Mắc bệnh nan y có phải là "án chung thân"? Hãy xem bí quyết chữa bệnh của cụ ông 87 tuổi!

08/08/2017 14:43 PM | Sống

Mắc tiểu đường mức độ nặng khi 60 tuổi, nhưng ông Sơn đã vượt qua bệnh tật và sống khỏe mạnh tới 87 tuổi. Hiện ông vẫn làm việc và sống vui vẻ với 6 bí quyết ai cũng nên tham khảo.

Vui vẻ chiến đấu với bệnh ròng rã gần 30 năm với 6 bí quyết đáng giá

Trong Câu lạc bộ Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tại Bắc Kinh (Trung Quốc) có một người gần 90 tuổi nhưng rất chăm chỉ tham gia lịch sinh hoạt định kỳ của hội, ông Hàn Quế Sơn, từng là một vận động viên thể thao nổi tiếng, là một "người hùng" trong quân đội Trung Quốc.

Năm nay đã 87 tuổi, dù khỏe mạnh, nhanh nhẹn và trẻ trung, minh mẫn nhưng ông có lịch sử mắc bệnh tiểu đường thể nặng từ lúc 60 tuổi. Nhìn bề ngoài, ít ai biết ông là một bệnh nhân nan y đã phải chống chọi với bệnh tật gần 3 thập kỷ.

Các thành viên Câu lạc bộ Tiểu đường Bắc Kinh thường gọi ông với cái tên thân mật là Anh Cả và hầu như không ai quan tâm đến tuổi của ông nữa.

Hàn Quế Sơn từng là một người có công lớn trong việc khởi xướng phong trào thể dục thể thao kiểu mới tại Trung Quốc. Ông cũng là quán quân đầu tiên của Trung Quốc đạt giải trên đấu trường quốc tế, còn được mệnh danh là "Anh hùng thể thao quân đội".

Đối với Hàn Quế Sơn, ông cho rằng con đường từ một "anh hùng thể thao" rồi đến "anh hùng chống lại bệnh tiểu đường" vô cùng nhiều trải nghiệm và những ấn tượng khó quên.

Trong lễ kỷ niệm ngày truyền thống của Hiệp hội bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đang điều trị Bắc Kinh, ông đã có bài chia sẻ về bí quyết phòng tránh và sống chung với căn bệnh quái ác này, nhận được sự khen ngợi lớn của người nghe.

Ông Sơn kể, năm 1990, trong khoảng thời gian chuẩn bị diễn ra Á vận hội thể thao Bắc Kinh, khi đó ông khoảng 60 tuổi, được ủy quyền của Ban tổ chức và nhận nhiệm vụ làm Phó ban tổ chức công tác đối ngoại.

Do ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ cộng với việc ăn uống thất thường, thể thao ít nên ông bắt đầu có cảm giác xuất hiện các dấu hiệu cơ thể có bệnh.

Lượng đường huyết của ông đo được khi đói bụng là 25 mmol/lít, đây là chỉ số khá lo ngại so với sức khỏe và tuổi tác của ông ở thời điểm đó.

Ông Sơn khi 87 tuổi, vẫn trẻ trung phong độ
Ông Sơn khi 87 tuổi, vẫn trẻ trung phong độ

Trong giai đoạn đầu phát hiện ra bệnh, giống như nhiều người khác, ông Sơn hầu như không biết cách để chống lại với bệnh tật như thế nào, thiếu kiến thức và đương nhiên chưa có kinh nghiệm.

Hơn nữa, dù có bệnh nhưng ông vẫn còn chủ quan, coi nhẹ hậu quả dẫn đến bệnh càng ngày càng nặng thêm, thường xuyên phải nhập viện điều trị, cơ thể khó chịu, sống khổ sống sở một thời gian dài.

Về sau, ông tham khảo sách báo tài liệu và nhận ra một điều, dù có bệnh gì nặng nề nguy hiểm đi chăng nữa, tinh thần đấu tranh chống lại bệnh càng cao thì khả năng điều trị càng cao, sức khỏe hồi phục càng tốt.

Ông bắt đầu tham khảo ý kiến bác sĩ, quyết tâm điều trị tích cực và đúng phác đồ mà bác sĩ đưa ra. Đồng thời bản thân kết hợp tốt giữa thuốc và thực phẩm, lựa chọn cách ăn uống phù hợp với người có bệnh tiểu đường để khống chế tốt chỉ số đường huyết.

Ông đã duy trì trạng thái quyết tâm chiến thắng bệnh tật liên tục trong hơn 20 năm, cơ thể cải thiện rõ rệt, sức đề kháng tốt hơn, các chỉ số xét nghiệm cân bằng hơn, bệnh tiểu đường cũng gần như biến mất trong mấy năm trở lại đây, chỉ số đường huyết chênh lệch không đáng kể so với người bình thường.


Ông tiếp tục làm công tác chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh cho nhiều người

Ông tiếp tục làm công tác chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh cho nhiều người

Từng là một quân nhân nổi tiếng, khi tuổi cao ông vẫn không ngừng phấn đấu để đạt thành tựu.
Từng là một quân nhân nổi tiếng, khi tuổi cao ông vẫn không ngừng phấn đấu để đạt thành tựu.

Những quy tắc bất biến dành cho người muốn chiến thắng bệnh tiểu đường

1. Sắp xếp thời gian làm việc nghỉ ngơi phải hợp lý

Trong suốt thời gian chống chọi với bệnh tật, ông Sơn nghiệm ra một điều, giai đoạn nào ông duy trì thời gian biểu của công việc và nghỉ ngơi hợp lý thì quãng thời gian đó khỏe mạnh. Còn giai đoạn sinh hoạt tùy tiện thì sức khỏe xuống dốc nghiêm trọng.

Sinh hoạt có nhịp điệu là điều quan trọng nhất để đảm bảo sức khỏe và tuổi thọ. Dù hàng ngày công việc có bận cỡ nào, ông Sơn cũng đi ngủ vào lúc 11h và thức dậy trong khoảng thời gian từ 5-6h. Nếu hôm nào ông thức dậy sớm hơn giờ đó mà không ngủ lại được, thì ngay trong buổi trưa ông sẽ "ngủ bù" khoảng thời gian thiếu hụt.

Chỉ có nghiêm khắc trong lịch sinh hoạt thì cơ thể mới duy trì được trạng thái ổn định.

2. Duy trì đi bộ đủ 10 ngàn bước/ngày

Ông Sơn cho rằng, trong tất cả các môn thể thao mà ông từng trải nghiệm, đi bộ có lẽ là lựa chọn phù hợp nhất với ông. Bởi thời gian và phương tiện không bị gò ép, thực hiện theo khả năng của mình, lại không phải mất chi phí.

Mỗi ngày ông duy trì việc đi bộ khoảng 12 ngàn bước. Nếu như có hôm nào ông mệt hoặc thời tiết không thuận lợi, thì cũng sẽ cố gắng đi khoảng 10 ngàn bước. Thậm chí ông còn dùng điện thoại đo bước chân và ghi chép số bước chân hàng ngày đi được, để lấy đó làm động lực và quyết tâm.

3. Chế độ ăn uống thật sự lành mạnh

Dùng thực phẩm để điều trị bệnh (thực liệu) là một trong những bí quyết quan trọng của ông Sơn để vượt qua trở ngại của bệnh tiểu đường. Theo ông, người có bệnh tiểu đường phải đặc biệt chú ý đến việc mình sẽ ăn gì, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào cho đúng.

Ăn uống đúng cách và lành mạnh chính là chìa khóa để điều trị bệnh tiểu đường, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị hàng ngày của bệnh nhân.

Bản thân ông áp dụng lịch trình và chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Mỗi bữa chỉ ăn no khoảng 80%. Ăn hoa quả trước bữa ăn, hạn chế ăn dầu mỡ, không mấy khi ăn đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn hay trứng, thịt cũng rất chừng mực.

Ông chia sẻ một kinh nghiệm ăn uống quan trọng mỗi ngày đó chính là duy trì công thức số 1 gồm 4 chữ "một: Mỗi ngày 1 túi sữa. Mỗi ngày một quả trứng, mỗi ngày một đĩa rau, mỗi ngày một đĩa hoa quả.

Công thức số 2 gồm 4 chữ "hai": 2 miếng thịt to (khoảng 1 lạng/ngày), 2 bìa đậu phụ hoặc chế phẩm từ đậu, 2 thìa dầu ăn, không ăn uống bừa bãi, thèm gì cũng không nên ăn quá.

4. Sử dụng thuốc hợp lý

Liệu pháp insulin là một phương tiện quan trọng trong điều trị tiểu đường bằng thuốc. Ông Sơn tuân thủ việc tiêm insulin mỗi ngày hai lần, luôn phải kiểm soát lượng đường trong máu đi đói ở mức 7 mmol/lít hoặc ít hơn. Chỉ số đường huyết sau khi ăn là khoảng 9 mmol / lít hoặc ít hơn, chỉ số mỡ màu, huyết áp đều phải đảm bảo trong ngưỡng bình thường.

5. Duy trì tâm trạng vui vẻ, cân bằng

Người khỏe mạnh có thái độ sống vui vẻ thì họ càng ngày càng khỏe mạnh, còn người có bệnh, thì nhất định phải ghi nhớ điều này. Tâm trạng cân bằng chính là điều kiện cần thiết giúp cho quá trình điều trị bệnh được thuận lợi, bệnh sẽ giảm nhẹ nhanh chóng hơn.

Nghiên cứu cho thấy áp lực tâm lý nặng sẽ làm gia tăng sức đề kháng insulin, thúc đẩy sự xuất hiện và phát triển của bệnh tiểu đường. Ông Sơn cho rằng bản thân ông luôn cố gắng duy trì tinh thần lạc quan yêu đời, vui vẻ và thảnh thơi không nghĩ ngợi nhiều.

Ông luôn luôn nghĩ rằng bệnh tiểu đường dù có phải cả đời sống chung với nó thì cũng là điều bình thường, không có gì đáng sợ. Coi tiểu đường là đối thủ và ông sẽ là dũng sĩ quyết đấu đến cùng.

Không chỉ bản thân ông giữ thái độ vui vẻ, mà ông còn cổ vũ tinh thần những người bạn cùng cảnh ngộ, ai mắc bệnh nặng ông càng động viên họ lạc quan để chữa trị. Có bệnh thì vẫn nên sống bình thường nhẹ nhàng như người không có bệnh, vui vẻ thì mới khỏe mạnh.

Ông cũng khuyên mọi người nên làm việc bình thường, sống có sở thích và đam mê, cống hiến cho bản thân, gia đình và xã hội, không bao giờ nên có trạng thái bi quan chán nản hay thất vọng.

6. Tập thể dục thường xuyên

Vốn là một người hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao nên ông Sơn luôn biết rõ tầm quan trọng của việc vận động đối với sức khỏe, đặc biệt là trong thời gian điều trị bệnh.

Dựa vào những kiến thức hiểu biết rộng về thể thao và kết hợp nghiên cứu những bài tập thể dục phù hợp với bệnh nhân tiểu đường cao tuổi, ông Sơn đã tự phát triển những bài tập tốt nhất cho nhóm bệnh nhân này và chia sẻ cho các thành viên khác trong câu lạc bộ tiểu đường.

Bài tập này được chia đều cho 4 bộ phận, gồm thể dục cho các ngón tay, thể dục cho vùng thân trên, thể dục cho vùng lưng và thể dục cho vùng thân dưới.

Bài tập của ông Sơn phù hợp cho tất cả mọi bệnh nhân mắc tiểu đường ở mọi lứa tuổi, mỗi ngày duy trì tập trong khoảng 30 phút, vừa khống chế tiểu đường gia tăng, vừa có thể dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe.

Video bài tập hàng ngày vùng tay của ông Sơn.

*Theo Health/Sohu

Vân Hồng

Cùng chuyên mục
XEM