Lời nguyền tài nguyên ở miền đất của Thành Cát Tư Hãn

19/08/2016 20:44 PM | Kinh doanh

Sau khi đã “đốt cháy” gần như toàn bộ dự trữ ngoại hối, Chính phủ Mông Cổ đang đối mặt với gánh nặng nợ khổng lồ và thậm chí không thể trả tiền cho công nhân viên chức.

Năm 2008, để tưởng nhớ Thành Cát Tư Hãn – người được là đã “khai thiên lập quốc”, Mông Cổ dựng một mức tượng bằng thép khổng lồ bên bờ sông Tuul, nơi cách thủ đô Ulannbaatar nửa giờ xe chạy. Tên tuổi của nhân vật lịch sử từ thế kỷ 13 cũng được đặt cho sân bay quốc tế của Mông Cổ và hình ảnh ông xuất hiện trên những tờ tiền giấy của đất nước này.

Sau khi đã “đốt cháy” gần như toàn bộ dự trữ ngoại hối, Chính phủ Mông Cổ đang đối mặt với gánh nặng nợ khổng lồ và thậm chí không thể trả tiền cho công nhân viên chức. Ngày hôm qua, NHTW nước này tăng tỷ lệ lãi suất cơ bản thêm 4,5 điểm phần trăm, lên 15% nhằm vực dậy tugrik – đồng tiền có diễn biến tệ nhất thế giới kể từ đầu tháng đến nay.

Mông Cổ - đất nước giàu tài nguyên khoáng sản nằm giữa Nga và Trung Quốc với bốn bên đều là đất liền – đang ở bên bờ khủng hoảng kinh tế. Tình hình sức khỏe kinh tế Mông Cổ không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường tài chính toàn cầu, nhưng đây là bài học nhãn tiền dành cho những nền kinh tế lớn khác cũng đang dựa vào tài nguyên như Brazi, Venezuela, Nga và Saudi Arabia.

Kinh tế Mông Cổ sẽ đem lại một ý nghĩa mới cho cái mà các chuyên gia kinh tế gọi là “ lời nguyền tài nguyên ”. Một quốc gia có quá nhiều tài nguyên thiên nhiên có thể rơi vào cảnh tăng trưởng kinh tế chậm chạp, chi tiêu lãng phí và những chu kỳ bùng nổ rồi lại lao dốc thất thường khiến nền tài chính kiệt quệ.

“Mông Cổ đáng ra phải giàu có hơn”, Lutz Roehmeyer, chuyên gia quản lý tiền tệ tại quỹ Landesbank Berlin Investment và là người đang đầu tư vào trái phiếu Mông Cổ nói. “Chẳng có nơi nào trên thế giới mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy tài nguyên và bán chúng sang Trung Quốc dễ dàng hơn Mông Cổ”.

Khi siêu chu kỳ trên thị trường hàng hóa đạt đỉnh năm 2011, kinh tế Mông Cổ cũng bùng nổ. Một nghiên cứu được IMF xuất bản năm đó nói rằng những tài nguyên thiên nhiên như vàng, bạc, đồng nằm dưới lòng đất Mông Cổ có giá trị lên tới 1000 – 3000 tỷ USD.

Nhờ nhu cầu hàng hóa mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc và dòng vốn FDI dồi dào, Mông Cổ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2005 – 2015. Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình là 8%/năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.000 USD.

Tuy nhiên khi kinh tế Trung Quốc không còn duy trì được mức tăng trưởng 2 con số cũng là lúc Mông Cổ lạc lối. Năm 2012, nước này phát hành 1,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ được biết đến với tên gọi trái phiếu Thành Cát Tư Hãn để tài trợ cho các dự án làm đường xuyên quốc gia. Khi cơn sốt qua đi, đường đến khủng hoảng đã được dọn sẵn.

Tốc độ tăng trưởng GDP trồi sụt thất thường.
Tốc độ tăng trưởng GDP trồi sụt thất thường.

Đồng nội tệ sụp đổ trong tháng 8 như vừa qua là một hệ quả tất yếu. Bộ trưởng Tài chính Choijilsuren Battogtokh lên kênh truyền hình quốc gia để tuyên bố kinh tế Mông Cổ đã rơi vào khủng hoảng. Trên tivi liên tục xuất hiện những hình ảnh về bệnh viện và nhà trẻ quá tải vì các quan chức nói rằng họ không thể hoàn thành những dự án đang dang dở. Dự trữ ngoại hối giảm xuống còn 1,3 tỷ USD vào cuối tháng 6, tức giảm 23% so với năm ngoái.

Một số viên chức nhà nước bị giảm lương tới 60%.

Không khó để chỉ ra nguyên nhân khiến kinh tế Mông Cổ rơi vào thảm cảnh hiện nay. Nước này phụ thuộc quá nhiều vào trữ lượng đồng, quặng sắt, than đá và vàng khổng lồ. Xuất khẩu tới Trung Quốc đóng góp 80% GDP. Đất nước này không có kế hoạch B để đối phó với đà lao dốc của kinh tế Trung Quốc.

Tỷ lệ nợ/GDP có thể lên đến 78% trong năm nay – ngang bằng với Ukraine, nước đã phải tái cấu trúc các khoản nợ nước ngoài trong năm ngoái và giờ vẫn có 18% khả năng vỡ nợ.

Chính phủ Mông Cổ sẽ phải trả 650 triệu USD nợ trái phiếu trong năm 2018 và 1,5 tỷ USD nữa vào năm 2021. Tổng cộng nước này có 5 tỷ USD nợ Chính phủ.

Mông Cổ - đất nước có 3 triệu dân và hơn 70 triệu con gia súc – đã nhiều lần cầu cứu IMF. Lần gần đây nhất là năm 2009, trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau đó nền kinh tế này đã hồi phục mạnh để đạt tốc độ tăng trưởng 17% nhưng một phần nguyên nhân cũng là do dự án xây dựng mỏ khai thác đồng và vàng khổng lồ có tên Oyu Tolgoi.

Lượng vốn đầu tư cũng sụt giảm mạnh.
Lượng vốn đầu tư cũng sụt giảm mạnh.

Chính phủ mới nhậm chức cách đây 2 tháng đang tìm kiếm trợ giúp với những cam kết về các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Mông Cổ có thể chống chọi được với cuộc khủng hoảng mới nhất này, nhưng ngoài Thành Cát Tư Hãn, chắc hẳn đất nước này sẽ còn được nhắc đến nhiều lần như một minh chứng hùng hồn khi ai đó muốn giảng giải về khái niệm “lời nguyền tài nguyên”.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM