tăng băng thông với giá cước không đổi. Tuy nhiên, theo anh Nguyên, sau khi FPT xử lý xong sự cố, mạng nhà mình vẫn bị giật (lag) khi chơi game và xem video trên YouTube và Faceboook.

Cùng hiện tượng như anh Nguyên. anh Hà Anh Phương, nhà tại quận 12 cũng bực mình vì chất lượng mạng của FPT. Theo đó. nhà anh đang dùng gói cước hơn 200.000 đồng/tháng, sau đó FPT tự tăng lên 308.000 đồng/tháng dù không hỏi ý kiến, chỉ nhắn tin tới điện thoại và xem như việc đã rồi. Tuy nhiên, dù cước và băng thông đều tăng nhưng đến tối khi cả nhà truy cập mạng vẫn không thể sử dụng được. Mạng liên tục chập chờn khiến anh và các con cũng không xem được YouTube hay làm bất kì việc gì khác trên Internet.

Anh Phương cho biết, anh đã gọi hỗ trợ rất nhiều lần và kỹ thuật xuống xử lý nhưng chỉ được một lúc và sau vài tiếng thì mạng Internet lại gặp hiện tượng như cũ. Khi anh hỏi sao không hướng dẫn cho khách hàng để tự xử lý, kỹ thuật FPT cho biết cái này khách hàng không làm trực tiếp được chỉ trên tổng đài mới xử lý được. Quá bực mình anh Phương đã quyết định chuyển sang dùng mạng khác với giá rẻ hơn, chất lượng ổn hơn.

Anh Ngô Huỳnh Thế Quân nhà ở quận 5 cũng cho biết, gia đình anh xài gói cước cao nhất dành cho hộ gia đình của mạng FPT là Fast 65, nhưng cứ đến buổi tối, khi gia đình sử dụng thì mạng liên tục chập chờn, Netflix không tải nổi phim để xem, xem video Yotube 4K một lúc thì lại tự động chuyển về chất lượng 1080... Anh Quân đã liên tục gọi tổng đài hỗ trợ để FPT xuống xử lý. Ngay sau đó, kỹ thuật xuống xử lý như kiểm tra lại đường dây mạng hay kiểm tra chất lượng đường truyền bằng Speedtest nhưng mạng cũng chỉ ổn định được một thời gian ngắn là lại quay về tình trạng như trên. Dù sau đó, anh Quân lại được hướng dẫn tắt modem rồi bật lại nhưng vẫn không thể cải thiện được tình hình. Cuối cùng anh Quân quyết định cắt luôn dịch vụ và chuyển qua mạng khác.

Anh Nguyễn Vũ Đạt ở quận Bình Thạnh TP.HCM hay anh Kim Ấm ở quận Thanh Xuân, Hà Nội… và nhiều khách hàng khác cũng bị tình trạng tương tự khi đang dùng mạng của FPT trong thời gian qua.

FPT xin lỗi và khẳng định lỗi không hoàn toàn do chất lượng mạng

Trước những thắc mắc của người dùng, ICTnews đã tiến hành liên lạc với FPT để tìm hiểu vấn đề và nhận được câu trả lời như sau.

Theo FPT, việc sử dụng Youtube hay Facebook bị chậm không hoàn toàn nằm ở vấn đề chất lượng mạng. Cụ thể nhà mạng này cho biết trong thời gian gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ quốc tế Facebook, Youtube có một số sự cố lớn gây ảnh hưởng tới khách hàng, FPT đã thông báo nguyên nhân sự cố cho khách hàng khi nhận được thông tin chính thức từ phía Facebook và Google. Đồng thời công ty này đưa ra một bảng thống kê gồm khoảng 13 lỗi từ Facebook và Google gặp phải trong năm 2019.

Tiếp đó, FPT Telecom cho biết, họ lấy làm tiếc và xin lỗi khách hàng nếu chất lượng mạng có trục trặc cục bộ. Tuy nhiên, đối với việc chơi game, họ cho rằng khách hàng có thể xem xét thêm nguyên nhân từ các nhà cung cấp nội dung số. Trong đó, việc không chơi được game có thể đến từ hiện tượng nghẽn do sự phân phối các máy chủ của nhà cung cấp nội dung số không đảm bảo tỉ lệ đúng giữa các nhà mạng.

Để khắc phục tình trạng này, theo FPT các nhà cung cấp nội dung số nên nâng cấp máy chủ để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho người dùng. Đồng thời, FPT Telecom luôn nỗ lực để đảm bảo hạ tầng, nhu cầu cho các nhà cung cấp dịch vụ nội dung và luôn có các phương án để hỗ trợ cho người dùng.

Theo Lê Mỹ

Cùng chuyên mục
XEM