Lương thuyền trưởng 2 triệu đồng/tháng: Nguyên nhân của nạn “chặt chém” du khách

08/08/2016 11:16 AM | Kinh doanh

Ít ai ngờ rằng lương của thuyền trưởng các tàu du lịch (chủ yếu là tàu thuê theo tiếng) trên vịnh Hạ Long chỉ có… 2 triệu đồng/tháng; các vị trí khác được trả thấp hơn thế. Để có thể đủ sống ở mảnh đất đắt đỏ như Hạ Long, các chủ tàu tạo “điều kiện” cho thuyền trưởng và các thuyền viên bằng cách giao quyền kinh doanh ăn uống, mua bán… trên tàu cho họ. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ “chặt chém”, lừa đảo du khách, gây bức xúc và làm hoen ố hình ảnh du lịch vịnh Hạ Long lâu nay.

Đói nên làm liều

Thời gian gần đây, liên tiếp các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long bị đình chỉ hoạt động bởi những hành vi “chặt chém”, lừa đảo du khách của các thuyền viên.

Chuyện “chặt chém”, lừa đảo này diễn ra ròng rã từ lâu, nhưng chỉ đến khi Ban quản lý vịnh Hạ Long được chuyển giao về UBND TP.Hạ Long, việc xử lý mới nghiêm và quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, những vụ xử lý chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, bởi nhiều đoàn du khách dù bức xúc vì bị lừa cũng đành bỏ qua vì không muốn mất thời gian, nhưng thề sẽ không bao giờ quay trở lại.

Nguồn cơn của việc “chặt chém” diễn ra bấy lâu nay và có lẽ sẽ không chấm dứt chủ yếu là do tình trạng “đói nên làm liều”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoại trừ những hãng tàu lớn, có nguồn khách ổn định, còn hầu hết các tàu du lịch cho thuê theo tiếng (tàu tiếng) trả lương cho nhân viên cực thấp: Thuyền trưởng chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng.

“Trả lương như vậy, nhưng chúng tôi vẫn tạo điều kiện cho các thuyền viên kiếm thêm, trong đó giao cho họ phục vụ ăn uống, bán nước cho khách trên tàu. Nhờ đó, thu nhập bình quân của họ cũng từ 5-7 triệu đồng/tháng/người” - một chủ tàu cho biết.

Một thuyền trưởng xin giấu tên tâm sự: Với đồng lương bèo bọt đó, nên không tìm mọi cách xoay xở thì chắc chết đói.

Hai nguồn thu chính để bù đắp vào khoản lương không sống nổi đó là đưa khách ghé các nhà bè và phục vụ du khách ăn uống trên tàu.

Để “móc” được tiền từ du khách, các thuyền viên và nhà bè không từ một thủ đoạn nào, từ dụ dỗ, lừa đảo đến đe dọa, từ cân điêu đến đánh tráo chất lượng, chủng loại hải sản.

“Chuyến nào du khách đặt ăn trên tàu thì anh em còn được vài đồng, nhưng cũng chẳng đáng bao nhiêu vì phải chia đều cho mọi người. Một số thuyền viên “chém” đẹp du khách để tăng thu nhập là vì thế” - một thuyền trưởng cho biết.

Giảm giá tàu, tăng nguồn thu bất chính

Một số chủ tàu cho biết, với giá thuê tàu tiếng bình quân từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/chuyến hiện nay, không thể trả lương cho nhân viên cao hơn được.

“Chưa tính đến khấu hao tiền tỉ đầu tư/1 tàu, số tiền đó còn phải trang trải cho đủ thứ: Dầu, phí, thuế và lương nhân công, với ít nhất từ 4-5 người/chuyến” - chủ tàu N.Đ.T

chia sẻ. Theo một số thuyền viên, may mắn thì được giữ nguyên lương, còn không thì mỗi năm một giảm do các chủ tàu đua nhau giảm giá thuê tàu để giành giật khách.

Chuyện này liên tục diễn ra từ nhiều năm nay bởi sự xuất hiện ồ ạt của những con tàu mới trên vịnh Hạ Long, do việc “đóng tàu dễ như mua mớ rau”.

Thậm chí năm 2011, UBND tỉnh Quảng Ninh có chủ trương không đóng mới tàu du lịch, thì vẫn có thêm hơn trăm tàu mới hạ thủy, cùng hàng trăm giấy phép đóng mới nữa được Sở GTVT, Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ninh cấp ra.

Kết quả: Với khoảng 534 tàu du lịch các loại hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long hiện nay, công suất phục vụ dư thừa tới 40-50%.

Có thể nói, chính việc Sở GTVT Quảng Ninh một thời gian dài cấp phép ồ ạt và không có quy hoạch đã khiến một nguồn vốn cực lớn trong dân đổ vào đóng tàu nhưng lợi nhuận thu về không tương xứng, gián tiếp biến thị trường, hình ảnh du lịch vịnh Hạ Long bị méo mó.

Tình thế bắt buộc, các chủ tàu phải cắt giảm lương chính, và tạo điều kiện cho nhân viên kiếm sống bằng các khoản “ơn giời”. Theo tiết lộ của một số thuyền viên, không ít thuyền viên phải kiêm nhiệm luôn vài vị trí để kiếm thêm thu nhập. Có người vừa là thợ máy, vừa kiêm đầu bếp. Vì thế, nhiều khi bỏ trống “trận địa”, rất nguy hiểm vì có thể gây cháy nổ

trên tàu. Để hạn chế tình hình “chặt chém”, lừa đảo du lịch trên tàu, ngoài việc xử lý nghiêm các hành vi trên, UBND TP.Hạ Long đã cơ bản dẹp các nhà bè trái phép trên vịnh.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng có chủ trương cấm nấu ăn phục vụ du khách trên tàu, vừa nhằm hạn chế cháy nổ và bắt chẹt du khách.

Các chủ tàu, thuyền viên rất lo lắng trước chủ trương này, bởi hai nguồn thu chính để các thuyền viên đủ sống đã và sắp bị cắt đứt.

Theo Nguyễn Hùng

Cùng chuyên mục
XEM