Lời ai oán như “tiếng chim hót trong bụi mận gai” về công nghiệp hỗ trợ VN của vụ trưởng Bộ Công thương

30/03/2016 14:03 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo con số thống kê ở Việt Nam hiện nay, số doanh nghiệp hỗ trợ mới chỉ là 1.383 trên tổng số 500.000 doanh nghiệp cả nước, chiếm 0,03%. Đây là con số quá ít ỏi, rất đáng xấu hổ với ngành công nghiệp hỗ trợ.

GS.TS Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Bộ Công Thương) ví tiếng nói của mình đối với ngành công nghiệp hỗ trợ VN ai oán như “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”. Song, ông cho biết sẽ không ngững nỗ lực, tâm huyết và không bao giờ dứt.

Theo con số thống kê ở Việt Nam hiện nay, số doanh nghiệp hỗ trợ mới chỉ là 1.383 trên tổng số 500.000 doanh nghiệp cả nước, chiếm 0,03%. Nhìn nhận vấn đề này, ông Tuất cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang rất yếu, kém. Đây là con số quá ít ỏi, rất đáng xấu hổ với ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông, những doanh nghiệp đã tồn tại đang không tiếp cận được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Họ là những người đã lớn, được giáo dục theo kiểu cũ và thấm nhuần theo phong cách cũ.

Do đó, quyết sách hiện tại là cần phải cho ra những đứa bé công nghiệp hỗ trợ chứ không phải là những doanh nghiệp đã có. Bởi các doanh nghiệp mới sẽ thuần khiết hơn, thông minh hơn, trắng trơn hơn và có cơ hội hơn tham gia vào chuỗi giá trị.

Tại Nhật Bản, Eu… sự vào cuộc của chính phủ, Nhà nước đối với ngành công nghiệp hỗ trợ còn là quốc sách. Do đó, muốn phát triển, Việt Nam cũng cần có yếu tố này.

GS.TS Tuất nhận định, đây là thời điểm vàng, chín muồi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Nhà nước cần tạo những nguồn tín dụng phối hợp với các lồng ươm doanh nghiệp, cụm công nghiệp để sinh sản ra những doanh nghiệp hỗ trợ mới. Đây là vấn đề hết sức quan trọng mà Nhà nước cần có những kinh phí hợp pháp, hợp thức đủ mạnh.

Chúng ta cần bỏ vài chục nghìn tỷ xây dựng các trung tâm lồng ấp doanh nghiệp, mời các chuyên gia nước ngoài, các hãng, nhà lắp ráp đến và đào tạo tại chỗ. Và khi thành công thì các đối tác này cũng chính đơn vị phân phối và sử dụng sản phẩm của chúng ta”, ông Tuất góp ý.

Định hướng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay theo GS.TS Tuất vẫn là đồ nhựa và đồ cơ khí. Bởi nó này phù hợp với điều kiện đầu tư cũng như năng lực, kinh tế, trình độ khoa học kỹ thuật của Việt Nam. Bên cạnh nhựa thì chất liệu gốm cũng rất phổ quát và có tiềm năng, thậm chí nó có thể thay cho thép siêu cứng, siêu mềm.

“Thời gian làm việc trong Bộ Công Thương của tôi không còn nhiều, song tôi sẽ cố gắng dồn hết tâm huyết cũng như thời gian để tạo ra các lồng ấp tạo doanh nghiệp. Hy vọng tới năm 2020, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam sẽ là khoảng 5.000 và khi lúc chống gậy về già, con số sẽ lên tới 10.000-20.000 doanh nghiệp”, người có tiếng nói ai oán với ngành công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM