Lý do thú vị khiến người cha 51 tuổi này vẫn nộp hồ sơ thi đại học cùng hai con trai

28/05/2016 18:21 PM | Sống

Ở tuổi 51, ông Thọ vẫn nộp hồ sơ thi đại học cùng hai cậu con trai. Ngày ngày, cả ba cha con cùng nhau ôn thi các môn khối B. Lý do ông Thọ quyết tâm đi thi cũng đầy thú vị, bất ngờ.

Ông Văn Bá Thọ (sinh năm 1965, ngụ H.Hóc Môn,, TP.HCM) cùng hai con trai là Văn Bá Chương (áo trắng, 22 tuổi đã tốt nghiệp THPT) và Văn Thiên Tường 19 tuổi (học sinh Trung tâm GDTX huyện Hóc Môn) cùng đăng ký thi THPT quốc gia năm 2016. Ngày ngày, cả ba cha con cùng nhau ở nhà ôn bài, chuẩn bị cho kì thi sắp tới.

Trong đó, do có nhiều thời gian ở nhà, ít phải đi làm đi học như hai cậu con trai nên ông Thọ dành nhiều thời gian để ôn thi theo phương pháp riêng của mình. Câu chuyện nộp hồ sơ xét tuyển đại học ở tuổi 51 thực sự khiến nhiều người dân trong xóm, họ hàng bất ngờ. "Ai cũng bảo tôi sắp "xuống lỗ" rồi còn học chi nữa, để thời gian mà an hưởng tuổi già. Tuy nhiên, khi biết lý do của tôi, mọi người từ phản đối đều chuyển sang ủng hộ".

Kể về câu chuyện của mình, ông Thọ cho biết, từ năm 18 tuổi cho theo học ngành Y học cổ truyền ở ĐH Y dược TP.HCM. "Tôi giỏi các môn khối B nên chọn ngành này. Tôi chọn học ở Sài Gòn vì vô đó mình có thể tự học tự kiếm tiền, không phụ thuộc gia đình. Hồi ấy tôi vừa học vừa đi buôn phế liệu, công việc rất tốt".

Tuy nhiên việc học chỉ kéo dài hai năm rồi đứt gánh giữa đường. Ông Thọ giải thích: "Thấy công việc có thu nhập, tôi ham làm quá nên chểnh mảng việc học. Rồi hơn nữa, hồi ấy có đi học mới thấy ngành này khó xin việc quá. Tôi không nói nhà mà tự ý bỏ ngang để đi kiếm tiền. Sau khi nghỉ học, tôi làm đủ nghề như đạp xe ba gác, bán vé số, phụ hồ... để mưu sinh".

Một mình tự lập ở Sài Gòn, cuộc sống mưu sinh cứ đè nặng đôi vai nên dẫu có nhiều lần ông Thọ muốn theo lại nghiệp đèn sách mà không thành. Người đàn ông gốc Quảng Nam nhớ lại: "Thậm chí, hồi năm 32 tuổi tôi đã mua đủ sách vở để ôn thi thế mà vẫn không có duyên. Ngay sau đó lần đó, tôi lấy vợ. Hồi đầu mình còn tính là 32 tuổi đi học, ra trường đi làm đến 40 tuổi hẵn lấy vợ cơ".

Bây giờ, khi ở tuổi 51, ông Thọ thấy các con đã trưởng thành nên mới quyết tâm đi học lại. Ông Thọ vẫn chọn học Y học cổ truyền vì công việc này làm không mất nhiều sức, già vẫn có thể làm được. "Tôi học không phải vì bằng cấp gì hết mà là vì muốn có cái nghề ổn định, để sau này khi già hẳn mình vẫn đi làm, không phụ thuộc, trở thành gánh nặng con cái. Làm lương y thì càng già càng dễ làm việc, hơn nữa con cháu có ốm đau mình cũng giúp được".

Tuổi đã cao, nhưng ông Thọ vẫn minh mẫn, tiếp thu tốt kiến thức. Người cha tự nhận mình có khả năng nhớ tốt. Ông nói: "Vài tháng nay, tôi mới bắt đầu xem lại các kiến thức đã bỏ quen suốt mấy chục năm nay. Được cái, mình xem đến đâu thì hiểu và nhớ đến đó".

Ngoài các kiến thức cố định trong sách vở, để củng cố thêm bài vở mới thì ông Thọ học qua mạng bằng cách nghe giảng trên các video, ghi chép lại kĩ lưỡng. "Ban đầu, tôi học phần căn bản sau đó đến nâng cao. Mình có cái nền rồi nên chỉ cần chăm chú lắng nghe là hiểu được hết", người cha chia sẻ.

Và cứ thế, mỗi ngày cả ba cha con đều sắp xếp thời gian để cùng học bài với nhau. Cả ba người cùng thi khối B nên thuận tiện trong việc ôn bài. Căn nhà khá chật, lụp xụp nên không có góc học tập riêng cho ba cha con.

Với những kiến thức đã nắm được, ông tự tay giảng dạy lại các công thức, bài tập khó mà con chưa hiểu. Mỗi ngày, ba cha con dành khoảng 4 tiếng để học bài.

Hiện tại, thời gian học của ba cha con chủ yếu internet. Chiếc máy tính để bàn cũng do ông Thọ xin được cách đây vài tháng.

Do sức học của mỗi người khác nhau, nên ngoài giờ học chung thì cả ba cha con lại tự học theo cách riêng của mình. Cậu con trai cả Văn Bá Chương, 22 tuổi đã tốt nghiệp THPT. Chương cho hay năm trước thi được 19,5 điểm nộp xét tuyển vào ngành công nghiệp thực phẩm nhưng ngành này điểm chuẩn lấy hơn 20 điểm nên bị rớt. Lần này em vẫn quyết tâm thi vào vì sở thích.

Chương bận đi làm ở một xưởng may tận H.Củ Chi, cách nhà 20km nên không có nhiều thời gian học. Cậu tâm sự: "Em cũng được cha động viên nên tối về đến nhà là học luôn. Nếu không đậu ngành Công nghệ thực phẩm thì em sẽ theo học cao đẳng về Maketting". Trong ảnh, Chương đang làm việc ở xưởng.

Cả hai người con, ông Thọ đều nhận xét là chăm học, tiếp thu tốt. Nhưng cậu con út Văn Thiên Tường (19 tuổi) vẫn "nhỉnh" hơn anh trai. Cũng như cha, Tường thi khối B vào ngành bác sĩ đa khoa. Em cho biết, từ bé đã ước mơ làm bác sĩ.

"Em rất khâm phục sự chăm học của ba, là động lực để em noi theo. Cách ba giảng dạy cũng dễ hiểu, không khi nào la mắng mà đề cao sự tự giác trong học tập", Tường chia sẻ.

Gia đình cũng khó khăn nên Tường còn bán quần áo online. Hằng ngày, sau giờ học cậu đều chạy xe đi giao hàng. Mỗi ngày lời được vài chục ngàn cũng đủ giúp Tường tự lo cho bản thân. Trong ảnh, Tường sắp xếp quần áo để chuẩn bị giao hàng.

Sau giờ học, ông lại cùng vợ lo từng bữa cơm cho các con. Hiện tại, ông Thọ nhận đi dạy gia sư để kiếm thêm thu nhập. Trong kì thi sắp tới, người cha tự tin mình sẽ trúng tuyển. Với đề thi như các năm gần đây, sức học của tôi có thể đạt ba môn hơn 25 điểm”, ông nói.

Khi được hỏi nếu kỳ thi lần này cả ba cha con cùng trúng tuyển vào các trường đại học thì sao, ông Thọ bùi ngùi: “Nếu trúng tuyển thì cả nhà sẽ rất vui nhưng cũng nhiều nỗi lo vì chi phí học tập sẽ rất lớn, trong lúc gia cảnh chưa phải dư dả gì nhiều. Dù vậy tôi vẫn cố gắng học, nếu không đậu thì năm sau lại thi tiếp".

Cùng chuyên mục
XEM