Mải khen Samsung chữa cháy giỏi, chúng ta quên mất rằng Apple năm nay cũng đã có một quyết định đầy dũng cảm cho chiếc iPhone 7 của mình

14/10/2016 17:30 PM | Công nghệ

Samsung dám khai tử một dòng điện thoại cũng can đảm đấy, nhưng bàn về nghệ thuật của sự 'can đảm' Apple mới là kẻ hiểu cuộc chơi.

Những ngày qua, người ta bàn luận rất nhiều về việc Samsung can cảm khai tử smartphone Galaxy Note7 trước sự cố cháy, nổ liên tiếp. Rằng cách xử lý khủng hoảng, lẫn nghệ thuật chăm sóc khách hàng của công ty Hàn Quốc rất đáng khâm phục và học hỏi.

Quả thực, việc loại bỏ một dòng điện thoại cao cấp đầy tiềm năng là một quyết định khó khăn mà không phải doanh nghiệp nào cũng dám làm. Nhưng công bằng mà nói, sự can đảm của Samsung đến từ một tình huống bị động, bởi Galaxy Note7 là sự cố do chính hãng này "tự tay" gây ra. Và xóa sổ Note7 là lựa chọn gần như duy nhất dành cho Samsung thời điểm này.

Trong khi đó, đối thủ của Samsung, Apple - không gặp phải vấn đề tương tự, nhưng họ vẫn sẵn sàng dũng cảm cho một sự thay đổi mang tính cách mạng. Đó là khi Tim Cook tuyên bố iPhone 7 năm nay không hỗ trợ cổng tai nghe truyền thống.

Vậy thế nào là sự can đảm: Khai tử một dòng điện thoại cao cấp, hay dám bỏ đi cổng tai nghe truyền thống?

Hãy cùng nghe Chris Myers, đồng sáng lập và cũng chính là CEO của BodeTree - một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, chia sẻ về vấn đề này.


Dù yêu hay ghét cũng không thể phủ nhận, các sự kiện thường niên của Apple luôn gây được sự chú ý rất lớn. Cho dù Apple đã mất đi ít nhiều tiếng tăm trong kỷ nguyên hậu Steve Jobs, họ vẫn làm được những điều tuyệt vời.

Tuy nhiên, sự kiện gần đây nhất diễn ra vào ngày 7/9, khi những nâng cấp về mặt công nghệ đưa ra được mô tả như là sự gia tăng giá trị, Apple đã tuyên bố chắc nịch: những thập kỷ của chiếc tai nghe có dây giờ đây đã trở thành dĩ vãng.

Tuyên bố này đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng Apple vẫn cho rằng đó chỉ đơn thuần là sự tiến bộ tự nhiên trong triết lý kinh doanh dài hạn. Đỉnh điểm của cuộc tranh cãi xảy ra khi Phil Schiller, Giám đốc marketing của Apple nói đây là một tuyên bố "can đảm".

Gần như ngay lập tức, cộng đồng mạng tỏ thái độ phẫn nộ dành cho Apple lẫn ban lãnh đạo công ty. Câu nói của Schiller sau đó còn bị chế nhạo vì sự can đảm, thậm chí bị đem ra so sánh với những tình huống trớ trêu đã xảy ra với Apple trong lịch sử.

Tuy nhiên, nếu đứng trên góc độ kinh doanh, bạn sẽ hiểu rằng, việc đi tới một quyết định về sản phẩm như vậy chẳng khác nào đấu tranh vì một lý tưởng nào đó. Tôi dám chắc Apple có cái đúng của họ.

Thực tế là như vậy, luôn phải có một sự "can đảm" nào đấy khi một tổ chức đưa ra quyết định khác biệt.

Khi thực sự làm chủ một doanh nghiệp, bạn sẽ hiểu rằng: Sự thay đổi luôn luôn rất nhọc nhằn

Người tiêu dùng số đông luôn luôn rất khó tính. Họ đòi hỏi sự cách tân nhưng lại có nỗi sợ vô căn cứ đối với những thay đổi lớn. Đôi khi họ lại được xoa dịu chỉ bởi những cải tiến nho nhỏ. Nhưng xét cho cùng, những bước đột phá vẫn là điều cần thiết đối với một sản phẩm.

Cách đây khoảng 2 năm, tôi phải giải quyết một tình huống tương tự ở công ty mình, BodeTree. Vì chúng tôi mới bắt đầu hoạt động từ năm 2010, BodeTree phải lệ thuộc vào Intuit's QuickBooks Desktop về nguồn dữ liệu chính

Tuy nhiên, càng lệ thuộc chúng tôi lại càng nhận ra rằng nguồn dữ liệu này không thực sự đáng tin cậy. Nhưng khi đó, chúng tôi không thể thoát ra khỏi, bởi gần 90% khách hàng đều quá quen với hệ thống của QuickBooks Desktop.

Tới khi công ty phát triển hơn, chúng tôi đứng trước một quyết định khó khăn: tiếp tục hỗ trợ cho QuickBooks Desktop (và số lượng lớn người sử dụng) hay lựa chọn một hướng đi khác, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro?

Cuối cùng, chúng tôi quyết định từ bỏ hoàn toàn kênh dữ liệu đó và tập trung toàn lực vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu trực tiếp từ các tài khoản ngân hàng.

Khó thì khó thật, nhưng sẽ chẳng có sự thay đổi nào dễ dàng được chấp nhận

Khi đó, chúng tôi quyết định mở ra hướng đi mới, vì mục tiêu nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời, đáp ứng toàn bộ nhu cầu của thị trường doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa khách hàng sẽ cảm thấy khó khăn, thậm chí là khó chịu với sự đổi mới.

Ban đầu, chúng tôi tiến hành thử nghiệm và triển khai các giải pháp khắc phục, nhưng kết quả là mọi chuyện càng thêm rối rắm. Dám đưa sản phẩm của mình lên phía trước theo một cách mới, bạn phải chấp nhận sự phẫn nộ từ phía các khách hàng khó tính nhất.

Do đó, Phil Schiller đã đúng: Apple thực sự cần tới lòng can đảm. Ở đây, lòng can đảm là cần thiết để thực hiện một điều đúng đắn về lâu dài, cho dù có khó khăn và không chắc chắn trước mắt. Nhưng cuối cùng nó sẽ chứng minh cho ta thấy đó là sự đúng đắn.

Chắc chắn là như vậy, chúng tôi phải chấp nhận sự phẫn nộ và từ bỏ của một số khách hàng, nhưng sau vài năm kể từ khi đưa ra quyết định đó chúng tôi đã tăng trưởng lên gấp 10 lần. Nếu chúng tôi thiếu can đảm, e rằng BodeTree đã không có được ngày hôm nay.

Hãy nhớ rằng kinh doanh luôn mang đậm tính cá nhân

Khi một nhà quản lý marketing mô tả việc gỡ bỏ giắc tai nghe là một hành động "can đảm", điều này rất dễ trở thành trò cười. Bởi vì lòng can đảm đơn thuần chỉ là từ ngữ dành cho lực lượng quân nhân, hoặc cho những người dám đứng ra bảo vệ chân lý dưới áp lực của xã hội.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ một doanh nghiệp, hành động dám đưa ra quyết định "đổi mới" nhằm nuôi hy vọng thực hiện một điều đúng đắn về lâu dài, dù biết trước con thuyền kinh doanh có thể chao đảo, thậm chí gây phẫn nộ khách hàng quả thực là rất can đảm.

Vậy như thế có giống với việc giẫm lên quả lựu đạn để cứu đồng đội hay xuống đường biểu tình vì nhân quyền hay không?

Không, tất nhiên là không giống. Nhưng khi phải đưa ra quyết định mang đậm tính cá nhân và tiềm tàng nhiều rủi ro, các nhà kinh doanh, mà cụ thể là CEO Apple - Tim Cook cho thấy, họ quả thực có lòng can đảm và lòng can đảm đó không nên bị chế giễu.

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM