Luxstay, VnTrip sống sao khi không chỉ AirBnb, Agoda, mà đến RedDoorz cũng đổ bộ vào Việt Nam? Sếp Savills cho rằng câu trả lời đến từ bất kỳ KS nội địa nào từ 10 năm trước

10/09/2019 07:32 AM | Kinh doanh

"Hãy nghĩ về bất kỳ khách sạn nội địa nào từ 10 năm trước. Tại thời điểm đó, ngành nghỉ dưỡng nội địa có rất ít kinh nghiệm, tuy nhiên sau khi kết hợp trên nhiều mô hình kinh doanh khác nhau thì các tài sản sở hữu trí tuệ cũng như thông lệ vận hành đã được chuyển giao", ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam, nhận định. Luxstay, Vntrip, Ivivu, Vietnambooking… là những startup Việt ông Troy cho rằng đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ.

"Các khách sạn 3 sao đến 4 sao là phân khúc khá quen thuộc với du khách nội địa tại hầu hết các quốc gia, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Trong thời kỳ hoàng kim của ngành du lịch nội địa tại Việt Nam như hiện nay, có thể thấy các khách sạn thuộc phân khúc này nhìn chung đang hoạt động rất tốt", ông Troy Griffiths - Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam - đưa ra nhận định về phân khúc khách sạn bình dân tại Việt Nam.

Minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc này, ông Troy cho biết, tại thời điểm hiện tại, việc kinh doanh khách sạn tại Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng do đây là mùa du lịch thấp điểm với khách quốc tế, tuy nhiên số lượng du khách trong nước vẫn tăng trưởng mạnh.

Phân khúc bình dân đang đứng trước nhiều cơ hội để nắm bắt lợi thế từ sự bùng nổ của du lịch trong tương lai, nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn bởi chi phí đầu tư thấp, do đó nhiều nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận

Cơ sở hạ tầng được phát triển nhanh chóng trên khắp cả nước, một số thành phố nhỏ hơn của Việt Nam nay cũng có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế.

"Việc này làm tăng tính cạnh tranh cũng như sức chứa của du lịch địa phương, vì vậy chúng tôi tin rằng trong ngành du lịch và đặc biệt là phân khúc bình dân đang đứng trước nhiều cơ hội để nắm bắt lợi thế từ sự bùng nổ của du lịch trong tương lai ngắn hạn và trung hạn. Phân khúc bình dân tuy vậy cũng chịu áp lực cạnh tranh lớn bởi chi phí đầu tư thấp, do đó nhiều nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận", ông Troy cảnh báo.

Một trong những mối quan ngại với các nhà đầu tư khách sạn bình dân Việt Nam là sự gia nhập thị trường của RedDoorz và OYO - những startup về dịch vụ khách sạn giá rẻ trực tuyến, đánh mạnh vào phân khúc khách sạn 3 sao trở xuống với sự hậu thuẫn lên đến hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư khu vực. RedDoorz mới đây gọi vốn thành công 70 triệu USD từ gã khổng lồ thương mại điện tử Rakuten của Nhật Bản, Asia Partners và Mirae Asset-Naver Asia Growth Fund. OYO cũng được SoftBank hậu thuẫn.

Công nghệ sẽ thay đổi phân khúc du lịch nội địa như thế nào trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh nhiều startup lớn trên thế giới như RedDoorz hay OYO mở rộng và khai thác cơ hội tại Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, ông Troy cho biết, mặc dù đây là những startup nước ngoài, khi gia nhập vào thị trường Việt Nam họ lại tạo ra tiềm năng lớn cho sở hữu trí tuệ và chuyển giao giá trị cho Việt Nam.

"Hãy nghĩ về bất kỳ khách sạn nội địa nào từ 10 năm trước. Tại thời điểm đó, ngành nghỉ dưỡng nội địa có rất ít kinh nghiệm, tuy nhiên sau khi kết hợp trên nhiều mô hình kinh doanh khác nhau thì các tài sản sở hữu trí tuệ cũng như thông lệ vận hành đã được chuyển giao. Ngành khách sạn nghỉ dưỡng toàn cầu đã và đang chịu tác động gián đoạn trên mọi cấp độ kinh doanh. Các nhân tố gián đoạn bao gồm AirBnB, các nhà hàng sang trọng, giao thông hay các gói tour, v.v. Tuy trước đây từng được bao gồm trọn gói trong phạm vi mô hình khách sạn, những dịch vụ này nay đang tách ra vận hành độc lập".

"Hiện nay trên thị trường đã có nhiều đơn vị cung cấp nội đia trong lĩnh vực này và tương lai con số này sẽ còn tăng lên. Tiếp cận với hiểu biết và kinh nghiệm quốc tế giúp ngành khách sạn trong nước học hỏi và tăng trưởng một cách hiệu quả. Một số start-up Việt Nam hiện đang hoạt động trong lĩnh vực này và nhận được rất nhiều sự ủng hộ, có thể kể đến Luxstay, Vntrip, Ivivu, Vietnambooking...", ông Troy nhìn nhận.

Bài toán kết nối các khách sạn bình dân đã được một startup Việt Nam đặt ra cách đây ít năm - đó là Atadi của anh Nguyễn Văn Phong. Atadi được biết đến nhiều hơn khi gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam hồi cuối năm 2017 nhưng giao dịch bất thành với Shark Phú. Ở thời điểm đó, Shark Phú nhìn thấy tiềm năng của Atadi, nhưng vị cá mập này muốn rót 27 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần, trong khi mức room của anh Phong chỉ giới hạn ở 35%.

Luxstay, VnTrip sống sao khi không chỉ AirBnb, Agoda, mà đến RedDoorz cũng đổ bộ vào Việt Nam? Sếp Savills cho rằng câu trả lời đến từ bất kỳ KS nội địa nào từ 10 năm trước - Ảnh 2.

Hồi năm ngoái, Atadi sáp nhập với VnTrip - một startup Việt trong ngành OTA (Online Travel Agency) được định giá giá 45 triệu USD, tương đương 1.000 tỷ đồng.

Một tên tuổi khác trong ngành dịch vụ du lịch là Luxstay - nhắm tới thị trường Home sharing (chia sẻ căn hộ) - startup đình đám gọi vốn thành công tới 6 triệu USD ngay trong tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 3. Nếu xét về tính cạnh tranh, Luxstay sẽ chỉ mang tính cạnh tranh gián tiếp với các khách sạn.

Nói về lợi ích của các khách sạn nhỏ khi gia nhập mạng lưới của các startup toàn cầu, ông Troy cho rằng các startup quốc tế hiện có quy trình vận hành chặt chẽ nhằm tiêu chuẩn hóa chất lượng dịch vụ. Các đơn vị khách sạn và chủ nhà có vai trò là bên nhận nhượng quyền, do đó họ sẽ vận hành theo quy chuẩn được định sẵn.

"Những đơn vị này đang khai thác phân khúc thị trường trẻ hơn bằng cách cung cấp dịch vụ nhanh chóng với giá cả hợp lý. Ví dụ, OYO sử dụng công nghệ tiên tiến và khiến khách hàng cảm thấy yên tâm hơn thông qua việc đảm bảo các tiện ích tối thiểu của mỗi phòng: máy lạnh, TV, wifi miễn phí, chăn ga sạch, bữa sáng miễn phí, nhà vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ đồ dùng vệ sinh cá nhân", ông Troy cho biết.

Ngành du lịch của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và đưa đất nước trở thành một trong những điểm đến hàng đầu Đông Nam Á. Hiện nay trung bình mỗi năm có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa so với con số 4 triệu của 10 năm trước, bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Dự kiến tổng lượt du khách sẽ tăng trưởng ở mức 13,5% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023 và đạt 29,1 triệu khách vào năm 2023.

Trong năm 2018, ngành du lịch đóng góp khoảng 27 tỷ USD vào GDP cả nước, chiếm 8%. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), tổng giá trị đóng góp của ngành du lịch cho GDP toàn quốc dự kiến sẽ đạt 9,8% trong 10 năm tới, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 10 trên 185 quốc gia toàn cầu.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM