Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt: Cần làm rõ mối quan hệ theo chiều dọc, chiều ngang giữa chính quyền đặc khu và cấp tỉnh

10/11/2017 16:37 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo Tờ trình số 411/TTr-CP của Chính phủ do Ủy ban pháp luật trình lên Quốc hội ngày hôm nay, vấn đề lớn đầu tiên được cơ quan này đặt ra là tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB.

Theo đó, dự thảo của Chính phủ đề xuất và xin ý kiến Quốc hội về hai phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB, bao gồm:

Phương án 1: không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tại đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này.

Phương án 2: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND.

Qua thảo luận, trong UBPL có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất là tán thành phương án 1 và cho rằng phương án này thể hiện được tính "đặc biệt" về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy như được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. 

Theo loại ý kiến này, Chương IX của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương quy định có độ "mở" để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết, vì vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị cân nhắc thêm để làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng Đơn vị HCKTĐB bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng quyền lực.

Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án 2 vì cho rằng phương án này: (1) bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 (Điều 110 và Điều 111) Tuy nhiên, loại ý kiến này đề nghị cần rà soát để thiết kế lại cách thức thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND đơn vị HCKTĐB để thể hiện rõ hơn tính đặc thù, tính cải cách, đột phá.

Do còn ý kiến khác nhau, UBPL xin báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về vấn đề này.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị dù mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB được quyết định theo phương án nào thì cũng cần làm rõ ngay trong Luật mối quan hệ theo chiều dọc, chiều ngang cũng như theo phạm vi lãnh thổ giữa chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB với HĐND, UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, với các cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan của trung ương đóng tại địa phương; phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB với các khu hành chính… 

Ủy ban cũng cho rằng Luật cũng cần quy định rõ địa vị pháp lý, thẩm quyền, quy trình xử lý công việc trong từng mối quan hệ. Chẳng hạn như, nếu giao thẩm quyền vượt trội cho đơn vị HCKTĐB trong mọi lĩnh vực nhưng vẫn xác định là đơn vị trực thuộc cấp tỉnh thì đơn vị HCKTĐB có phải thực hiện các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành hay không? Cơ chế về ngân sách, quyết toán ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý đất đai là thẩm quyền độc lập hay vẫn phải báo cáo các cơ quan cấp tỉnh... và nhiều vấn đề tương tự, cần phải được làm rõ trong Luật này.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM