Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa 'sống sót cuối cùng' trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn

04/06/2020 08:35 AM | Kinh doanh

Now - một startup Việt, phần lớn cổ phần đã vào tay SEA, nhà đầu tư của Shopee, Giao hàng Tiết kiệm. Vietnammm đã bán cho Woowa Brothers, bị đổi tên thành Baemin. Lala rút lui. Tên tuổi nội địa trên thị trường Giao đồ ăn giờ còn Loship...

Công thức thành công của những tượng đài công nghệ như Apple, Microsoft hay Amazon là: ý tưởng, đam mê và khát vọng theo đuổi giấc mơ lớn, bỏ qua những vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài. Văn phòng đầu tiên của Amazon là trong một nhà xe cùng chiếc bàn làm việc là cánh cửa gỗ cũ; nơi làm việc sơ khai của Google là một phòng ngủ tại trường Đại học Stanford, hay những nhân viên đầu tiên của Alibaba đã cùng sống và làm việc trong căn hộ nhỏ của Jack Ma.

Tương tự tại Việt Nam, một đại diện nổi bật trong giới startup công nghệ - Loship cũng đang viết nên câu chuyện thành công của riêng mình từ chính công thức đã sản sinh ra những gã khổng lồ.

Loship - Câu chuyện vươn lên từ nhà kho

Gần đây, Loship là cái tên thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước, với những chiến lược quảng cáo được công nhận và câu chuyện gọi vốn đầy cảm hứng. Chuyện về startup bản địa duy nhất cạnh tranh trong thị trường giao vận đầy khốc liệt và giấc mơ tạo nên niềm tự hào Việt Nam vừa được đăng tải trên kênh truyền thông của Hanwha LIFEPLUS VN, thuộc tập đoàn kinh doanh hàng đầu Hàn Quốc Hanwha. 

Ít ai biết rằng những ý tưởng kia đều được bắt nguồn từ một nhà kho lộn xộn và chật chội. "Tồi tàn" là một từ khá đúng để miêu tả văn phòng Loship lúc bắt đầu khởi sự. Không view cửa sổ tầng cao, không khu vực café thư giãn, cũng không có phòng họp riêng với máy chiếu hiện đại… Văn phòng Loship là một hội trường với sân khấu tạm bợ đã bị bỏ xó từ rất lâu. Khi đó, đặt chân vào Loship, bạn sẽ thấy một bên là nhóm tài xế đông đúc chen lấn, một bên là mớ hàng hóa chất cao - cách khu vực làm việc của nhân viên chỉ vỏn vẹn vài bước chân.

Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa sống sót cuối cùng trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn - Ảnh 1.

Không gian mở cho việc đăng ký và đào tạo shipper...

Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa sống sót cuối cùng trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn - Ảnh 2.

Ngay phía sau là nhà kho chuyên lưu trữ hàng hóa, thuộc dịch vụ Lo-supply - cung cấp nguyên vật liệu sỉ giá rẻ cho các cửa hàng đối tác của Loship.

Mặc cho những hạn chế về cơ sở vật chất, CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung từng cảm thấy rất tự hào về nhà kho bừa bộn đó. Mọi cuộc họp từ phỏng vấn ứng viên đến gặp gỡ nhà đầu tư chiến lược đều được Trung yêu cầu phải diễn ra tại chính văn phòng tạm bợ này.

Loship đã phơi bày một bức tranh "trần trụi" nhất có thể, những sự thật xấu xí đằng sau một startup đình đám. Họ chấp nhận thực tại chưa hoàn hảo, và không cố gắng đánh lừa nhà đầu tư cũng như nhân viên bằng những thứ hào nhoáng mà truyền thông vẫn luôn nói về khởi nghiệp.

Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa sống sót cuối cùng trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn - Ảnh 3.

Hàng hóa Lo-supply chất đầy trong văn phòng là hình ảnh mà CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung rất tự hào.

"Những gì của chúng ta, vẫn sẽ là của chúng ta. Nếu nhân viên đến phỏng vấn thích, họ sẽ thích. Nếu họ không thích, việc dẫn ra quán cafe và cố gắng gây ấn tượng là vô nghĩa. Giấc mơ của chúng ta được định nghĩa bởi sự khát khao, chấp nhận với thực tại và nguồn năng lượng mà chúng ta tạo dựng. Nhân tài thực sự, sẽ tự khắc ở nếu họ chấp nhận thực tại mà chúng ta đang sống cùng", Trung nhấn mạnh.

Startup không hề hào nhoáng, và không nhất thiết phải hào nhoáng

Truyền thông thường có xu hướng "lãng mạn hóa" khởi nghiệp. Những bài viết thú vị luôn là công ty này nhận được bao nhiêu tiền đầu tư, công ty kia có những nhà đầu tư nào mới. Họ lột tả startup như một thế giới hào nhoáng và quyến rũ với những vòng gọi vốn ấn tượng, những thương vụ IPO khổng lồ, hay văn phòng làm việc đẹp như mơ. Rồi họ nghĩ về nhà sáng lập của startup với những hình ảnh bóng bẩy, xe hơi sang trọng cùng tham vọng giấc mơ tỷ đô.

Nhưng sự thật thì chẳng phải vậy. Về cơ bản, startup là những doanh nghiệp nhỏ và không hề hào nhoáng như bạn thường nghĩ. Đằng sau mọi startup thành công đều là những năm tháng vất vả trong thầm lặng mà báo chí ít khi nhắc tới.

Gọi được vốn chỉ là bước khởi đầu tốt nhưng nó không đảm bảo cho sự thành công sau này. Chỉ đến khi chứng kiến cú ngã ngựa của WeWork hay Uber, người ta mới bừng tỉnh rằng bản chất cuối cùng của startup là kinh doanh và mang về lợi nhuận. Ở startup, mỗi đồng tiền đều giá trị, và nó cần được đầu tư vào phát triển sản phẩm và mang lại giá trị cho người dùng, chứ không phải chạy theo danh tiếng phù phiếm và hình thức hào nhoáng bên ngoài.

Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa sống sót cuối cùng trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn - Ảnh 4.

Một góc văn phòng Loship những ngày đầu.

Về bản chất, startup cũng giống như việc đi tàu lượn siêu tốc, sẽ có lúc lên lúc xuống, lúc thăng lúc trầm. Miễn là bạn có đủ bản lĩnh để vượt qua và tận hưởng những cung bậc lên xuống đó, thì khi về đến đích, bạn sẽ nhận được những phần thưởng giá trị không chỉ trong sự nghiệp, mà còn là một niềm tự hào về một thời "lăn lộn" với hoài bão.

"Điều cuối cùng còn lại, không phải là một chỗ ngồi hoặc một văn phòng đẹp. Chúng ta thường nhớ về những nghịch cảnh khi mình cố gắng vượt qua, sống với sự khát khao khi trong tay và mọi thứ quá đỗi đời thường. Nếu chúng ta sống được với những tinh thần và lý tưởng đó khi còn khổ, chúng ta mới có thể hiểu được tận sâu những giá trị khi ở trong một môi trường đẹp hơn", Nguyễn Hoàng Trung kết lại.

Loship và hành trình thuở sơ khai

Trước khi chính thức "định cư" tại nhà kho cũ trên đường Tô Hiến Thành, trong suốt chặng đường 3 năm trước đó, Loship đã chuyển đến rất nhiều nơi làm việc khác nhau. Hành trình khởi nghiệp của CEO Nguyễn Hoàng Trung bắt đầu từ một căn hộ nhỏ nơi anh cùng những người đồng đội nảy ra ý tưởng ban đầu về ứng dụng review ăn uống Lozi (ngày nay là công ty chủ quản của Loship), cho đến một ga ra đỗ xe khác khi đội ngũ của anh dần mở rộng.

Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa sống sót cuối cùng trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn - Ảnh 5.

Từ căn hộ nhỏ nơi Nguyễn Hoàng Trung nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp đầu tiên về nền tảng review ăn uống Lozi...

Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa sống sót cuối cùng trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn - Ảnh 6.

...đến gara đỗ xe bụi bặm khi đội ngũ Lozi dần mở rộng, đánh dấu bước chuyển từ một ứng dụng review sang nền tảng thương mại điện tử và giao vận.

Thậm chí đã có lúc họ phải làm việc tại một quán cafe khi buộc phải dọn đi do một số mâu thuẫn với chủ nhà. Trải qua nhiều lần chuyển văn phòng "bất đắc dĩ", phần đông người đã chọn rẽ sang hướng khác, thế nhưng lửa nhiệt huyết thì vẫn luôn cháy trong mỗi nhân tố chọn ở lại và đồng hành cùng Loship ngay từ thuở ban đầu ấy.

Startup: 90% người không tin vào giấc mơ lớn

Bạn sẽ thường nghe những công thức sáo rỗng về chìa khóa thành công của startup, rằng "All in the same boat - tất cả trên cùng một chiếc thuyền", mọi người đều đặt niềm tin lớn vào nhà lãnh đạo.

Mặt khác của sự thật, hầu hết mọi người đều nghi ngờ về những gì startup đang theo đuổi. Họ lo ngại về "bong bóng" khởi nghiệp, họ nghĩ giấc mơ startup là "thiển cận" và "ảo tưởng", là một con đường mịt mờ, không rõ phương hướng và lối thoát. Ngay cả khi trong cùng một công ty, những người khác nhau có quan điểm khác nhau và niềm tin khác nhau về sự thành công cũng là điều rất đỗi bình thường.

Sự thật phũ phàng là, chưa đến 10% người thực sự tin vào giấc mơ Loship. "Ai đó từng nói: Nếu một giấc mơ mà ai cũng đồng ý, nghĩa rằng giấc mơ đó có vấn đề. Đôi khi bạn chỉ cần một người tin, cùng đi và khi dần đạt được các cột mốc tiếp theo, mọi người sẽ nhận ra giấc mơ đó rõ hơn, và đồng hành cùng bạn trong cuộc hành trình này", Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ tiếp.

Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa sống sót cuối cùng trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn - Ảnh 7.

Team Loship trong ngày đầu còn 'lăn lộn' trong nhà kho tại đường Tô Hiến Thành.

Lấy ví dụ như Netflix - từ một dịch vụ nhỏ bé trở thành đế chế truyền hình trực tuyến bành trướng toàn cầu. Thế nhưng ngay tại thời điểm ban đầu, đã có rất nhiều người hoài nghi về khả năng sống sót và phát triển bền vững của gã khổng lồ này. Hoặc Jack Ma khởi sự kinh doanh tại chính căn hộ nhỏ của ông, nơi chỉ có 18 người thực sự tin vào giấc mơ Alibaba, trong khi hàng trăm người khác đều chỉ trích sự điên rồ đó.

Câu chuyện tương tự cũng đến với Loship khi startup này liên tục vấp phải hoài nghi về hành trình họ đang theo đuổi. Người ta e ngại, thậm chí dè bỉu, liệu Loship có đủ sức đấu tay đôi với những đối thủ khác trong cuộc đua vô tiền khoáng hậu. Song, không có thành công nào mà không nhận hàng trăm lời chỉ trích. Với Loship, họ vẫn tiếp tục làm, bước qua những lời chỉ trích và phát triển theo đúng định hướng của mình, để rồi giờ đây trở thành một trong những startup có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.

"Nếu chúng ta có một giấc mơ, hãy theo đuổi nó đến tận cùng. Theo đuổi đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận những cảm giác khó chịu từ sự hoài nghi của những người xung quanh trong suốt hành trình khởi nghiệp. Về cuối cùng, những nỗi buồn hay sự cô đơn rồi cũng sẽ qua đi, nhưng những cảm xúc và sự hạnh phúc có được trên con đường đi đến giấc mơ đó sẽ là của riêng những con người mơ mộng trên chiếc thuyền mà họ đang cười, và là điều sống mãi với họ sau này", CEO Loship khẳng định.

Phần còn lại, chính là lịch sử

Chắc chắn rằng, startup không còn là "giấc mơ màu hồng". Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc startup là mông lung, là mịt mù, ảo mộng, là không đi kèm những phần thưởng tuyệt vời.

Sau rất nhiều khó khăn và trở ngại, 2019 đánh dấu một năm ngọt ngào với Loship khi đã gọi vốn thành công lên đến 8 chữ số từ nhà đầu tư Hàn Quốc Smilegate Investment trong vòng vốn Series C, nâng giá trị công ty lên gấp 30 lần.

Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa sống sót cuối cùng trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn - Ảnh 8.

Đội ngũ Loship cùng nhà đầu tư Smilegate tại nhà kho của họ vào cuối năm 2019.

Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hoàng Trung, Loship ngày hôm nay là một câu chuyện hoàn toàn khác. Chỉ trong 8 tháng, Loship chạm mốc 1.500.000 khách hàng, mở rộng dịch vụ trên 4 thành phố lớn gồm Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, hướng tới mục tiêu xa hơn là trở thành một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất Việt Nam trong vòng 3 năm tới.

Lược sử startup Loship trên truyền thông Hàn: Hành trình từ nhà kho tồi tàn đến startup nội địa sống sót cuối cùng trên ‘mặt trận’ giao đồ ăn - Ảnh 9.

Văn phòng to đẹp của Loship ở thời điểm hiện tại.

Phần còn lại, như chúng ta thường nói, chính là lịch sử. Bên cạnh những câu chuyện thành công về "garage startup" của các đế chế công nghệ, đại diện từ Việt Nam Loship là một minh chứng khác cho thấy: bạn không cần một background hoành tráng để theo đuổi giấc mơ vĩ cuồng. Dù là nhà kho, nhà để xe, tầng hầm, hay thậm chí chỉ có một bàn làm việc, nếu hoài bão và đam mê đủ lớn, bạn vẫn có cơ hội chạm đến thành công.

"Giờ đây, chúng tôi đã có một nơi ổn định và tiện nghi hơn để làm việc, song điều tôi muốn nhân viên của mình không bao giờ quên là những tháng ngày khó khăn lăn xả trong nhà kho chật hẹp. Chúng tôi sẽ không đánh mất văn hóa và tinh thần nơi nhà kho ấy, bởi vì không có chúng, sẽ không bao giờ có Loship ngày hôm nay", Trung kết luận.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM