Luôn chán ghét thứ Hai và chỉ mong đến cuối tuần, tôi đã có 1 công việc độc hại đến khi bị mẹ ép bỏ việc, hóa ra đó là quyết định khôn ngoan nhất đời!

18/06/2019 14:06 PM | Nghề nghiệp

"Bỏ việc, hóa ra thực sự khó khăn! Đặc biệt là khi bạn không có thu nhập. Tôi không chỉ sợ những gì sẽ xảy ra tiếp theo mà còn sợ phản ứng của đồng nghiệp và sếp của mình. Tôi sợ những gì bạn bè và gia đình sẽ nghĩ về tôi. Tôi sợ bị gọi là kẻ bỏ cuộc hèn nhát".

* Bài viết là chia sẻ của nữ phóng viên Kathleen Elkins.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình luôn đề cao phương châm sống: "Không bao giờ bỏ cuộc. Người bỏ cuộc là kẻ thua cuộc". Ngay từ nhỏ, chúng tôi đã áp dụng phương châm này vào những việc như chơi board game hay chơi thể thao. Bất kể tôi thua các anh mình như thế nào, bỏ cuộc chưa bao giờ là lựa chọn của tôi.

Luôn chán ghét thứ Hai và chỉ mong đến cuối tuần, tôi đã có 1 công việc độc hại đến khi bị mẹ ép bỏ việc, hóa ra đó là quyết định khôn ngoan nhất đời! - Ảnh 1.

3 anh em Kathleen Elkins.

Điều này đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống, cho đến khi tôi bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên.

Khi tôi tốt nghiệp đại học cách đây 4 năm và làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận ở Boston, tôi cảm thấy mình đã chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết mọi việc. Tuy nhiên, những ngày làm việc dường như dài vô tận và hoàn toàn không như tôi suy nghĩ ban đầu.

Tôi cảm thấy không hài lòng và thường không hoàn thành trọn vẹn công việc vào cuối ngày. Hơn nữa, tôi còn không thấy được cơ hội phát triển trong tương lai khi làm việc tại đây.

Mặc dù vậy, tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ cuộc. Suy cho cùng, tôi khó lòng rời bỏ công việc đầu tiên ở tuổi 22 khi mới chỉ làm việc được 2 tháng. Điều đó thật khó mà chấp nhận được theo tiêu chuẩn của xã hội, của gia đình và của cả chính bản thân tôi.

Trong những ngày tháng bế tắc đó, tôi gọi điện tâm sự với mẹ rất nhiều. Và đột nhiên, một ngày nọ, bà xuất hiện trước cửa nhà tôi. Bà đã vượt qua hơn 1.300km từ Bắc Carolina tới Massachusetts để đích thân đánh giá tình hình của tôi.

Việc đánh giá của mẹ tôi không mất nhiều thời gian. Ngay tối hôm sau, bà đưa ra tối hậu thư: "Mẹ sẽ không rời khỏi đây nếu con không từ bỏ công việc này". Ban đầu, tôi nghĩ rằng bà ấy đang đùa bởi từ bé đến lớn, tôi luôn được dạy là không bỏ cuộc trong mọi hoàn cảnh. Vậy mà giờ đây, công việc đang nuôi sống tôi có thể trở thành ngoại lệ đầu tiên cho quy tắc đó.

Mẹ tôi đã nhận ra sự "độc hại" mà công việc này mang lại cho tôi chỉ trong vài tháng ngắn ngủi. Tôi vốn là người vui vẻ nhưng lúc đó, tôi cười ít hơn rất nhiều và thường xuyên mệt mỏi. Mẹ tôi biết rằng tình trạng này không phải chỉ ngày một ngày hai. Nếu tiếp tục, tôi sẽ có những ngày tồi tệ và không hạnh phúc. Đây là dấu hiệu rõ ràng cảnh báo rằng tôi nên bắt đầu lên kế hoạch nghỉ việc.

Luôn chán ghét thứ Hai và chỉ mong đến cuối tuần, tôi đã có 1 công việc độc hại đến khi bị mẹ ép bỏ việc, hóa ra đó là quyết định khôn ngoan nhất đời! - Ảnh 2.

Kathleen đã quyết định từ bỏ công việc đầu tiên nhờ sự động viên và "ép buộc" của mẹ.

Quan trọng nhất, mẹ tôi nhận ra rằng việc cống hiến cho một công việc không phù hợp sẽ không đem lại hiệu quả và không có ích cho sự nghiệp của tôi sau này. Thay vào đó, tôi cần chuyển hướng tất cả năng lượng hiện có để tìm kiếm việc khác phù hợp hơn.

Là một người mẹ, bà không thích nhìn thấy tôi không vui vẻ nhưng đó không phải là động lực chính. Bà cảm thấy tôi đang lãng phí thời gian quý báu và tuổi trẻ trên con đường sự nghiệp sai lầm và bà hoàn toàn nghiêm túc khi nói rằng sẽ không rời Boston nếu tôi không chịu nghỉ việc.

Cuối cùng, tôi đã nghe theo mẹ bởi bạn biết đấy, các bà mẹ luôn đúng! Ngày hôm sau khi đến nơi làm việc, tôi thông báo sẽ nghỉ hẳn sau 2 tuần.

Sau khi rời khỏi văn phòng, tôi thấy thực sự nhẹ nhõm nhưng cũng lo lắng liệu mình có lựa chọn đúng hay không. Tôi chưa có được tầm nhìn xa như mẹ mình và tôi không dám chắc đây là một bước đi khôn ngoan.

Bỏ việc, hóa ra thực sự khó khăn! Đặc biệt là khi bạn không có thu nhập. Tôi không chỉ sợ những gì sẽ xảy ra tiếp theo mà còn sợ phản ứng của đồng nghiệp và sếp của mình. Tôi sợ những gì bạn bè và gia đình sẽ nghĩ về tôi. Tôi sợ bị gọi là kẻ bỏ cuộc hèn nhát.

Tuy nhiên, nếu nỗi sợ là thứ duy nhất giữ bạn ở lại công việc hiện tại thì đó là một dấu hiệu cảnh báo. Bạn làm việc không vì sợ một thứ gì đó mà vì sự thoải mái và hào hứng mà việc đó đem lại.

Những người thành công nhất thế giới luôn tìm thấy sự đam mê trong bất cứ điều gì họ làm. Tỷ phú Warren Buffett từng nói: "Thành công trong hầu hết mọi việc có nghĩa là có niềm đam mê với nó. Nếu một người vừa thông minh lại vừa có đam mê khủng khiếp với những gì họ làm, điều tuyệt vời sẽ xảy ra".

Để bỏ việc, tôi đã phải rất can đảm, cộng với tình yêu vô bờ bến của mẹ tôi. Cho đến nay, đó là sự lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất mà tôi từng đưa ra.

Mặc dù vậy, tôi gặp phải khó khăn khác: Bị ràng buộc với hợp đồng thuê nhà 1 năm tại thành phố đắt đỏ trong khi không có thu nhập ổn định. Việc mẹ bắt tôi bỏ việc không có nghĩa là bà sẽ chu cấp cho tôi trong thời gian thất nghiệp.

Thật may mắn là tôi không có bất cứ khoản nợ nào và có tiền tiết kiệm giúp tôi sống sót qua vài tháng. Tuy biết rằng mình sẽ ổn nhưng tôi cần một kế hoạch cụ thể hơn.

Tôi đã làm 2 việc: Thứ nhất là tìm một công việc bán thời gian. Tôi trông trẻ và đan vợt tennis để trả tiền thuê nhà mỗi tháng còn tiền tiết kiệm, tôi dùng để trang trải chi phí hàng ngày.

Thứ hai, tôi bắt đầu viết blog. Dù vẫn chưa biết nên làm gì nhưng tôi biết rằng mình cảm thấy thoải mái và ổn định khi viết. Tôi tự đưa ra quy định viết 1 bài đăng trên blog mỗi ngày. Hơn nữa, khi ứng tuyển vào các vị trí liên quan đến biên tập hay viết lách, blog cá nhân sẽ giúp tôi có nhiều điều để nói hơn trong buổi phỏng vấn.

Khi không làm việc hoặc viết blog, tôi kết nối và tìm kiếm việc làm. Tôi tận dụng mạng lưới cựu sinh viên đại học của mình và gửi email giới thiệu đi khắp nơi. Sau khi cập nhật hồ sơ LinkedIn, tôi tiếp tục đặt mục tiêu gửi ít nhất 1 đơn xin việc mỗi ngày.

Trong 3 tháng sau đó, tôi đã gửi rất nhiều đơn xin việc nhưng hầu hết đều không được hồi âm. Một lần khác, tôi bị từ chối thẳng thừng. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng nhận được câu trả lời "Đồng ý". Đó là kỳ thực tập tại một đơn vị tin tức ở New York. Tôi vẫn có lương và sẽ trở thành nhân viên toàn thời gian nếu làm tốt.

Chính vì thế, tôi đã chuyển đến New York năm 2015. Kết thúc kỳ thực tập, tôi được nhận vào vị trí phóng viên toàn thời gian, một công việc đầy thách thức nhưng là việc mà tôi đam mê và mong muốn phát triển.

Nếu mẹ tôi không bay đến Boston và "ép" tôi nghỉ việc, nếu tôi không có đủ can đảm để từ bỏ công việc đầu tiên thì có lẽ giờ này tôi vẫn ở đó, chỉ thực sự sống vào cuối tuần, sợ hãi vào mọi ngày thứ Hai và mãi mắc kẹt với một công việc không phù hợp.

Tất nhiên, bỏ cuộc không phải lúc nào cũng là câu trả lời đúng nhưng mẹ tôi đã dạy tôi một bài học khác rằng đôi khi, từ bỏ là rất cần thiết và hãy can đảm bắt đầu một điều mới phù hợp hơn với mình!

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM