Lời khai mâu thuẫn hé lộ sự thật về những viên thuốc chữa bệnh ung thư giả của VN Pharma

26/09/2019 14:26 PM | Xã hội

Kẻ chủ mưu nhận sai, thuốc giả xuất xứ, hồ sơ pháp lý đều là giả. Vậy nguyên cơ gì Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế lại dễ dàng cấp phép nhập khẩu thuốc chữa bệnh ung thư giả.

Ngày 26/9, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty VN Pharma),Võ Mạnh Cường (cùng 41 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) và 10 bị cáo đồng phạm về hành vi buôn bán thuốc ung thư giả diễn ra tại Công ty VN Pharma.

Những lời khai mâu thuẫn: “Thuốc thật, giả xuất xứ, bị cáo sai!”

Trước đó, trả lời chất vấn của tòa, Võ Mạnh Cường khai công ty của ông ta không có chức kinh doanh thuốc. Tuy nhiên, người đàn ông 41 tuổi cho rằng ông ta có giấy tờ đại diện của 2 công ty Helix Canada và Health 2000 Canada tại Việt Nam. Tòa cho rằng cơ quan chức năng xác định những giấy tờ này không có giá trị trong nước.

Bên cạnh đó, Cường khai chính Nguyễn Minh Hùng đặt vấn đề về việc có nhu cầu mua thuốc H-Capita. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm vấn trước đó, Hùng khai Cường là người chủ động chào mời số mặt hàng, trong đó có lô thuốc H-Capita. Theo lời khai của Cường, ông ta hưởng 30.000 USD từ việc nhập khẩu lô thuốc 9.300 hộp H-Capita.

Trước đó, trong quá trình thẩm vấn, ông Nguyễn Minh Hùng thừa nhận mọi hành vi như cáo trạng truy tố. Nguyên Tổng giám đốc công ty VN Pharma cho rằng hành vi của bản thân sai là do thiếu hiểu biết. Hùng cho rằng bản thân nhận thức được nguồn gốc thuốc sản xuất là không có, là thuốc ung thư giả, nhưng về chất lượng thuốc thì mong tòa xem xét lại.

Lời khai mâu thuẫn hé lộ sự thật về những viên thuốc chữa bệnh ung thư giả của VN Pharma - Ảnh 1.

Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma thừa nhận làm giả xuất xứ thuốc, gửi lời xin lỗi người dân.

Khẳng định trước tòa, Hùng hơn 2 lần cho rằng Cường là người chào bán thuốc, nguyên Tổng giám đốc công ty VN Pharma cho rằng bản thân không thể nào bỏ tiền ra để mua thuốc giả được. “Thuốc thật, giả xuất xứ, bị cáo sai!”, ông Nguyễn Minh Hùng trả lời chất vấn.

Ngoài ra, tại tòa, Nguyễn Minh Hùng khai thêm, ngoài H-Capita, Công ty VN Pharma có nhập khẩu 4 loại thuốc của Health 2000, và số thuốc này đã được tiêu thụ hết ra ngoài thị trường. Ông ta cũng xin tòa được nói lời xin lỗi đến người dân: "Tất cả là do sự thiếu hiểu biết của bị cáo. Do bị cáo không tìm hiểu về nguồn gốc thuốc. Làm rất nhiều điều sai trái dẫn đến ngày hôm nay".

Trong khi đó quá trình xét xử tại tòa, Cường một mực kêu oan cho rằng cáo trạng truy tố không đúng. Cường nói không quan tâm cách thức và thủ tục nhập khẩu thuốc vào Việt Nam vì chỉ tập trung vào việc xúc tiến thương mại và cầu nối giữa ông Raymundo và Công ty VN Pharma. Giá thuốc cũng do Raymundo đưa ra, Cường chỉ nhận tiền công từ ông này.

"Cơ quan điều tra đã bỏ qua nhiều thông tin quan trọng trong lời khai của bị cáo. Đã hơn 5 năm, bị cáo đã chịu oan ức từ sai phạm của các cơ quan tố tụng", Cường nói. Liên quan đến Raymundo, cho rằng VKSND Tối cao đã tách ra thành vụ án khác và tiếp tục làm rõ.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm vấn, 10 bị cáo còn lại cũng thừa nhận hành vi phạm tội, cho rằng bản thân làm theo chỉ đạo của Nguyễn Minh Hùng. Tòa nhận định các bị cáo phạm tội có sự tổ chức chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng.

Thuốc giả dễ dàng qua mặt tổ thẩm định

Quá trình thẩm vấn, Tổ thẩm định (Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) liên quan việc thẩm định đơn hàng nhập khẩu thuốc H-Capita. Trưởng phòng Quản lý kinh doanh dược, ông Phan Công Chiến cho biết tổ thẩm định hồi tháng 1/2013 gồm 10 chuyên gia, chia làm 3 nhóm: pháp lý, thẩm định tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm, thẩm định dược lý lâm sàng.

Ông Chiến nói bản thân thuộc nhóm pháp lý. Ông cho rằng hồ sơ cấp phép H-Capita gồm 5 danh mục, tài liệu: Đơn hàng nhập khẩu, giấy phép lưu hành (FSC), giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc - GMP, tiêu chuẩn chất lượng và phương pháp kiểm nghiệm thuốc, mẫu nhãn và hướng dẫn sử dụng.

Về trách nhiệm bản thân trong đánh giá hồ sơ của VN Pharma đạt yêu cầu, ông Chiến cho rằng với vai trò của nhóm pháp lý, ông đã thực hiện đúng và đủ theo quy chế của Tổ thẩm định và quy định pháp luật.

Lời khai mâu thuẫn hé lộ sự thật về những viên thuốc chữa bệnh ung thư giả của VN Pharma - Ảnh 2.

Ông Võ Mạnh Cường có lời khai mâu thuẫn với nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Mạnh Hùng.


Khi tòa đặt vấn đề rằng Tổ thẩm định phê duyệt đánh giá đơn hàng của VN Pharma đều đạt chuẩn, trong khi toàn bộ hồ sơ của VN Pharma cung cấp là hồ sơ giả. Ông Chiến không trả lời được.

"Với tư cách là người phụ trách nhóm pháp lý ông có phát hiện những tài liệu VN Pharma cung cấp không có giấy phép của Công ty Helix Canada", chủ tọa hỏi. Ông Chiến thừa nhận, tài liệu này không có trong hồ sơ. "Tại sao không có trong hồ sơ Nguyễn Minh Hùng phải nộp giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hong Kong", tòa tiếp tục thẩm vấn, song ông Chiến cũng không trả lời.

Ông Lê Xuân Hoành (thành viên tổ giám định) khẳng định khái niệm thuốc kém chất lượng và thuốc giả hoàn toàn khác nhau. Theo đó, ông giải thích thuốc kém chất lượng là thuốc có chứa hoạt chất nhưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Theo hồ sơ vụ án, ông Trương Quốc Cường (Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế năm 2013) ký cấp phép nhập khẩu đơn hàng cho Công ty VN Pharma. Sau đó, Hùng và Cường làm giả hợp đồng để nhập khẩu 9.300 hộp Capita. Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma liên doanh với một công ty dược trúng thầu cung cấp thuốc Sở Y tế TP HCM.

Ngày 11/4/2014, lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita được nhập về Việt Nam. Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97,5% hoạt chất capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.

Lời khai mâu thuẫn hé lộ sự thật về những viên thuốc chữa bệnh ung thư giả của VN Pharma - Ảnh 3.

Các bị cáo đồng phạm tại phiên xử.

Cáo trạng thể hiện tài liệu điều tra có đủ căn cứ xác định các chuyên gia và cán bộ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế tham gia thẩm định, cấp phép nhập khẩu lô thuốc đã không làm hết trách nhiệm, bỏ qua các điều kiện để cấp phép nhập khẩu lô thuốc H-Capita cho VN Pharma. Từ sai phạm trong việc cấp phép dẫn đến VN Pharma nhập thuốc chữa bệnh ung thư giả vào Việt Nam.

"Có ác với bệnh nhân quá không?"

Ngày hôm qua, đại diện Viện kiểm sát đã đặt nhiều câu hỏi cho các bị cáo trong vụ án, đặc biệt là nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Minh Hùng. "Bị cáo bán thuốc giả, lại còn giá cao. Người bệnh ung thư đã khốn khổ bởi căn bệnh hiểm nghèo, vậy mà uống thuốc giả của các bị cáo thì tác hại như thế nào? Có ác với họ quá không?", cơ quan công tố đặt vấn đề.

Nguyên tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng thừa nhận căn cứ theo kết quả giám định thì thuốc H-Capita không có tác dụng chữa bệnh cho người.

Tuy nhiên, bị cáo xin đính chính việc VN Pharma trúng thầu cung cấp thuốc cho bệnh viện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải chỉ căn cứ vào giá nhập.

Đại diện Viện KSND TP HCM hỏi Nguyễn Minh Hùng: “Nếu người bệnh dùng thuốc này thì hậu quả sẽ như thế nào?”. Bị cáo Hùng trả lời: “Sẽ không đáp ứng được phác đồ điều trị”.

Đại diện cơ quan công tố đặt câu hỏi mở: “Nói như vậy, khả năng bệnh nhân tử vong sẽ cao. Tại sao bị cáo phải làm vậy? Bị cáo thấy mình làm vậy là tội ác không?”. Nguyên Tổng giám đốc VN Pharma trả lời: “Bị cáo không có gì để biện minh cho hành vi của mình, bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai”.

Thuốc giả bán vào bệnh viện nào?

Sau khi được Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường duyệt giấy phép nhập thuốc, VN Pharma đã nhập 9.300 hộp thuốc H- Capita.

Tháng 4/2014, VN Pharma trúng thầu việc phân phối thuốc vào Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) với giá 31.000 một viên. Hùng khai không nhớ đã bán thêm cho những bệnh viện khác. Sau khi nhận được thông tin thuốc nhập về không đạt tiêu chuẩn, Hùng chỉ đạo ngưng bán, thuốc chưa được đưa vào bệnh viện.

Hùng thừa nhận cùng ban giám đốc chủ trương nâng khống giá đối với lô thuốc H- Capita lên 6,8 tỷ đồng để sử dụng vào việc chi cho các trình dược viên, đấu thầu thuốc... Tuy nhiên, cựu Chủ tịch VN Pharma không thừa nhận chi tiền cho các bác sĩ để họ kê đơn thuốc.

Kết quả điều tra xác định, VN Pharma đã dùng 14,1 tỷ đồng nâng khống thuốc để chi "hoa hồng" cho việc bán thuốc. Do số tiền này để ngoài sổ sách nên không xác định được nâng khống lô thuốc nào.

Theo Quốc Chiến

Cùng chuyên mục
XEM