Luật Quản lý ngoại thương 2017: Sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục hải quan

04/10/2017 17:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Tại hội thảo phổ biển Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và những định hướng, nội dung cơ bản của một số văn bản hướng dẫn do Bộ Công Thương phối hợp với dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (EU MUTRAP) tổ chức tại TP.HCM cuối tuần qua, nhiều đơn vị hải quan đã nêu lên những vướng mắc xung quanh những quy định của Luật.

Băn khoăn về quyền kinh doanh của DN FDI

Đại diện Cục Hải quan Bình Dương chỉ ra rằng, Điều 5, Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định về quyền tự do kinh doanh XK, NK có quy định về quyền XK, NK của DN FDI. Trước đây, Nghị định 23/2007/NĐ-CP đã trao quyền này cho DN FDI. Trong đó, quyền XK được định nghĩa là mua hàng tại Việt Nam để XK ra nước ngoài, tức là không cho phép lấy hàng NK để XK. Đến năm 2013, Bộ Công Thương có Thông tư số 08 cho phép DN FDI được phép XK từ nguồn hàng NK, tức là DN FDI NK về theo quyền NK, sau đó bán hàng này ra nước ngoài. Tuy nhiên, Luật Quản lý ngoại thương 2017 không đề cập đến vấn đề này.

Luật Quản lý Ngoại thương gồm 8 Chương và 113 Điều, được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp tháng 7/2017. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Ông Huỳnh Trung Kiên, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM) cũng nêu lên hai vướng mắc liên quan đến quyền kinh doanh của DN FDI.

Thứ nhất, theo tinh thần của Luật Quản lý ngoại thương và các nghị định thì DN FDI không được kinh doanh tạm nhập tái xuất và chuyển khẩu. Tuy nhiên, trong thực tế DN có thể thực hiện điều này theo phương pháp khác. Theo đó, Điều 48, Nghị định 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Hải quan có quy định trường hợp DN sau khi NK hàng hóa nếu không có nhu cầu sử dụng hoặc vì lý do nào đó thì có quyền tái xuất trả lại chủ hàng ở nước ngoài hoặc xuất khẩu đi nước thứ ba. Do đó, cần có quy định cụ thể về vấn đề này để tránh trường hợp DN dẫn điều 48 này ra để gây áp lực với cơ quan Hải quan.

Thứ hai, liên quan đến hoạt động XNK tại chỗ. Trước đây, Thông tư 04/2007/TT-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) có hướng dẫn cho phép DN FDI được phép XK tại chỗ hàng hóa do DN mình sản xuất ra, nhưng không rõ hiện nay Thông tư 04 này còn hiệu lực hay không? Trên thực tế cũng có trường hợp DN FDI NK về một lô hàng nhưng sau đó không có nhu cầu sử dụng. Thay vì XK trả cho nước ngoài thì phía nước ngoài lại yêu cầu DN FDI này gửi cho một DN khác ở Việt Nam, song thủ tục này hiện đang gặp vướng.

Ông Lê Văn Triến, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP.HCM cũng băn khoăn về việc DN FDI có được XK, NK tại chỗ hay không. Luật Quản lý ngoại thương chỉ quy định DN FDI được thực hiện quyền XK thông qua mua hàng hóa tại Việt Nam để XK ra nước ngoài chứ không quy định về việc XK tại chỗ. Tương tự, quy định về NK của DN FDI cũng chỉ ghi là NK hàng hóa từ nước ngoài chứ không đề cập tới vấn đề NK tại chỗ.

Giải đáp những vướng mắc trên, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho biết, các quyền kinh doanh XK, NK của DN FDI hiện đã thực hiện theo các cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam khi tham gia ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế. Trong đó, Hiệp định WTO có yêu cầu mở cửa thị trường đối với quyền XK, NK của DN FDI. Quyền này đã được thể hiện rất rõ tại Điều 5, Luật Quản lý ngoại thương, theo đó quyền XK, NK thực chất là quyền đứng tên trên tờ khai và được mua, nhưng với điều kiện là không được tổ chức mạng lưới, hệ thống để thu gom, phân phối. Về cơ bản hiện nay tất cả DN FDI đều có quyền này. Đối với việc XK, NK tại chỗ và tạm nhập tái xuất của DN FDI, ông Tân khẳng định, hoạt động mua bán kinh doanh để sinh lời thì DN FDI không được phép làm. Trong Nghị định 23 cũng đã nêu rất rõ điều này. Hiện Bộ Công Thương đang trình Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 23 cũng sẽ thể hiện rất rõ quan điểm này. Tuy nhiên, trên thực tế hiện tại quyền phân phối của FDI đã được mở rộng, rất nhiều DN FDI đã được quyền phân phối và chỉ bị hạn chế về bán lẻ. Do đó, khi đã được cấp phép quyền phân phối bán buôn thì DN FDI sẽ XK, NK tại chỗ và tạm nhập tái xuất.

Sẽ phân luồng DN để rút ngắn thủ tục

Đại diện Cục XNK, Bộ Công Thương cho biết, về điều kiện để DN tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, trước đây có tiêu chí là DN đạt kim ngạch 10 triệu USD trong năm trước đó. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai có rất nhiều DN gặp vướng bởi quy định này. Do đó, thời gian tới dự kiến Bộ Công Thương sẽ bỏ tiêu chí này để tạo điều kiện cho nhiều DN tham gia tự chứng nhận xuất xứ. Hiện Bộ Công Thương đã hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 28/2015/TT-BCT quy định về việc tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN.

Ông Tân cũng thông tin thêm, khi đàm phán về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN, Việt Nam đăng ký khoảng 10-20 DN tham gia. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 2 DN đăng ký tự chứng nhận xuất xứ là Công ty Vinamilk và Công ty Nestle. Theo đó, ông Tân mong muốn các DN tự nâng cao năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu quốc tế, đồng thời tận dụng các ưu đãi cũng như giảm thiểu thời gian xin cấp C/O truyền thống, chủ động trong việc phát hành hóa đơn thương mại có nội dung khai báo xuất xứ, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa.

Đại diện Cục XNK cũng cho hay, về công tác cấp C/O, Cục XNK đang dự thảo, chuẩn bị trình lãnh đạo Bộ về công tác phân luồng DN nhằm tạo thêm thuận lợi cho DN. Theo đó, sẽ có những tiêu chí để đánh giá DN, phân loại vào luồng Xanh, luồng Vàng hoặc luồng Đỏ. Các DN được phân vào luồng Xanh sẽ được hưởng những ưu đãi về thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ… Bên cạnh đó sẽ xây dựng quản lý rủi ro về mặt hàng. Các tiêu chí sẽ dựa trên quá trình xin cấp C/O của DN, ví dụ như số lượng bộ hồ sơ hoặc số kim ngạch DN đã xin C/O tuân thủ đúng, kèm theo đó là việc DN tuân thủ các quy định về thuế và HQ. Các DN nằm trong danh sách DN ưu tiên của Tổng cục Hải quan cũng sẽ được xem xét đưa vào luồng Xanh.

Theo Nguyễn Hiền

Cùng chuyên mục
XEM