Luôn mang theo "não" mỗi khi ra đường: Bí quyết làm nên thành công của nhà vô địch ăn nhanh nhỏ bé nhất thế giới

28/12/2016 08:23 AM | Xã hội

Bạn xấu trai nhưng muốn tán được cô gái xinh như Ngọc Trinh? Bạn không thông minh nhưng lại muốn kiếm được nhiều tiền? Hãy đọc câu chuyện thành công của anh chàng người Nhật dưới đây và có thể bạn sẽ tìm được câu trả lời.

Năm 2000, chàng trai Kobayashi Takeru (Kobi) chỉ là một thanh niên Nhật Bản bình thường như bao người khác khi phải sống chung với cô bạn gái Kumi của cậu trong một căn hộ nhỏ với nguồn sáng duy nhất là những chiếc nến. Nguyên nhân là đôi trai gái trẻ này không có đủ tiền thanh toán tiền điện.

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, chàng sinh viên Kobi đã giành chiến thắng trong một cuộc thi ăn với tổng giá trị 5.000 USD, được cả thế giới biết đến và được mời tham gia rất nhiều show truyền hình cũng như kiếm được những khoản thu nhập trong mơ nhờ truyền thụ phương pháp ăn nhanh mới. Thậm chí, anh chàng xấu trai này còn được rất nhiều cô gái xinh đẹp theo đuổi.

Vậy đâu là bí quyết khiến chàng trai trẻ không có bối cảnh này có thể thành công và nổi tiếng nhanh chóng đến như vậy?

Vấn đề không phải bạn trả lời thông minh thế nào mà là đã đặt câu hỏi chính xác hay chưa

Ít người biết rằng anh Kobi vốn không có ý định tham gia bộ môn thi ăn nhanh. Vào thời điểm trước khi tham gia cuộc thi, Kobi là sinh viên của khoa kinh tế trường đại học Yokkaichi- quận Mie- Nhật Bản và hiện sống cùng cô bạn gái Kumi trong điều kiện eo hẹp.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình nghèo khi cha là hướng dẫn viên trong một ngôi chùa, gia đình của Kobi thậm chí thường xuyên không kiếm đủ tiền trả thuê nhà hàng tháng nên cả 2 không nhận được nhiều sự trợ cấp từ bố mẹ.

Vào một ngày, Kumi thấy được thông báo về cuộc thi ăn nhanh với giải thưởng 5.000 USD nên đã đăng ký cho Kobi mà không nói trước với anh. Sau khi biết tin, Kobi không muốn tham gia tranh tài bởi anh chưa từng thi kiểu này, nhưng cô bạn gái Kumi đã cổ vũ anh tham gia để có thể chiến thắng số tiền thưởng lớn.

Trước sự nài nỉ của bạn gái cũng như sự hấp dẫn của số tiền thưởng, Kobi bất đắc dĩ đồng ý và suy nghĩ nghiêm túc về cuộc thi này. Luật chơi rất đơn giản bao gồm 4 vòng thi ăn với 4 món: khoai tây luộc, hải sản, thịt cừu nướng và mì sợi. Các tuyển thủ phải kết thúc được hết món ăn ở phần trước mới được chuyển qua vòng tiếp theo và người nào ăn nhanh nhất sẽ chiến thắng.

Mặc dù Kobi không kén ăn từ nhỏ nhưng anh khá nhỏ bé cũng như không phải chuyên nghiệp trong bộ môn này nên cậu cần phải suy tính kỹ càng. Nếu không có lợi thế về hình thể cũng như kinh nghiệm thì Kobi phải dùng đến trí tuệ để có thể chiến thắng.

Thông thường, các thí sinh ăn rất nhiều trong những vòng đầu để rồi quá no và không thể ăn nhanh trong những vòng sau. Tuy vậy, Kobi ăn rất từ từ để tiết kiệm năng lượng và cho dạ dày thời gian tiêu hóa.

Luôn mang theo não mỗi khi ra đường: Bí quyết làm nên thành công của nhà vô địch ăn nhanh nhỏ bé nhất thế giới - Ảnh 1.

Nhận ra tiềm năng của mình trong bộ môn này, Kobi bắt đầu suy nghĩ tham gia các giải chuyên nghiệp hơn như cuộc thi ăn bánh mỳ xúc xích (hotdog) ở đảo Coney-New York vốn thu hút rất đông sự chú ý của giới truyền thông.

Theo đó, cuộc thi mà Kobi tham gia có luật chơi khá đơn giản khi các tuyển thủ phải thi ăn bánh mỳ xúc xích (hotdog) trong vòng 12 phút xem ai ăn được nhiều hơn.

Sau khi xem rất nhiều đoạn băng về cuộc thi ăn nhanh, Kobi phát hiện ra rằng hầu hết các tuyển thủ chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để ăn được nhanh hơn và nhiều hơn với chiến thuật truyền thống là cầm chiếc hotdog theo chiều dọc và ăn từ đầu này đến đầu kia, đồng thời uống chút nước sau khi nuốt để dễ trôi nhưng không uống quá nhiều để không đầy bụng.

Dẫu vậy, Kobi lại suy nghĩ theo một hướng đi khác. Thay vì đặt câu hỏi “Làm sao để tôi có thể ăn nhanh hơn, nhiều hơn” sang câu hỏi “Làm sao để tôi có thể tiêu thụ 1 chiếc hotdog hiệu quả nhất”. Cậu bắt đầu thử nghiệm những biện pháp mới, ví dụ như thử bẻ chiếc hotdog làm đôi trước khi ăn. Với hành động này, tay của Kobi giúp làm bớt được công việc của miệng và giảm sức mỏi khi nhai.

Thêm vào đó, cậu tách bánh mỳ với xúc xích và không ăn theo cách thông thường bởi theo cậu, xúc xích dễ trôi xuống dạ dày hơn trong khi bánh mỳ cần thời gian để nhai, vì vậy việc ăn chung chúng là không hiệu quả.

Với hàng loạt những câu hỏi và hướng đi mới, Kobi đã làm nhiều người phải bất ngờ trong cuộc thi năm 2001. Kỷ lục trước đó là 25 và 1/8 chiếc hotdog được ăn trong 12 phút và không ai nghĩ rằng có người có thể ăn được nhiều hơn. Tuy vậy, Kobi đã giành chiến thắng thuyết phục với 50 chiếc hotdog, tương đương 4 chiếc được cậu ăn xong qua mỗi phút.

Mặc dù vậy, kết quả trên đã làm sốc tất cả những người tham dự cũng như tuyển thủ khi đó, đồng thời làm chấn động giới truyền thông toàn cầu bởi thành tích phá kỷ lục cũ với lượng hotdog nhiều gấp đôi từ một anh chàng không to con như Kobi là điều không tưởng trước đó.

Rõ ràng, việc xác định chiến lược ngay từ đầu là vô cùng quan trọng. Bạn phải đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu và xác định được vấn đề cần giải quyết ở đây là gì. Bạn có thể có lợi thế khi làm một công việc nào đó, nhưng việc không tìm được chính xác câu hỏi cần trả lời thì dù có dùng đáp án thông minh cỡ nào cũng sẽ dễ bị đối thủ kém cơ hơn vượt qua.

Luôn mang theo não mỗi khi ra đường: Bí quyết làm nên thành công của nhà vô địch ăn nhanh nhỏ bé nhất thế giới - Ảnh 2.

Có chiến lược thử nghiệm và luôn biết rút kinh nghiệm để hướng tới thành công

Một trong những nguyên nhân khiến Kobi nổi tiếng là bởi anh có thân hình khá thấp bé so với những tuyển thủ thi ăn truyền thống trước đó. Vào thời điểm năm 2001, Kobi cao 1m73 và chỉ nặng có 58kg. Thậm chí một tuyển thủ đã từng chế giễu anh rằng: “Cẳng chân của chú còn bé hơn cánh tay của anh”.

Tuy vậy, chính chàng tuyển thủ thấp bé nhẹ cân này lại chiến thắng thuyết phục trong cuộc thi đầu tiên của mình vào năm đó tại đảo Coney-New York với phần thưởng 5.000 USD.

Yếu tố chính khiến Kobi có thể làm được điều này ngoài xác định được đúng câu hỏi cần được giải quyết như ở trên còn là chuyện cậu luôn thử nghiệm cái mới để rút kinh nghiệm.

Khi mới bắt đầu thí nghiệm, Kobi không kiếm được xúc xích theo tiêu chuẩn của cuộc thi và phải thay bằng cá viên và tự tay cắt bánh mỳ theo kích cỡ chuẩn khi thi. Tiếp đó cậu xem đi xem lại luật chơi cũng như các băng hình thi đấu để đưa ra những ý tưởng mới, quay lại video và bấm giờ cho mỗi lần thí nghiệm để phân tích cũng như tự hoàn thiện.

Việc tách bánh mỳ và xúc xích như đã nói ở trên không chỉ giúp tăng hiệu quả tiêu thụ mỗi chiếc hotdog mà còn giúp chuyên môn hóa cả tay lẫn miệng. Nhiệm vụ của miệng là nhai và tiêu thụ thức ăn, vì vậy chúng nên được ăn và nhai thế nào cho hợp lý nhất. Trong khi đó tay có nhiệm vụ bẻ thức ăn, phân loại xúc xích và bánh mỳ nhằm hỗ trợ tối đã cho miệng.

Ngoài ra, Kobi còn phát hiện việc chấm bánh mỳ vào nước và vắt kiệt giúp tăng thể tích bánh mỳ có thể nhai mỗi lần và hỗ trợ tránh khát nước khi ăn. Điều này nghe có vẻ điên rồ khi uống nhiều nước gây trướng bụng nhưng hóa ra lại vô cùng hiệu quả khi làm theo cách của Kobi. Hơn nữa, Kobi còn phát hiện nên dùng nước ấm hơn nước lạnh bởi chúng sẽ làm giảm độ căng cơ khi nhai.

Thêm vào đó, động tác này giúp Kobi tiết kiệm được thời gian uống nước cho trôi thức ăn qua mỗi lần nuốt. Thậm chí cậu còn trộn một chút dầu thực vật vào nước để giúp việc tiêu thụ dễ dàng hơn.

Những thử nghiệm này đã được Kobi thí nghiệm, phân tích rất nhiều lần để nhằm tối ưu hóa cũng như loại bỏ những động tác thừa dù chỉ vài phần trăm giây.

Luôn mang theo não mỗi khi ra đường: Bí quyết làm nên thành công của nhà vô địch ăn nhanh nhỏ bé nhất thế giới - Ảnh 3.

Tiếp đó, Kobi bắt đầu phân tích nhịp điệu ăn. Liệu nên ăn nhanh 4 phút đầu, ăn chậm lại 4 phút giữa và tăng tốc lại 4 phút cuối hay giữ nhịp độ ăn nhanh liên tục trong 12 phút? Câu trả lời sau vô vàn lần tự thử nghiệm là nên ăn nhanh ngay từ đầu.

Ngoài ra, Kobi còn thử nghiệm hàng loạt những thí nghiệm và phân tích khác. Ví dụ như cậu thấy rằng một số động tác nhún nhảy và vặn mình có thể khiến dạ dày nới rộng hơn 1 chút, việc ngủ đủ sẽ giúp cơ thể có hứng ăn hơn, việc luyện tập thể thao sẽ hỗ trợ các cơ khỏe hơn và kiềm chế không bị nôn ra...

Thậm chí, Kobi còn tìm ra được hàng loạt những mẹo nhỏ như không luyện tập tại các nhà hàng ăn nhanh vì không thể tập trung bấm giờ và xác định được mình ăn bao nhiêu. Cậu cũng không thích nghe nhạc khi ăn bởi không tập trung được.

Nói cách khác, thành công của Kobi là kết quả của hàng nghìn giờ luyện tập, thử nghiệm cũng như thái độ nghiêm túc, tập trung cao độ vào bộ môn ăn nhanh. Đối với cậu, ăn nhanh không phải là trò giải trí mà là một bộ môn thực sự cần sự chuyên nghiệp của các tuyển thủ.

Sau này, phương pháp của Kobi được rất nhiều người áp dụng và thậm chí cậu đã bị đánh bại bởi những đối thủ dùng phương pháp giống mình. Sau 6 năm liên tiếp giành chiến thắng tại cuộc thi đảo Coney, cuối cùng Kobi cũng bị đánh bại bởi Joey Chesnut khi anh này cũng dùng phương pháp tương tự để ăn nhanh. Tiếp theo đó 7 năm, Chesnut liên tục đánh bại Kobi dù tỷ số khá sát sao.

Rõ ràng, Kobi không phải là người có năng khiếu. Thành công của anh có được là nhờ sự khổ luyện và bất cứ người nào chịu khó thực hành như anh cũng có thể đạt được thành công như vậy.

Luôn mang theo não mỗi khi ra đường: Bí quyết làm nên thành công của nhà vô địch ăn nhanh nhỏ bé nhất thế giới - Ảnh 4.

Vượt qua giới hạn bản thân

Bài học tiếp theo mà câu chuyện của Kobi truyền cảm hứng cho mọi người là sự giới hạn của bản thân. Thông thường, con người luôn lấy một giới hạn nào đó làm mục tiêu và bị chính điều này ngăn cản tiềm năng đi tiếp. Ví dụ nếu bạn là người ít vận động và đột nhiên muốn thử sức chống đẩy, bạn nghĩ ban đầu con số bao nhiêu là giới han? 10 cái, 20 cái hay 30 cái?

Dù con số đó là bao nhiêu, chắc chắn bạn cũng sẽ chống được thấp hơn so với việc không xác định một giới hạn nào cả.

Chính bản thân Kobi khi tham gia cuộc thi tại đảo Coney cũng không hề tin vào kỷ lục 25 và 1/8 cái hotdog được lập trước đó. Theo Kobi, chính việc không quá tập trung vào con số 25 khiến anh đạt được mức 50 cái hotdog. Thậm chí, ban tổ chức cuộc thi đã phải sử dụng bảng viết tay để thông báo số hotdog anh ăn được do họ không hề nghĩ có người sẽ vượt qua được 25 chiếc.

Rõ ràng, tiềm năng của con người là rất lớn và chẳng có kỷ lục nào hay giới hạn nào là có thể ngăn cản chúng ta. Nói cách khác, những kỷ lục được đặt ra là để bị phá chứ không phải giới hạn tiềm năng con người. Trong cuộc thi năm 2001, khi giành chiến thắng gây sốc với 50 chiếc hotdog và được đài truyền hình Nhật bản phỏng vấn, anh Kobi đã nói: “Tôi còn có thể ăn được nữa”.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM