Lo ngại hiệu ứng domino về lệnh cấm xuất khẩu gạo

13/08/2023 10:00 AM | Xã hội

Các nhà phân tích cho biết lệnh cấm xuất khẩu gạo mới nhất của Ấn Độ gần giống với những hạn chế mà nước này từng áp đặt vào năm 2007 và 2008

Thị trường thế giới sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản các quốc gia cấm xuất khẩu gạo tương tự Ấn Độ nhằm ngăn tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa, tạo nguy cơ đẩy lạm phát lương thực toàn cầu lên cao hơn nữa và ảnh hưởng đến những người tiêu dùng nghèo khó ở châu Á và châu Phi.

Các nhà phân tích cho biết lệnh cấm mới nhất của Ấn Độ gần giống với những hạn chế mà nước này từng áp đặt vào năm 2007 và 2008, vốn gây ra hiệu ứng domino khi nhiều quốc gia khác buộc phải hạn chế xuất khẩu để bảo vệ người tiêu dùng trong nước. 

Tuy nhiên lần này, tác động đối với nguồn cung và giá cả trên thị trường toàn cầu có thể sâu rộng hơn vì Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu, cao hơn mức 22% của 15 năm trước, gây áp lực lên các quốc gia xuất khẩu gạo khác như Thái Lan và Việt Nam.

Theo hãng tin Reuters, các nhà nhập khẩu vẫn đang chật vật với nguồn cung khan hiếm do thời tiết thất thường và hoạt động vận chuyển qua biển Đen bị gián đoạn do cuộc xung đột ở Ukraine. 

Ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch cấp cao của công ty nông sản Olam Agri (Ấn Độ) - một trong những nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, cho biết: "Thái Lan, Việt Nam và các nước xuất khẩu khác đang sẵn sàng hành động, tất cả nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ".

Lo ngại hiệu ứng domino về lệnh cấm xuất khẩu gạo - Ảnh 1.

Nông dân phơi thóc trên con đường ở bang Assam - Ấn Độ Ảnh: REUTERS

Giá gạo toàn cầu đã tăng khoảng 20% kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm. Theo thương nhân thuộc các công ty thương mại quốc tế, nếu giá gạo tiếp tục tăng thêm 15%, Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ hạn chế xuất khẩu. 

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, ông B.V. Krishna Rao, nhận định nếu lượng mưa do gió mùa ổn định, giúp sản xuất bình thường thì New Delhi có thể đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu gạo. Theo ông Rao, chỉ có nguồn cung từ Ấn Độ mới khôi phục được trạng thái cân bằng trên thị trường gạo toàn cầu. 

Ông Peter Clubb, nhà phân tích thuộc Hội đồng Ngũ cốc quốc tế (IGC) tại Anh, phân tích: "Chúng ta phải xem lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ có hiệu lực trong bao lâu. Lệnh cấm càng kéo dài thì các nhà xuất khẩu khác càng khó bù đắp sự thiếu hụt (ước tính 10 triệu tấn gạo)".

Trong khi đó, tại Trung Quốc, lũ lụt đã gây thiệt hại vụ bắp và lúa ở vành đai sản xuất ngũ cốc quan trọng phía Bắc. Nhà phân tích cấp cao Ma Wenfeng tại Công ty Tư vấn nông nghiệp Beijing Orient Agribusiness (Trung Quốc) cho rằng: "Lũ lụt thực sự ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất gạo ở phía Đông Bắc và có thể làm giảm sản lượng từ 3% - 5% ở những khu vực chịu thiệt hại".

Cũng trong nỗ lực bảo đảm nguồn cung nội địa, theo Bloomberg, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Domingo Panganiban cho biết nước này đang đàm phán để nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Ấn Độ nhằm tăng cường kho dự trữ quốc gia và hạ giá gạo trong nước. 

Philippines là một trong những nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới nhưng thường mua gạo từ các nhà cung cấp lớn như Thái Lan và Việt Nam để bù đắp thiệt hại sản xuất do bão gây ra.

Theo Xuân Mai

Cùng chuyên mục
XEM