Màn ra deal bất ổn: Startup bán trâu gác bếp trên TikTok khiến shark Bình sợ thành "cá mập gác bếp", Shark Hưng "dọa" không ký DD chốt deal thì không phát sóng

16/01/2024 11:05 AM | Kinh doanh

“Chúng ta sẽ làm duedil (due diligence – thẩm định doanh nghiệp) và ký hợp đồng trước khi phát sóng, nếu deal không thành công thì sẽ đề nghị nhà sản xuất không phát sóng các bạn”, Shark Hưng nói cứng với startup bán thịt trâu gác bếp Huho. Shark Tank tập 16 chứng kiến màn ra deal "bất ổn" từ cả Shark Bình và Shark Hưng, khi hai vị cá mập lo ngại sẽ bị chế thành món "Shark gác bếp".

Startup livestream bán trâu gác bếp doanh số 1 triệu USD/tháng lên Shark Tank, cá mập sợ bị ‘bùng kèo’, dọa deal không thành công thì không phát sóng - Ảnh 1.

Livestream bán thịt trâu gác bếp thu về 1 triệu USD/tháng, startup lên Shark Tank tìm cá mập đồng hành

"Mùa deal bất ổn", đồng sáng lập Huho Ngọc Huyền phải thốt lên trên Shark Tank Việt Nam khi cứ chuẩn bị chốt deal thì các Shark lại hô "Khoan", "Từ từ".

Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam tập 16, hai nhà sáng lập Hoàng Chung Học và Ngọc Huyền lên gọi vốn cho doanh nghiệp bán thịt trâu gác bếp Huho - một startup mà Shark Bình phải thừa nhận là "Too good to be true", và đặt dấu hỏi về động cơ gọi vốn.

Startup livestream bán trâu gác bếp doanh số 1 triệu USD/tháng lên Shark Tank, cá mập sợ bị ‘bùng kèo’, dọa deal không thành công thì không phát sóng - Ảnh 2.

Huho là công ty chuyên sản xuất, phân phối đặc sản vùng miền gồm thịt trâu, thịt lợn sấy khô và các đặc sản Tây Bắc khác, với định vị "bán giá đắt nhất thị trường".

Chính thức bán hàng từ tháng 5/2022 thông qua livestream trên TikTok và các sàn TMĐT. Founder cho biết sau 5 tháng, doanh số của Huho tăng trưởng gấp 10 lần, đạt 15 tỷ. Tháng cao điểm nhất năm 2022 đạt doanh số 1 triệu USD. Tổng doanh số cả năm 2022 đạt 60 tỷ với lợi nhuận ròng sau thuế là 20%. Đến hết tháng 10/2023, Huho đã đạt doanh số 70 tỷ đồng và ước tính hết năm 2023 sẽ thu về 150 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2024, thương hiệu này sẽ tăng trưởng 53%, đạt doanh số 230 tỷ đồng. Từ năm 2024 đến năm 2028, mức tăng trưởng mỗi năm sẽ là 30% và sẽ đạt doanh thu 657 tỷ đồng vào năm 2028.

Lên Shark Tank Việt Nam, Huho muốn gọi 12 tỷ đồng đổi 8% cổ phần. Khi được hỏi về động cơ lên Shark Tank, Học thừa nhận là không thiếu vốn, nhưng anh muốn các cá mập đồng hành do doanh nghiệp còn trống kênh bán hàng offline (mở cửa hàng bán trực tiếp).

Các cá mập vừa muốn ra deal, vừa sợ bùng kèo, dọa không ký DD trước thì không phát sóng

Lo ngại startup chỉ lên gọi vốn để "đào mỏ truyền thông", Shark Bình chia sẻ luôn bí kíp "bùng kèo", biến cá mập thành "Shark gác bếp" từ kinh nghiệm cá nhân.

"Bước 1, sau khi nhận deal thì ra ngoài giả vờ rất phối hợp, hợp tác, nhưng khi các Shark yêu cầu gửi số liệu thì hoãn binh bằng rất nhiều phương pháp, chậm gửi số liệu hoặc gửi nhỏ giọt cho đến lúc nào chương trình phát sóng".

"Phát sóng xong các bạn sẽ lấy lý do rằng ôi đơn hàng của em tăng vọt nhiều quá, em chưa có thời gian để phối hợp thẩm định với các Shark. Mất một tháng gì đó, sau đó bắt đầu đưa ra rất nhiều lý do để làm cho các Shark nản và tự bỏ cuộc", Shark Bình nói.

"Em muốn các Shark đồng hành cùng để có người có định hướng phát triển cũng như kinh nghiệm mà bọn em chưa có. Thực sự bọn em muốn có Shark đồng hành cùng chứ thực sự công ty không thiếu vốn", Chung Học khẳng định.

Thể hiện mong muốn có các Shark đồng hành một cách chân thành, Ngọc Huyền cũng tiết lộ điều mà "cả công ty chưa ai biết ngoài co-founder": Khi bán đơn hàng đầu tiên cũng là lúc mà gia đình cô phá sản.

"Khi đã đặt tâm và tâm huyết vào sản phẩm, em sẽ bằng mọi giá để đưa sản phẩm đi cao đi xa và không bao giờ để cho nó chìm. Điều bọn em mong các Shark vào là chân thành", Huyền nói.

Khi chuẩn bị chốt deal 25 tỷ đổi lấy 20% từ Shark Hưng và Shark Bình, Shark Bình xua tay nhắc nhở startup một lần nữa.

"Tôi lưu ý một điểm: Nếu mà số liệu của các bạn đúng như các bạn đã chia sẻ trên sóng thì 100% chúng tôi sẽ đầu tư. Nếu sau này deal không thành chắc chắn chỉ rơi vào 2 khả năng, thứ nhất những gì bạn cung cấp là không đúng, khả năng thứ hai là các bạn cố tình bùng deal", Chủ tịch HĐQT NextTech nói.

Khi deal chuẩn bị chốt, Shark Hưng lại hô "Khoan". Ông yêu cầu tiến hành duedil (due diligence – thẩm định doanh nghiệp) và ký hợp đồng trước khi phát sóng.

"Nếu deal không thành công thì sẽ đề nghị nhà sản xuất không phát sóng các bạn", Shark Hưng nói và nhận được sự đồng tình từ phía startup.


Bình An

Cùng chuyên mục
XEM