Loài người được tạo ra chỉ có 1 cái miệng và 2 cái tai, đó là để chúng ta nói ít đi và lắng nghe nhiều hơn

12/04/2016 19:03 PM | Sống

Vậy nên hãy là người lịch sự luôn biết lắng nghe bạn nhé.

“Hãy nghe tôi nói xong đã nào” - đây không chỉ là một lời nhắc nhở, mà còn là lời chế giễu về sự bốc đồng và hiếu thắng của bạn. Tại sao Thượng đế tạo ra loài người chỉ có một cái miệng và hai cái tai, đó chính là để chúng ta nói ít đi và lắng nghe nhiều hơn.

Chúng ta đâu bận đến mức không có thời gian để nghe người khác nói hết ra suy nghĩ của họ?

Một người mẹ trẻ muốn kiểm chứng thành quả giáo dục của mình đối với cậu con trai nhỏ. Cô ta đã đưa cho cậu bé hai quả táo và chờ đợi cậu bé sẽ tặng một quả lại cho mình, thế nhưng cậu bé cầm hai quả táo và ngay lập tức cho một quả lên miệng cắn mà chẳng thèm để ý đến cô.

Người mẹ trẻ lúc này vô cùng thất vọng, đang chuẩn bị trách mắng về sự tham lam ích kỷ của cậu bé thì đúng lúc này, cậu bé đưa cho cô quả táo cậu vừa cắn và ngọng nghịu nói: “Mẹ ơi, mẹ ăn quả táo này đi, con vừa thử rồi, không chua đâu!”, người mẹ trẻ bật khóc vì xúc động và thấy tội lỗi vì suýt nữa trách lầm con mình.

Đôi khi trong cuộc sống, lý do khiến chúng ta nổi giận đơn giản chỉ vì chúng ta không đủ kiên nhẫn để chờ đợi một câu trả lời, mà không hề biết rằng đằng sau của sự lắng nghe luôn là những điều ấm áp.

Cách đây không lâu, tôi cùng một người bạn bắt tay làm chung một dự án, tôi tự cảm thấy mình đã dành rất nhiều tâm huyết vào đó, thế nhưng khi nghiệm thu tôi lại nghe được hết lời chỉ trích này đến những đề xuất khác, tôi cảm thấy rất khó chịu.

Người bạn này sau đó đã gọi điện cho tôi nêu ý kiến sửa đổi, nhưng tôi không thèm nghe cậu ấy nói và đưa ra một loạt những lí do, ý tưởng của chính tôi. Sau đó, chúng tôi mỗi người một phách, ai cũng không có cơ hội nêu rõ ý tưởng của bản thân cho đối phương hiểu.

Lúc này, cậu bạn của tôi vô cùng sốt ruột, cậu ấy bảo chúng tôi không nói chuyện được qua điện thoại vậy thì chat Viber vậy, sau đó cậu ấy lên Viber viết rõ những đường đi nước bước của mình. Thực ra có rất nhiều ý kiến vô cùng hay có thể giải quyết được vấn đề chúng tôi đang mắc phải.

Sau sự việc này tôi nhận ra rằng, rất nhiều sự việc không thành công cũng chỉ vì chúng ta không cho đối phương cơ hội để nói. “Bạn để tôi nói xong đã, được không”, đây là yêu cầu vô cùng khiêm nhường trong giao tiếp xã hội hiện đại, thế nhưng chúng ta nhiều khi vô tình bỏ qua sự tôn trọng cơ bản nhất này.

Một cậu bạn thân khác của tôi vừa mới kết hôn, vợ chồng trẻ thường xuyên cãi vã, cả hai đều rất khó chịu gần đến mức phải ly hôn rồi. Hôm qua, vợ cậu ta gọi điện cho tôi để phàn nàn, tôi biết chuyện gia đình thường chỉ luẩn quẩn vài thứ mâu thuẫn nhỏ kiểu như chị phải hy sinh nhiều nhưng anh lại đền đáp chị ít...

Tôi kiên nhẫn lắng nghe cô ấy nói và đưa ra những lời đồng tình đúng lúc, cuối cùng cô ấy vui vẻ trở lại và nói rằng sẽ về nhà nấu cơm cho chồng mình. Cô ấy còn không quên khen tôi thật biết cách an ủi, vì nhờ sự an ủi của tôi mà cô ấy thấy chuyện chẳng to tát nữa. Tôi cười, lòng nghĩ thầm, tôi có nói lời an ủi gì đâu, chẳng qua cô ấy chỉ muốn nói ra những tủi thân của mình mà thôi.

Thời nay, có rất nhiều bậc cha mẹ than phiền con cái của họ đang bước vào giai đoạn nổi loạn, không biết vâng lời - mối lo chung khi con họ bước vào tuổi vị thành niên. Vậy các bậc cha mẹ đã bao giờ tự hỏi: mình đã và đang thật sự nghiêm túc lắng nghe nguyện vọng của con cái mình hay chưa?

Bạn biết con mình đang nghĩ gì không? Chúng mong muốn và hy vọng điều gì? Bạn muốn hiểu con bạn, nhưng lại không muốn lắng nghe chúng mà chỉ muốn bắt ép chúng phải nghe theo bạn, thế thì con bạn có còn muốn nghe lời bạn không?

“Đợi người khác nói xong” không chỉ thể hiện sự tôn trọng của bạn với người nói, mà còn thể hiện sự thấu hiểu và khoan dung của bạn với xã hội. Và điều quan trọng nhất chính là, chỉ khi người khác nói xong bạn mới thực sự hiểu người đó muốn biểu đạt ý kiến và suy nghĩ gì, để đưa ra những đánh giá và nhận định chính xác nhất.

Vậy nên hãy là người lịch sự luôn biết lắng nghe bạn nhé.

Hằng Phương

Cùng chuyên mục
XEM