Luật thương mại điện tử mới của Trung Quốc bắt buộc người bán hàng xách tay phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế

03/01/2019 16:28 PM | Kinh doanh

Đây là một trong những nỗ lực minh bạch hóa việc mua bán, vạch trần review giả, hàng giả của tiểu thương tại Trung Quốc nói chung.

Việc du khách Trung Quốc và châu Á nói chung đem cả mấy chục cân hành lý, bên trong chứa đầy mỹ phẩm, đồ hiệu và sữa cho trẻ em để mang về bán đã trở thành thứ gì đó rất quen thuộc.

Nếu ở Việt Nam, chúng ta quen gọi đó là "hàng xách tay" thì ở Trung Quốc được gọi là "Đại Cấu" - từ ngữ chỉ những người kiếm tiền bằng cách bán hàng xách tay từ nước ngoài.

Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử nở rộ ở Trung Quốc trong nhiều năm qua, Đại Cấu là tầng lớp kiếm được rất nhiều tiền nhờ mạng lưới đặt hàng thông qua WeChat.

Tuy nhiên, luật thương mại điện tử mới của quốc gia tỷ dân đang đe dọa bát cơm của Đại Cấu. Cụ thể, trong tương lai họ sẽ phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế chứ không luồn lách mãi được nữa.

Chỉ đơn giản là đăng ảnh và thông tin hàng hóa lên WeChat Moments (tương tự Story của Instagram và Facebook) hoặc live-stream cho người mua lựa chọn, Đại Cấu là công việc tương đối đơn giản nhưng tốn thời gian. Tính riêng ở Úc, có tới 100.000 Đại Cấu người Trung Quốc, con số này lên tới hàng triệu trên cả thế giới.

Bộ luật mới sẽ xử phạt cả Đại Cấu lẫn nền tảng tiếp tay cho việc buôn bán lách luật. Tuy chưa rõ việc thực thi luật mới ra sao nhưng giới Đại Cấu ở Trung Quốc đang tỏ ra rất lo lắng.

Ngay sau khi thông tin về bộ luật mới được lan truyền trên mạng xã hội. Không ít Đại Cấu đã "nảy số" và thử nghiệm vài cách lách luật mới.

Ví dụ, thay vì đăng ảnh sản phẩm chi tiết như trước, họ sẽ vẽ nguệch ngoạc rồi đăng lên để khách hàng đủ hiểu. Người khác lại dùng "bí danh" cho sản phẩm để cơ quan kiểm duyệt khó lòng phát hiện ra.

Luật thương mại điện tử mới của Trung Quốc bắt buộc người bán hàng xách tay phải đăng ký kinh doanh và nộp thuế - Ảnh 1.

Thay vì đăng ảnh sản phẩm chi tiết như trước, họ sẽ vẽ nguệch ngoạc rồi đăng lên để khách hàng đủ hiểu

Các Đại Cấu giờ tha hồ thể hiện năng khiếu hội họa, tuy nhiên nỗi lo của họ là thật.

Nhiều Đại Cấu đã dặn dò khách hàng gửi tin nhắn thoại và tuyệt đối không được viết tên hàng hóa vào ô chat.

Cả Tencent lẫn Alibaba vẫn chưa có phản hồi chính thức về luật thương mại điện tử mới, tuy nhiên, trước đó cả 2 người khổng lồ này đều cam kết tuân thủ luật pháp Trung Quốc. Đây là một trong những nỗ lực minh bạch hóa việc mua bán, vạch trần review giả, hàng giả của tiểu thương tại Trung Quốc nói chung.

Theo Long.J

Từ khóa:  thương mại
Cùng chuyên mục
XEM