Lời xin lỗi và “cơ hội hiếm có” của Bộ trưởng Cao Đức Phát

04/04/2016 11:55 AM | Chính sách

Dù vẫn còn có ý kiến khác, nhưng lời xin lỗi của Bộ trưởng Phát cũng khiến nhiều người dân đang bốc hỏa, thấy gần với ông hơn.

“Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi cam kết cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi thực phẩm, không còn buôn lậu thức bảo vệ thực phẩm qua biên giới.

Tôi cam kết còn làm việc một ngày, tôi còn nỗ lực để thực hiện mong đợi này của nhân dân”.

Cam kết ấy không hề dễ dàng của Bộ trưởng Phát. Cơn bão thực phẩm bẩn hoành hành hơn chục năm nay, nhưng có lẽ chưa có một lời cam kết nào có thời hạn ngắn đến như vậy: 8 tháng.

Đã lâu lắm rồi người dân mới lại được nghe một lời cam kết cụ thể như thế. Vài năm trước một vài TGĐ cty giao thông hứa với Bộ trưởng Thăng, nếu công trình không kịp tiến độ, họ sẽ thế chấp chiếc ghế quyền lực của mình.

Tất cả những người “thế chấp” đó, sau này, không những không mất ghế, mà còn được thưởng vì hoàn thành sớm tiến độ.

Lời cam kết của các TGĐ không giống hoàn toàn lời cam kết của một Bộ trưởng. Các TGĐ có thể kiểm soát được phần lớn công việc của mình, còn ông Phát thì lại không toàn quyền trong việc chống thực phẩm bẩn. Vì vậy, lời hứa của ông khó thực hiện hơn nhiều.

Nhưng khó hơn, thì mới cần đến quyết tâm của một Bộ trưởng.

Ông Phát tâm sự: “Gia đình chúng tôi cũng ăn cơm bệnh viện, ăn uống, đi chợ như một người bình thường. Gia đình tôi cũng có người bị ung thư nên tôi rất thấm thía nỗi lo của người dân, chia sẻ nỗi đau người thân bị ung thư”.

Một nhà báo theo dõi mảng này, nói rằng “người nhà bị ung thư” chính là người vợ đã gắn bó suốt 30 năm của ông.

Nếu thực sự ông Phát đã “thấm thía” rằng: Nỗi đau riêng của gia đình ông cũng giống nỗi đau của bao người dân và thân nhân họ đang chết dần, chết mòn vì bị đầu độc, thì ông càng có thêm động lực để chiến đấu.

Tướng chiến trận xưa hay sử dụng một kế hay: Cứ mặc cho quân lính rút chạy đến bờ sông, để họ chỉ có lựa chọn duy nhất: Quay lại đánh giặc tìm đường sống, nếu không muốn tất cả bị chết chìm dưới nước.

Khi tướng chiến trường nổi tiếng Hoàng Đan còn sống, tôi hay qua nhà ông chơi.

Tướng Đan kể lại câu chuyện những ngày tháng 4.1975. Ông bảo, trên đường tiến vào Dinh Độc Lập, quân đoàn II mà ông làm Phó tư lệnh, đã giành được hàng ngàn tấn chiến lợi phẩm. Toàn đồ Mỹ sáng lòa.

Khi ấy, những người lính bảo nhau: Mới chiến thắng mà của cải đã thu được nhiều thế này, thì mấy năm nữa tiến lên chủ nghĩa xã hội trong hòa bình, ăn làm sao hết của!

Mấy năm sau thì ngược lại, chiến tranh, bao cấp, người ta đọc cho nhau những câu thơ buồn: “Đầu đường đại tá vá xe/ Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen”. Ngay cả tướng Đan, cũng phải phụ vợ đan rổ bán kiếm kế sinh nhai.

Tướng Đan bảo những lúc khốn cùng như vậy, tưởng như khó vượt qua được, nhưng Đổi Mới đã cứu tất cả.

“Thế mới biết, người Việt, khi bị dồn vào chỗ lựa chọn sinh tử, thường có cách vượt thoát ngoạn mục” – tướng Đan kết luận.

Khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến gặp bão dư luận, bà rất mệt mỏi. Tôi có dự một hội nghị sơ kết của ngành, giờ giải lao, khi các đại biểu ra hành lang dùng trà, vẫn thấy bà vẫn ngồi lặng lẽ một mình trong phòng, mặt vô cùng buồn bã.

Tôi hiểu sức nặng dư luận với một nhà chuyên môn như bà Tiến, nặng cỡ nào.

Nhưng chính từ những giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng ấy, bà Tiến đã từng bước cải thiện hình ảnh của mình thông qua nhiều hành động cụ thể, thiết thực, gần dân và truyền thông bài bản.

Sức chịu đựng của người dân về vấn nạn thực phẩm bẩn, cũng đang bước vào những giới hạn cuối cùng. Họ không muốn đội trời chung với nó nữa.

Báo chí đã đồng loạt phát đi lời xin lỗi của Bộ trưởng Phát: “Tôi mong muốn gửi lời xin lỗi đến nhân dân và bạn đọc vì đã diễn đạt không chuẩn xác, để nhân dân bức xúc”.

Cơn bão dư luận, lời cam kết trách nhiệm và lời xin lỗi của Bộ trưởng Phát hôm nay, hy vọng sẽ giống giới hạn cuối cùng của cái bờ sông, không cho ông lùi thêm nữa.

Nó cũng có thể trở thành “cơ hội hiếm có” để ông quyết tâm gấp bội sống mái với vấn nạn đã, đang đe dọa giống nòi Việt, sức khỏe Việt, và đe dọa cả gia đình nhỏ của ông.

Tôi tin rằng, tất cả chủ soái của cuộc cách mạng chống thực phẩm bẩn, đều có thể trở thành anh hùng trong con mắt người Việt.

Thế nên, thưa Bộ trưởng, ông có thể bắt đầu viết tiếp câu chuyện Tái ông thất mã. Chúc ông mã đáo thành công!

Theo Bùi Hải

Cùng chuyên mục
XEM