Loét dạ dày không điều trị có thể thành ung thư: Chuyên gia mách cách sống chung với bệnh

16/01/2019 17:22 PM | Sống

Theo các chuyên gia tỷ lệ mắc các bệnh viêm loét dạ dày ở nước ta thuộc vào hàng cao. Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh viêm dạ dày có thể tiến triển thành ung thư.

Stress - thủ phạm gây viêm loét dạ dày

Chị Vũ Thanh Huyền – Hàng Bột , Đống Đa, Hà Nội tâm sự chị khổ vì viêm loét dạ dày. Điều đặc biệt cả 4 thành viên trong gia đình ai cũng bị viêm loét dạ dày và có vi khuẩn HP hoạt động.

Mỗi lần vào thời điểm cuối năm công việc kế toán bận rộn là chị lại bị đau dạ dày hoặc chỉ cần ăn thức ăn cay hơn chút là về chị bị đau luôn. Cách đây 1 tuần, chị Huyền đi nội soi dạ dày, bác sĩ cho biết chị bị viêm loét dạ dày ở vùng hang vị, nấm dạ dày và kèm theo vi khuẩn HP.

Chị Huyền đã uống thuốc 7 ngày nhưng không thấy đỡ. Nỗi lo thường trực về bệnh dạ dày luôn khiến chị Huyền thấy bất an nhất là hiện nay bệnh ung thư dạ dày đang phổ biến.

Chị Huyền kể cách đây 3 tháng chị đã cho cả hai con đi kiểm tra và cả hai bé cũng bị dương tính với vi khuẩn HP nhưng chưa có hiện tượng viêm loét dạ dày.

Nói về viêm loét dạ dày, Giáo sư Đào Văn Long – Nguyên trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Bạch Mai cho biết đây là bệnh lý khá phổ biến ở trên thế giới và cả Việt Nam. Theo GS Long loét dạ dày tá tràng là tình trạng hoại tử bề mặt niêm mạc dạ dày xuyên qua lớp cơ niêm,  thường là do tác động của acid và pepsin trong dịch vị.

Loét viêm dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó tập trung ở nhóm nguyên nhân do vi khuẩn HP, do sử dụng thuốc bừa bãi, do  stress, do các bệnh mãn tính. Đặc biệt những người có tiền sử viêm loét dạ dày thì stress là tác nhân gây viêm loét tái lại bác sĩ hay gọi là viêm loét stress.

Loét dạ dày không điều trị có thể thành ung thư: Chuyên gia mách cách sống chung với bệnh - Ảnh 1.

Viêm loét dạ dày bệnh phổ biến ở nước ta

Các yếu tố gây viêm loét dạ dày do hút thuốc, do uống rượu và do gia đình. Giáo sư Long cho biết những người trong gia đình bố mẹ hay bị viêm loét dạ dày thì con có nguy cơ bị nhiều hơn. Chính vì thế, việc các thành viên trong nhà cùng nhau bị viêm loét dạ dày không phải ngẫu nhiên.

Giáo sư Long cũng nói thêm loét dạ dày tá tràng gặp khá nhiều ở trẻ em, bất kể lứa tuổi nào, trẻ 2-3 tuổi hoặc 11-12 tuổi. Nguyên nhân do uống thuốc kháng sinh hoặc có thể do vi khuẩn HP gặp khá nhiều và lây qua đường ăn uống, nếu trong gia đình, dùng chung bát đũa, chất thải đều có vi khuẩn HP. Trong gia đình bố mẹ bị nhiễm vi khuẩn HP thì 60-70% trẻ em sẽ bị nhiễm.

Sống chung với viêm dạ dày

Nói về bệnh viêm loét dạ dày, PGS Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y học cổ truyền cho biết trong y học cổ truyền có chứng vị quản thống được mô tả lâu đời bệnh lý về dạ dày.

Đông y do nguyên nhân chính như từ bên ngoài gây nên do nhiễm lạnh, ví dụ những đêm ngủ người bệnh quên đắp chăn ấm vào bụng làm dạ dày không thực hiện tốt chức năng của mình nên người ta không thoải mái và đây cũng khiến dạ dày dễ mắc bệnh.

Nguyên nhân thứ hai theo lý giải của đông y đó là do ẩm thực ăn no, ăn nóng, ăn lạnh, ăn đói cũng gây bệnh.

Ngoài ra, những người có áp lực về thời gian, thần kinh căng thẳng ảnh hưởng tới dạ dày tiêu hoá và hay gây ra các bệnh dạ dày.

Loét dạ dày không điều trị có thể thành ung thư: Chuyên gia mách cách sống chung với bệnh - Ảnh 2.

Những người bị viêm dạ dày phải làm gì?

Theo GS Cảnh khi đã bị bệnh dạ dày thì theo y học cổ truyền món ăn hằng ngày có thể sử dụng là vị thuốc hoài sơn giúp tì vị tốt.

Trong ăn uống của bệnh dạ dày thì không nên để đói quá, nếu không ăn gì thì cũng nên uống một ly nước để trung hòa axit dạ dày. Trong đông y thì tối kỵ là để dạ dày trống không vì sẽ không có gì để bảo vệ dạ dày. Cần ăn đúng bữa, đúng giờ, thức ăn quá lạnh sẽ gây nên bệnh dạ dày, sẽ gây rối loạn dạ dày.

Chức năng dạ dày là hòa và giáng, nó làm trào trộn thức ăn và  giáng xuống tiếp tục tiêu hóa. Đặc biệt là tá tràng, nếu dạ dày không thực hiện được công năng hòa trộn thức ăn sẽ ảnh hưởng tới chức năng tiêu hoá.

Còn trong y học hiện đại, PGS Cảnh cho biết hiện y học hiện đại đã  chứng rõ được quá trình tiết dịch vị của dạ dày liên quan đến vấn đề dạ dày. Không nên ăn quá no để dạ dày còn có thể co bóp. Còn nếu đói quá không có gì để tiêu hóa thì chính điều đó sẽ làm tổn thương dạ dày.

Ngoài ra, PGS Cảnh cũng cho biết người bị bệnh dạ dày hằng ngày có thể nấu cháo ý dĩ, hạt sen để ăn giúp dạ dày tiêu hoá tốt hơn.

Theo Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM