Lợi nhuận của top 5 ngân hàng sẽ thế nào trong năm 2019?

28/11/2018 08:31 AM | Kinh doanh

Lợi nhuận sau thuế của nhóm ngân hàng niêm yết được kỳ vọng tiếp tục tăng...

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo triển vọng ngành ngân hàng 2019, với nhận định chung cho rằng tăng trưởng nhóm ngân hàng có thể chậm lại trong năm tới, tuy nhiên cổ phiếu nhóm này đã quay về vùng giá với mức hấp dẫn.

BVSC cho rằng, hoạt động tín dụng của các ngân hàng đang trong xu hướng cải thiện về hiệu quả. Năm 2019, các ngân hàng vẫn có thể mở rộng lợi nhuận đối với tín dụng do chi phí dự phòng giảm.

Tuy nhiên, nguồn thu nhập sẽ giảm do không còn thu nhập đột biến từ hiện thực hóa trái phiếu đầu tư cũng như các khoản lãi đột biến liên quan đến hoạt động bancassurance và thu từ xử lý nợ xấu. Trên thực tế, các khoản lợi nhuận bất thường chỉ còn chiếm 30% tổng lợi nhuận trước thuế các ngân hàng trong nửa đầu năm 2018.

Nhóm phân tích kỳ vọng, lợi nhuận sau thuế của nhóm ngân hàng niêm yết tăng khoảng 13,5% trong năm 2019. Nhìn chung, trong 3-5 năm tới, tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015-2017 (trung bình 18,1%). NIM toàn ngành trong năm 2019 dự báo ở vào khoảng 3,2%, một số ngân hàng sẽ gặp áp lực giảm NIM do tỷ lệ LDR ở mức cao, như BIDV, Vietinbank và VPBank.

Với Vietcombank, lợi nhuận ròng trong năm 2018 được dự báo đạt 12.636 tỷ đồng, trong đó có tính đến lợi nhuận từ thoái vốn Eximbank và MBB (khoảng 1.079 tỷ). Trường hợp Vietcombank chưa thể hoàn tất việc thoái vốn này trong 2018, phần lợi nhuận sẽ chuyển sang 2019.

Lợi nhuận 2019 dự báo đạt 13.241 tỷ đồng (tăng 5%). Đây là con số dự báo chưa tính đến khoản lợi nhuận có thể thu được liên quan đến thoái vốn VCB Cardiff và "upfront fee" với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác.

Vietcombank vẫn là ngân hàng có lợi thế vượt trội về vốn cũng như đi đầu về chất lượng tài sản trong hệ thống. Với hai thế mạnh này, tiềm năng tăng trưởng về lợi nhuận của Vietcombank vẫn rất lớn trong tương lai, đặc biệt là khi ngân hàng tiếp tục mở rộng mảng ngân hàng bán lẻ.

Tại VietinBank, chất lượng tài sản được cải thiện nhiều với tỷ lệ nợ xấu NPL dự báo duy trì quanh mức 1,2%; LLCR trên 100% và đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong 2018. Nhờ đó, chi phí dự phòng trong 2019 dự báo giảm 10%.

Tăng vốn là vấn đề cấp thiết đối với ngân hàng này. Trong trường hợp chưa có phương án tăng vốn cấp 1, VietinBank sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn cấp 2 - nguồn vốn có chi phí cao hơn để tài trợ tăng trưởng. Chi phí vốn bình quân đối với giấy tờ có giá của nhà băng trong năm 2017 đã ở mức 6,7% cao hơn khá nhiều so với chi phí huy động từ thị trường 1 là 4,9%.

Do đó, nếu chưa có phương án tăng vốn cấp 1 trong 2019, NIM của ngân hàng dự báo giảm xuống 2,5%. "Tuy nhiên, nhu cầu tăng vốn cấp 1 của VietinBank đã tương đối cấp thiết để phục vụ cho Basel II, chúng tôi kỳ vọng sẽ có phương án đặc biệt đối với VietinBank trong 2019 để đảm bảo các quy định về vốn, qua đó, tạo động lực tăng trưởng và cải thiện lợi nhuận cho ngân hàng", nhóm phân tích nhận định.

Năm 2019, quá trình xử lý nợ xấu tại BIDV được dự báo được đẩy nhanh hơn, chi phí dự phòng giảm mạnh. Thật ra, trong năm 2018, ngân hàng cũng đã đẩy nhanh tốc độ trích lập dự phòng cũng như xóa nợ với chi phí dự phòng và tổng giá trị nợ đã xóa trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt lần lượt 10.028 tỷ đồng (tăng 51% so với cùng kỳ) và 9.902 tỷ đồng (tăng 338% so với cùng kỳ). Chi phí dự phòng cả năm 2018 của BIDV dự báo đạt 21.028 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ). Do đó, áp lực trích lập cũng như xóa nợ trong 2019 sẽ giảm, dự báo chi phí dự phòng giảm xuống còn 16.486 tỷ đồng.

Nếu phát hành riêng lẻ thành công, ngân hàng sẽ mở rộng nhanh chóng danh mục cho vay trong năm 2019. Hiện tại, tăng trưởng tín dụng năm 2018 tương đối cầm chừng do tỷ lệ CAR đã chạm ngưỡng 9% theo quy định của NHNN. BVSC kỳ vọng, kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài có thể hoàn thành cuối 2018 hoặc đầu 2019 giúp ngân hàng bổ sung được nguồn vốn lớn (khoảng hơn 21.000 tỷ đồng từ tăng vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần) tạo điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh trong 2019.

Ngoài ra, lợi nhuận từ xử lý nợ xấu dự báo vẫn tiếp tục đóng góp vào lợi nhuận 2019 và 2020 cho ngân hàng. Với tổng số nợ xấu đã xóa từ 2016 đến giữa 2018 đạt hơn 21.000 tỷ đồng, BIDV sẽ có thể có được thu nhập bất thường khoảng 9.475 tỷ đồng trong 2019-2021.

Lợi nhuận sau thuế năm 2019 và 2020 của Techcombank được dự báo đạt lần lượt 9.022 tỷ VNĐ (tăng 9%) và 10.548 tỷ VNĐ (tăng 17%).

Tăng trưởng chậm trong 2019 là do không còn các khoản thu bất thường (từ "upfront fee" bảo hiểm, thoái vốn một số khoản đầu tư, hiện thực hóa lợi nhuận trái phiếu). Tuy nhiên, lợi nhuận 2020 dự báo sẽ tăng trưởng tốt trở lại.

BVSC cho rằng tăng trưởng tín dụng trong 2019-2020 của ngân hàng sẽ được đảm bảo nhờ các dự án của Vingroup. Danh mục dự án đang phát triển hiện nay của Vingroup gồm 26 dự án đang phát triển, trong đó 21 dự án có thời gian mở bán trong 2018-2019. Riêng đối với Vincity là nhóm dự án nhà ở dành cho phân khúc thu nhập trung bình và thấp với khoảng 200.000-300.000 căn hộ trong vòng 5 năm tới, tổng giá trị các khoản vay có thể đạt 98.000-178.500 tỷ (LTV 70-85%). Vincity Quận 9 và Vincity Gia Lâm là hai dự án sẽ được mở bán đầu tiên. Do đó, nếu các dự án của Vingroup tiêu thụ tốt, tăng trưởng trong 2018-2020 của Techcombank vẫn có thể được duy trì.

Không phân tích cụ thể về VPBank, tuy nhiên, nhóm phân tích của BVSC dự báo lợi nhuận ròng của ngân hàng trong năm nay đạt khoảng 7.316 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm ngoái. Năm 2019, tổng doanh thu được kỳ vọng đạt hơn 33.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 8.006 tỷ, tăng 9,4%.

Theo Hải Vân

Cùng chuyên mục
XEM