Loạt chuyển động mới tại các công ty tài chính tiêu dùng

08/10/2017 20:02 PM | Kinh doanh

Techcombank dự kiến bán 100% vốn TechcomFinance. MCredit cũng chính thức có sự thay đổi với tên gọi mới MB Shinnei. Thị trường tài chính tiêu dùng tiếp tục là miếng bánh hấp dẫn thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư.

Người đến, kẻ "chốt lời"

Ngày 29/9, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) trên website của mình đã thông báo về việc phê duyệt hợp đồng và các tài liệu giao dịch liên quan về mua/ bán chuyển nhượng toàn bộ vốn góp/ vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Tài chính Kỹ thương Việt Nam (TechcomFinance) theo Nghị quyết ngày 28/9 của HĐQT.

Mặc dù, Techcombank chưa công bố nhưng tiết lộ từ phía truyền thông Hàn Quốc cho biết đối tác mua của thương vụ này chính là Lotte Card Co., một thành viên của Lotte Group. Đây cũng là "ông lớn" Hàn Quốc đã tham gia nhiều lĩnh vực trong thị trường Việt Nam.

Theo hãng truyền hình Maeil Broadcasting Network của Hàn Quốc, tại lễ ký kết giữa Techcombank và Lottecard, hai bên thống nhất chuyển nhượng 100% vốn của công ty TechcomFinance với giá chuyển nhượng lên tới 87,5 tỷ won, tương đương 1.734 tỷ đồng. Vốn điều lệ của TechcomFinance là 600 tỷ đồng.

Số tiền mà Lotte Card chi ra để mua gấp 2,89 lần mệnh giá cổ phiếu. Techcom Finance tiền thân là Công ty tài chính Hóa chất, một đơn vị thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nhưng đã được Techcombank mua lại hồi tháng 1/2015.

Sau khi hoàn tất các thủ tục cuối cùng, trong vòng một năm, Lotte Card của Hàn Quốc sẽ cung cấp dịch vụ phát hành thẻ, cho vay trả góp và cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.

 Loạt chuyển động mới tại các công ty tài chính tiêu dùng  - Ảnh 1.

Lễ ký kết thỏa thuận mua bán 100% vốn TechcomFinance

Bước chân vào thị trường Việt Nam, Lotte Card không giấu tham vọng của mình. Theo Maeil Broadcasting Network, TechcomFinance trong mắt Lotte Card là "công ty đang có giấy phép phát hành thẻ tín dụng". Mục tiêu của doanh nghiệp Hàn Quốc này cũng chính là thị trường thẻ tín dụng với 5,3 triệu thẻ phát hành và 3,5 nghìn tỷ won tổng mức sử dụng.

Tại xứ sở Kim chi, Lotte Card cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay bằng tiền mặt và thẻ tín dụng, dịch vụ trả góp không lãi và cũng là hãng phân phối và cung cấp dịch vụ cho khách hàng bao gồm toàn bộ Lotte Group.

Trong khi gã khổng lồ Lotte Card mạnh tay đầu tư để tham gia thị trường thẻ tín dụng hay rộng hơn là tài chính tiêu dùng thì ở chiều ngược lại Prudential lại đang lên kế hoạch "chốt lời" Công ty TNHH Một thành viên Tài chính Prudential Việt Nam.

Thành lập năm 2007, Prudential Finance cũng chính là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam với mạng lưới khách hàng 300.000 người tính đến tháng 10/2016. Cuối năm 2016, vốn điều lệ của công ty này là 616,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters, mức giá Prudential mong muốn cho thương vụ này lên tới 150 triệu USD, tương đương hơn 3.400 tỷ đồng, gấp 5,52 lần giá trị vốn điều lệ tính theo mệnh giá.

Mục đích của bán mảng cho vay tiêu dùng Việt Nam để Prudential tập trung vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đánh dấu thương vụ bán tài sản lớn đầu tiên của Prudential từ khi bổ nhiệm vị trí đứng đầu mảng kinh doanh tại châu Á cho cựu giám đốc tài chính của Tập đoàn - ông Nic Nicandrou.

Điểm chung của cả hai thương vụ này chính là hai bên mua-bán đều chấp nhận mức giá chuyển nhượng cao ngất ngưởng so với mệnh giá cổ phần. Công ty tài chính với khả năng tham gia được vào thị trường tín dụng tiêu dùng đang được đánh giá rất cao.

Thay đổi để cạnh tranh

Bên cạnh các cuộc "thay máu" cổ đông 100%, hàng loạt nhiều chuyển động khác cũng diễn ra tại bản thân nhiều công ty tài chính tiêu dùng trong thời gian qua.

Như hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, công ty tài chính thuộc MBBank - MCredit đã chính thức đổi tên thành Công ty tài chính TNHH MB Shinsei. Việc đổi tên cũng đánh dấu thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông của công ty tài chính này. Sở hữu của Ngân hàng TMCP Quân đội đã giảm từ 100% xuống còn 50% vốn điều lệ. Đối tác đến từ Nhật Bản Shinsei Bank, Limited (Nhật Bản) sở hữu 49%; còn Công ty TNHH đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành sở hữu 1% vốn. Hai bên thực tế đã có những thỏa thuận từ trước đó nửa năm. Đánh giá về đối tác chiến lược này, MBBank nhận định đây là tổ chức sở hữu nền tảng công nghệ hiện đại và kinh nghiệm hơn 50 năm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.

Công ty Tài Chính TNHH MTV Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) trong khi đó lại tăng cường năng lực tài chính bằng việc tiếp tục bổ sung vốn góp. Cuối tháng 7/2017, FE Credit đã chính thức tăng vốn điều lệ từ 2.790 tỷ đồng lên 4.494 tỷ đồng. Công ty tài chính đang nắm giữ 48% thị phần tài chính tiêu dùng này đã liên tục tăng vốn từ mức 1.000 tỷ đồng hồi tháng 6/2014, khi VPBank mua lại Công ty tài chính Than Khoáng sản Việt Nam từ Vinacomin.

Công ty tài chính TNHH một thành viên Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam hồi tháng 6 vừa qua cũng đã đổi sang tên mới Công ty tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cộng Đồng (FCCOM). Đây là bước thay đổi đáng kể đầu tiên kể từ khi MaritimeBank đã mua lại Công ty tài chính Dệt may Việt Nam vào năm 2015. Trước đó, phần lớn hoạt động của công ty tài chính này là chuẩn bị về hệ thống, sản phẩm,.. Vốn điều lệ của FCCOM hiện vẫn giữ nguyên ở mức 500 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, FCCOM vẫn chưa chính thức hoạt động hay cũng chưa có website riêng. Việc đổi tên này liệu có đánh dấu một bước đi mới của Maritimebank trong việc tấn công thị trường tài chính tiêu dùng đang tăng trưởng có phần nóng này?

Không thể phủ nhận sức nóng của thị trường này trong thời gian qua. Quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng đến 30/6/2017 đã tăng lên khoảng 744 nghìn tỷ chiếm 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ cho vay của các CTTC khoảng 97 nghìn tỷ, chiếm 13% tổng dư nợ tiêu dùng.

Ngay cả ông lớn FECredit, một trong các tổ chức tiên phong tham gia vào thị trường này cũng xác định cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng. Lợi thế người đi trước tạm thời (có thể trong 3-5 năm), đồng thời cũng xác định thị phần bị ảnh hưởng. Phương án mà công ty tài chính thuộc VPBank đưa ra trong thời gian tới là phải giảm chi phí và giảm độ rủi ro.

Lượng khách hàng mà các công ty tài chính khá lớn nhưng chủ yếu đi vay khoản vay nhỏ. Sự phát triển của mảng tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ giảm sự hoành hành của tín dụng đen hay cho vay nặng lãi. Phân khúc khách hàng của công ty tài chính lại hạn chế về hiểu biết tài chính, dễ bị tổn thương trong xã hội. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc tăng trưởng nóng cần đi kèm với việc người đi vay phải có sự tìm hiểu kỹ về hợp đồng vay, tránh rơi vào cảnh bị phạt hay vỡ nợ. Nếu như có nhiều người đi vay không trả được nợ, nguy cơ dẫn đến sẽ là mất an toàn cho chính các tổ chức tín dụng tiêu dùng.

Theo Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM