img

Tôi cảm thấy cực kỳ tệ khi nghĩ đến việc phải về nhà vào Tết năm nay.

Mấy năm rồi, tôi không ở nhà thường xuyên. Công ty xa, cộng thêm cái suy nghĩ "tự lập từ sớm" khiến tôi chả bao giờ thiết tha về nhà. Trái lại, tôi đi thuê một phòng chung cư nhỏ gần trung tâm, nơi tôi ở cùng với hai đứa bạn cùng một người mà hiện tại tôi coi là quan trọng nhất. Thành thử, số lần tôi xuất hiện ở nhà mỗi tháng đếm chưa đầy một bàn tay. Ngủ ở nhà lại càng ít.

Nhà tôi coi tôi là "con cừu đen" của cả gia đình. Một thằng cháu đích tôn ương bướng, đến nỗi mà ông tôi nhiều lúc cứ gằn lên là tại sao ngày xưa không đẻ ra con gái, đến tuổi này là tống được cho nhà người ta rồi, đỡ phải nhìn thấy nó lượn lờ chướng mắt. Tôi vốn không nghe ai, truyền thống của gia đình không theo, định hướng của nhà cũng chẳng màng, tôi cứ nổi loạn, một thân một mình dò dẫm theo cái niềm tin của bản thân để khẳng định mình là đứa có thực lực.

Và thường thì những kẻ như tôi, sẽ ngã một vố thật đau để biết mình kém cỏi thế nào. Cái ý tưởng kinh doanh mà tôi vỗ ngực "kiểu gì cũng hot" nó thậm chí còn chẳng nổi được một miếng sủi tăm. Tôi xấu hổ với gia đình, xấu hổ với bản thân, xấu hổ với bạn bè, xấu hổ với cả những người tôi vay mượn, khi có người còn đang lúc cấp bách vẫn sẵn sàng cho tôi mượn tiền "vài ba hôm" nhưng đến gần 2 quý rồi vẫn chưa thể trả lại. Việc học đương dang dở, bị cảnh cáo chấm dứt quá trình học vì đã vắng mặt quá lâu lại càng khiến tôi bế tắc.

Mặc kệ những muộn phiền lo toan, mình lại trở thành đứa trẻ khi về với gia đình ngày Tết - Ảnh 1.

Cùng lúc ấy, tôi bắt đầu chuyện tình đầy sóng gió của mình. Đau khổ, thất vọng, nhen nhóm một chút hi vọng rồi lại vụt tắt, chu kỳ những diễn biến ấy lặp đi lặp lại, cộng thêm với lần thất bại kinh doanh vừa rồi vò nát con người tôi, vứt về một thằng nhăn nhó, tiêu cực và có vấn đề về sự tin tưởng.

Những biến cố khủng hoảng tuổi đôi mươi ấy khiến suy nghĩ phải về nhà dịp Tết trở nên… tiêu cực. Tôi ngại những lời chúc tụng, ngại những lễ nghi phức tạp, ngại cái cảnh phải trả lời hàng nghìn câu hỏi vì sao, tại sao, dạo này thế nào, sao lại thế, tao đã bảo mày rồi. Những quan tâm thái quá của họ hàng, những ánh mắt tò mò xót xa mà tôi đã tưởng tượng ra trong đầu… khiến tôi nản khi nghĩ đến việc bước chân vào cánh cổng quen thuộc ấy.

Năm nay, tôi thật lòng chỉ muốn đắp chăn trong căn phòng thuê, ngủ một giấc và mở mắt ra đã thấy hết Tết.

Mặc kệ những muộn phiền lo toan, mình lại trở thành đứa trẻ khi về với gia đình ngày Tết - Ảnh 2.

Nhưng dĩ nhiên là, với hàng chục cuộc điện thoại và tin nhắn khẩn thiết của mẹ, của ông bà, tôi vẫn "phải" khăn gói về nhà để ăn Tết.

Trước khi thu dọn "hành lý" để từ quận này về quận kia giữa cái thủ đô Hà Nội rộng chừng vài tiếng đi hết này, tôi phải chuẩn bị sẵn 1001 câu trả lời cho 2002 câu hỏi đến từ người thân, khách khứa, họ hàng cùng một tinh thần đương đầu kiểu "Không sao cháu vẫn ổn, ai mà chả một lần làm hỏng chuyện" cùng cái thần thái trên giời để chống lại mọi âm mưu chọc ngoáy mà tôi mường tượng sẵn ra.

Dường như linh cảm của tôi không bao giờ đúng.

Tôi trở về nhà cỡ đầu giờ chiều 28 Tết. Chẳng ai nói gì, cơm canh cũng không để phần theo phong cách đón mừng người con ở phương xa mới về. Mọi người đang hối hả tất bật trong bếp, với đống thịt thủ đang nóng hây hẩy trên chảo, khói nghi ngút trong căn hộ chung cư hơn trăm ba mét vuông. Con chó vẫn sủa loạn xạ, ông vẫn lèm bèm mách tội nó tè bậy. Nhà tôi hôm nay đông đủ, ai cũng bận rộn, người xào thịt, người gói giò, người kêu mỏi tay oai oái.

Tôi khá nhớ cái cảm giác bận rộn ngày Tết này. Trước đây, cái vụ nhổ lông lợn là nhiệm vụ của tôi. Tôi không hiểu lắm cái khái niệm "vì mỗi mày đeo kính nên mày nhìn rõ nhất nhà" để mà đày tôi với mấy cục thịt đầy lông tơ mỏng như tơ nhện ấy, nhưng tôi thích mấy cái hoạt động mang tính tỉ mỉ.

Chẳng biết thế nào, nhưng tự dưng, nhìn cái khung cảnh nhộn nhịp ấy của gia đình, tôi cũng cảm nhận được rõ ràng cái cảm giác hoan hỉ ấm áp của Tết.

Mặc kệ những muộn phiền lo toan, mình lại trở thành đứa trẻ khi về với gia đình ngày Tết - Ảnh 3.

Mọi người vẫn thế, vẫn giúp đỡ nhau, vẫn teamwork với nhau khéo léo và chặt chẽ đến thế, căn bếp vẫn ấm, giống như cái nơi để quay về này.

Ngay lập tức, sắc lệnh ban xuống cho thằng con còn chưa kịp để xe máy nguội bớt ống pô: đi mua hành cho mẹ gói nem. Lại một lần nữa phải nói, tôi đã có kinh nghiệm gần hai chục năm đi mua hành cho mẹ. Hai chục năm rồi, mẹ vẫn mua thiếu hành, thiếu mùi, thiếu tỏi, mộc nhĩ nấm hương để làm nem, làm cỗ.

Tôi rất nhớ cái cảm giác cùng bà đi chợ hoa sắm đào Tết. Một cành trưng phòng khách, một cành nhỏ nhỏ sẽ để trưng ban thờ gia tiên, một cành nữa để bà cắm trong phòng ngủ của ông bà. Cô hay kêu bà lãng phí, mua cho lắm đào để đến ngày nó rụng cho đầy nhà, cô sẽ lại phải lúi húi đi dọn, nhưng khi bà mua về cô sẽ tất tả đi chọn cái bình đẹp nhất để trưng, miệng vẫn không quên kêu ca một chút. Ở nhà lúc ấy đang sẵn một cành đào to đùng, cồng kềnh đến nỗi cứ mỗi lần có người đi qua là vài cánh hoa lại rơi xuống, nhẹ bẫng như những lo toan của tôi đang dần trút xuống khi bước qua cánh cửa. Tất nhiên, tiếp theo chính là đi mà quét cái đống cánh hoa đào rụng rơi ấy, còn ai bé hơn ở đây để mà làm? Bi kịch của con một là thế, không có đàn em để mà sai vặt, cũng không có anh lớn chị lớn để mà đùn đẩy nhau.

Mặc kệ những muộn phiền lo toan, mình lại trở thành đứa trẻ khi về với gia đình ngày Tết - Ảnh 4.

Tôi có thừa thời gian nằm vạ vật, nhưng không có những con người đã bên mình hơn 2 chục năm qua như thế này bên cạnh.

Nhà tôi ít nói lời yêu thương với nhau, một kiểu gia đình Châu Á điển hình. Mọi quan tâm san sẻ, động viên đều sẽ được biểu đạt thông qua hiện vật, hoặc hành động. Với nhà tôi là đồ ăn. Một đống hạt dẻ cười xếp lôi thôi ở trên bàn khách thay lời nhắn gửi yêu thương tới tôi. Ai cũng biết, tôi thích ăn hạt dẻ cười, và cũng là chiến sĩ duy nhất có khả năng biến 3 gói cỡ 500gr trở thành một đống vỏ trắng chỉ trong 1 ngày. Ở đây có tầm 5 bịch, chắc chắn mọi người đã tính toán 1 bịch còn lại cho khách đến chơi nhà, 1 bịch còn lại cho cả nhà cùng vui, còn tôi thì đi mà no say với đống còn lại. Ăn bù đi cho phấn chấn.

Cứ như tôi vẫn còn là một thằng nhóc đang được cả nhà cưng chiều, dù tuổi đã đang nhích dần sang đầu 3, còn bạn bè thì bây giờ con cái chắc đang khóc inh ỏi.

Phải thú nhận một điều, ngoài cảm giác đối phó với thất bại trước người thân, tôi còn có cảm giác háo hức khi trở về. Không biết sẽ có cái gì mới: bộ đệm ngồi đi văng, liệu cô có sắm cái TV mới cho nhà thay cho chiếc TV to đùng đã lỗi thời từ 10 năm trước hay không, mấy cái bóng đèn bếp đã sửa chưa, hay bộ bàn ghế ăn có còn cọc cạch như trước?

Bỗng từ lúc nào, tôi bắt đầu nhảy chân sáo khi đi chợ, và ngâm nga mấy câu hát lúc hì hụi lau mấy tấm cửa kính.

Mặc kệ những muộn phiền lo toan, mình lại trở thành đứa trẻ khi về với gia đình ngày Tết - Ảnh 5.

Người ta cứ nói với nhau rằng Tết bây giờ nhạt nhẽo, với lắm muộn phiền lo toan cúng biếu quà cáp, hay cái áp lực phải to, phải đẹp với đời, phụ nữ thì hết hồn với cỗ bàn sắm sửa. Người ta bảo, chỉ có trẻ con là thích Tết, còn người lớn, Tết là gông cùm. Nhưng mà hình như không phải.

Ở mình thôi mà. Tết nặng nhọc hay vui vẻ, cũng là mình muốn thế nào cái đã.

Nhà nào cũng như nhà tôi thì tốt nhỉ, chả lo toan lắm việc sắm sửa biện bày. Mẹ bảo, cả năm sắm rồi, Tết nhất sắm nữa để mà dở hơi à, nên cũng không ai bị cái nỗi lo phải mua được cái gì ngày Tết, chỉ mua thêm bánh mứt, mua đào mua quất với lau chùi nhà cửa bàn ghế thôi, quây quần bên nhau đủ vui là được.

Mặc kệ những muộn phiền lo toan, mình lại trở thành đứa trẻ khi về với gia đình ngày Tết - Ảnh 6.
Lương Hồng Phúc
Vũ Tuấn Anh
Linh Phương
Theo Trí Thức Trẻ17/02/2018

Trí Thức Trẻ