img

Tại nhiều quốc gia, toàn cầu hóa bị coi là nguyên nhân chính khiến người bản địa mất việc làm hoặc bị hạ lương. Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại coi đây là cơ hội tạo thêm việc làm cũng như tăng cao thu nhập cho người dân. "Trong tình hình hiện tại, APEC thật sự cần thảo luận các vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa cũng như tăng trưởng toàn diện", ông Lý Hiển Long nói.

Vào một ngày đẹp trời tháng 4/2014, phóng viên của tờ Fianacial Times có cơ hội được phỏng vấn với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại London (Anh). Với một bữa trưa chỉ vào khoảng 59,25 Bảng Anh, phóng viên Gideon Rachman đã thực sự ấn tượng với phong cách giản dị của nhà lãnh đạo Singapore cũng như tư tưởng của ông về đường lối phát triển đất nước.

Vậy điều gì đã làm nên tên tuổi của nhà lãnh đạo đại tài này khi người khai sinh Singapore và cũng là cha của ông, cố thủ tướng Lý Quang Diệu đã qua đời, để lại một câu hỏi hóc búa cho hướng đi của đất nước?  

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 1.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 2.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 3.

Khi còn du học ở Anh, thành tích học tập của Thủ tướng Lý Hiển Long tốt tới mức ông được mời ở lại trường để tiếp tục học nâng cao và theo con đường nghiên cứu. Tuy nhiên, chàng thanh niên trẻ khi đó đã từ chối bởi cảm thấy còn có trách nhiệm với quốc gia.

Điều khá đặc biệt là khi được hỏi liệu ông có biết trước mình sẽ theo nghiệp chính trị hay không, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đây không phải là truyền thống gia đình và ông không lường trước được rằng mình sẽ thành nhà lãnh đạo Singapore.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 4.

Ông Lý Hiển Long được biết đến nhiều nhờ có công đưa nền kinh tế Singapore thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng tài chính. Khi lên nắm quyền vào năm 2004, Thủ tướng Lý Hiển Long đã góp phần đưa tăng trưởng nước này lên mức 8,3% sau quãng thời gian giảm tốc do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế cũng như dịch SARS.

Tiếp trong những năm sau đó, nền kinh tế Singapore tiếp tục giữ được đà tăng trưởng cho đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Sau khi chịu tác động lớn từ cuộc khủng hoảng này, nền kinh tế Singapore dần hồi phục với mức tăng trưởng 14,2% năm 2010, cao hơn rất nhiều mức tăng trưởng âm 2,1% của năm 2009.

Kể từ khi nhậm chức, những cải cách của Thủ tướng Lý Hiển Long giúp môi trường chính trị, kinh doanh tại đây cởi mở hơn so với thời cha ông. Tổ chức minh bạch quốc tế thường xuyên xếp Singapore là nơi ít tham nhũng nhất châu Á với hệ thống hành chính công minh bạch, môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư.

Ngoài những thành tựu nổi bật như ổn định nền kinh tế Singapore vượt qua các cuộc khủng hoảng năm 2008 hay định hướng phong trào khởi nghiệp, Thủ tướng Lý Hiển Long còn được nhiều người biết đến với tư tưởng ủng hộ toàn cầu hóa cũng như tự do thương mại.  

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 5.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 6.

Sau khi nền kinh tế Singapore khôi phục sự ổn định từ cuộc khủng hoảng 2008, ông Lý Hiển Long đã có bài phát biểu chúc Tết đầu năm 2010, qua đó đề cập đến việc người dân nước này cần cảnh giác, học tập thêm tri thức, tăng tính cạnh tranh trước sự biến đổi của môi trường. Ngay từ thời điểm này, Thủ tướng Singapore đã nhìn thấy được sự chuyển biến trong quá trình toàn cầu hóa cũng như hướng đi mà đất nước phải có để thích nghi.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 7.

Đối với ông Lý Hiển Long, quá trình toàn cầu hóa có thể gia tăng tác dụng nhiều hơn nếu các quốc gia hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thương mại điện tử và dịch vụ. Đây cũng là những điều mà ông phát biểu trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) năm 2016.

"Trong tình hình hiện tại, APEC thật sự cần thảo luận các vấn đề liên quan đến toàn cầu hóa cũng như tăng trưởng toàn diện", Thủ tướng Lý Hiển Long nói. Theo đó, chính phủ các nước cần trợ giúp những doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có thể tiếp cận được với thị trường quốc tế. Những hãng kinh doanh nhỏ và vừa này chiếm tới 97% hoạt động thương mại và 50% lao động của các nền kinh tế APEC. Điều này khiến những doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành động lực tăng trưởng cũng như đổi mới cho nền kinh tế APEC.

Cụ thể, các nền kinh tế APEC có thể nâng cao khả năng truy cập thông tin, tín dụng và trợ giúp kỹ thuật công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ trong việc kinh doanh.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần có những kế hoạch nhằm đào tạo thêm kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là những kỹ năng liên quan đến thương mại điện tử vốn đang tạo ra nhiều việc làm. Các quốc gia APEC cũng nên gia tăng thương mại điện tử bằng việc giảm những rào cản hành chính, thúc đẩy dòng chảy thông tin và đảm bảo an ninh mạng. Thậm chí Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng việc tạm dừng các khoản lệ phí, thuế hải quan cũng nên được cân nhắc.

Một yếu tố quan trọng không kém được Thủ tướng Lý Hiển Long đề cập tới là cải thiện thị trường dịch vụ trong nước, tập trung vào những ngành trọng điểm như viễn thông, logistic hay những mảng sản xuất liên quan đến dịch vụ.

"Nếu có thể tập trung vào những mảng trên với nỗ lực hết mình thì chúng ta sẽ có những điểm tựa, qua đó giúp thực hiện một thị trường thương mại tự do trong khu vực APEC (FTAAP)", ông Lý Hiển Long nhấn mạnh.  

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 8.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, các nền kinh tế nên cộng tác với nhau để đa dạng hóa các nguồn lương thực, qua đó đối phó với tình trạng chịu thiệt hại khi 1 nguồn lương thực chịu ảnh hưởng, ví dụ như thiên tai gây mất mùa.

Riêng tại Singapore, chính phủ nước này có nguồn cung lương thực từ nhiều nơi khác nhau, cả trong lần ngoài nước, qua đó có thể chuyển đổi khi những sự cố xảy ra.

Hơn nữa, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng thị trường lương thực hiện nay cần mở cửa hơn nữa khi vẫn còn bị hạn chế quá nhiều bởi các rào cản luật pháp, hải quan, thuế và lệ phí, chế độ bảo hộ...

"Rất nhiều quốc gia bắt đầu trợ giá cho nông nghiệp với mục tiêu tích cực để rồi kết thúc với những kết quả không mong muốn, gây tốn kém và thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng không giúp gì được cho nông dân," Thủ tướng Lý Hiển Long nhận định.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 9.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 10.

Khi người cha Lý Quang Diệu của Thủ tướng Lý Hiển Long còn sống, nhà lãnh đạo này rất ít khi đề cập đến mối liên quan chính trị giữa 2 cha con nhằm hạn chế những ảnh hưởng ngoài ý muốn. Tuy nhiên sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời, Thủ tướng Singapore thừa nhận người cha của mình đã ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tham gia con đường chính trị cũng như tư tưởng đầy trách nhiệm của mình.

Bởi vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long luôn trăn trở về những khó khăn của người dân, đặc biệt với việc làm và mức lương khi đây là mối quan tâm lớn nhất của đa số cử tri.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 11.

Tại nhiều quốc gia, toàn cầu hóa bị coi là nguyên nhân chính khiến người bản địa mất việc làm hoặc bị hạ lương. Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long lại coi đây là cơ hội tạo thêm việc làm cũng như tăng cao thu nhập.

Với định hướng trở thành một đất nước toàn cầu hóa, Singapore muốn trở thành nền kinh tế dịch vụ, phục vụ cho thị trường khu vực cũng như trên thế giới. Như vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng việc làm tại Singapore sẽ được trả mức lương cao hơn so với bình quân khu vực.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 12.

Trong bài phỏng vấn với hãng truyền thông ABC Radio National của Australia, nhà lãnh đạo Singapore cho rằng vốn đầu tư không phải là yếu tố duy nhất làm nên thành công. Thay vào đó, tư tưởng sử dụng khoa học công nghệ làm bàn đạp thay đổi nền kinh tế và tận dụng triệt để kỹ thuật để làm giàu cho đất nước mới là trọng điểm.

Hơn nữa, việc cải tổ các tổ chức, từ cơ quan hành chính đến những doanh nghiệp cần được làm triệt để tạo nên sự hiệu quả trong nền kinh tế. Thêm vào đó, lực lượng lao động cũng cần được đào tạo nâng cao kỹ năng để phù hợp được yêu cầu dịch vụ cao của nhiều nước trên thế giới.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, những nhân viên cấp cao hay những lao động thường có thể không quá giỏi về kỹ thuật công nghệ nhưng họ phải hiểu mình đang làm gì, từ đó tìm ra phương pháp làm việc hiệu quả nhất.

Nhà lãnh đạo Singapore cho biết nền kinh tế đất nước mình vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu đề ra và cần thêm nhiều cố gắng để trở thành quốc gia thông minh phục vụ cho cả thế giới.  

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 13.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long được coi là người có lối sống vô cùng giản dị cũng như thường xuyên tương tác với người dân. Hình ảnh vị thủ tướng xếp hàng mua đồ ăn hay những bài đăng tương tác, những bức ảnh cùng người dân trên Facebook đã không còn xa lạ với người Singapore. Facebook cá nhân của Thủ tướng Lý Hiển Long có hơn 1 triệu lượt thích. Cá biệt vào năm 2015, ông còn đăng 1 đoạn code viết từ nhiều năm trước để giải trò chơi Sodoku lên Facebook.

Chính nhờ sự thân cận với đời sống người dân này mà nhà lãnh đạo Singapore hiểu rõ những cử tri của mình thực sự muốn gì. Trong bài phát biểu với tạp chí Time, ông Lý Hiển Long cho rằng sự phát triển của toàn cầu hóa sẽ khiến hệ thống an sinh xã hội của nhiều nước phát triển, bao gồm Singapore chịu áp lực lớn. Trước tình hình đó, chính phủ cần có những biện pháp nhằm chuẩn bị cho giới trẻ thích nghi với thị trường lao động tương lai, vốn là điều chưa có nước nào định hình được.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 14.

Mặc dù chính phủ nhiều nước có thể giúp đỡ đào tạo, hỗ trợ cho những người thất nghiệp nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng những cú sốc thay đổi trong xã hội vẫn sẽ diễn ra do quá trình toàn cầu hóa.

"Việc giúp đỡ những người thất nghiệp từng có công việc ổn định là một thách thức. Họ từng có cả một sự nghiệp, gia đình và trách nhiệm trên vai và giờ đây họ không biết liệu mình có thể tiếp tục công việc hiện tại đến cuối đời hay không. Nếu họ không thể thì chính phủ cần giúp đỡ họ. Các bạn không thể giải quyết vấn đề bằng cách ngăn cản toàn cầu hóa, ngừng thay đổi và tiếp tục làm những gì đang làm. Thậm chí hãng xe GM cũng không thể sống sót khi làm như vậy", Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Singapore cho biết dù tỷ lệ thất nghiệp ở đây rất thấp so với bình quân thế giới nhưng số người mất việc làm có thể đi lên kể cả với những nhân viên trình độ cao.

"Những người lao động cổ xanh có thể được giúp đỡ dễ dàng. Số lượng người lao động trình độ thấp bị mất việc là khá nhiều nhưng chúng ta có thể đào tạo họ trong vòng 3-6 tháng để tái hòa nhập thị trường việc làm. Tuy nhiên, với những lao động trình độ cao như giám đốc ngân hàng thì sẽ khó giải quyết hơn. Trên thực tế ngành ngân hàng sẽ bị tác động của toàn cầu hóa và bạn đang thấy mọi thứ đã bắt đầu", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 15.

Lý Hiển Long: Người đưa Singapore vượt khủng hoảng tới thịnh vượng với định hướng toàn cầu hóa - Ảnh 16.

Cũng theo nhà lãnh đạo Singapore, quốc gia này đang có sự biến chuyển tương tự như một công ty công nghệ ở thung lũng Silicon đang cố vươn lên. Chỉ có điều nếu doanh nhân có thể chọn lựa đối tác và nhân viên thì Singapore lại không có sự lựa chọn đó. Khác với những tỷ phú công nghệ sống phóng khoáng ở thung lũng Silicon ngập trong những bữa tiệc và sự tự do, Singapore cần phải khiến mọi người dân trong nước cùng phát triển và cần thận trọng trong mỗi bước đi.

Kết thúc buổi phỏng vấn với hãng tin Financial Times vào năm 2014, Thủ tướng Lý Hiển Long chốt lại khi nêu lên tầm quan trọng của chính phủ với toàn cầu hóa và tự do thương mại: "Khi mọi người nói rằng họ không cần một chính phủ bảo mẫu can thiệp quá sâu vào nền kinh tế thì trên thực tế đây lại là một sự mâu thuẫn. Một mặt họ muốn được được tự do kinh doanh mà không có rào cản nào trong khi mặt khác, khi có điều gì đó xảy ra họ lại muốn được chính phủ cứu trợ."  

Băng Tâm
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Trí Thức Trẻ