Lộ diện hai ‘đại gia’ Nhật ‘chống lưng’ cho thương vụ IPO của Uber và Lyft

12/12/2018 08:47 AM | Kinh doanh

Không phải các nhà đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon, hai công ty đến từ đất nước mặt trời mọc mới là những cổ đông lớn nhất của Uber và Lyft.

Ngày 6/12 vừa qua, Uber đã chính thức nộp hồ sơ cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và sự kiện IPO của họ có thể sẽ diễn ra vào đầu năm sau. Động thái đẩy nhanh tiến độ của Uber được cho là vì mới đây, đối thủ Lyft cũng đã công bố kế hoạch IPO vào Q1/2019. Được biết, một số nhà đầu tư lớn đã sẵn sàng "chơi lớn" và đổ tiền vào hai thương vụ IPO trên.

Hồ sơ do Uber và Lyft nộp lên vẫn chưa được công khai, tuy nhiên, theo nguồn tin thân cận, cổ đông lớn nhất của họ không phải là các nhà đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon. Những người nắm giữ cổ phiếu hàng đầu của hai công ty gọi xe này đều đến từ Nhật Bản là SoftBank Group và Rakuten.

Người tiết lộ yêu cầu không để lộ danh tính vì thông tin trên chưa được phép thảo luận công khai. Phát ngôn viên của cả Uber và Lyft đều từ chối bình luận liên quan đến vấn đề này.

SoftBank, tập đoàn viễn thông đa quốc gia do Masayoshi Son điều hành sở hữu hơn 15% cổ phần Uber. Trong khi đó, gã khổng lồ thương mại điện tử Rakuten đã bắt đầu tích lũy lượng cổ phần đáng kể của Lyft từ khi startup mới hoạt động và hiện họ sở hữu hơn 10% cổ phần công ty.

Lộ diện hai ‘đại gia’ Nhật ‘chống lưng’ cho thương vụ IPO của Uber và Lyft - Ảnh 1.

Cổ đông lớn nhất của Uber là tập đoàn SoftBank.

Nhật Bản có thị trường taxi lớn nhất thế giới, tuy nhiên việc kinh doanh dịch vụ vận chuyển taxi, đặc biệt là ứng dụng gọi xe được chính phủ quản lý hết sức nghiêm ngặt. Có lẽ điều đó đã khiến các nhà đầu tư Nhật Bản hướng tới thị trường phương Tây.

Ngoài SoftBank, Uber còn có một chủ sở hữu lớn thứ hai với hơn 5% cổ phần là công ty Benchmark đến từ Mỹ. Tương tự, Lyft cũng có cổ đông hàng đầu là công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz của Mỹ.

Theo dự đoán của các nhà phân tích, sau khi IPO, giá trị vốn hóa của Uber có thể đạt mức 120 tỷ USD trong khi Lyft nhắm đến mục tiêu đạt từ 18 đến 30 tỷ USD.

Dưới đây là thông tin về một số cổ đông hàng đầu của Uber và Lyft:

Uber

- Cổ đông lớn nhất của Uber: SoftBank dẫn đầu giao dịch vốn cổ phần lớn nhất từ trước đến nay với việc đưa ra thỏa thuận trị giá khoảng 9 tỷ USD với Uber và các nhà đầu tư vào tháng 1 năm nay. SoftBank đã đầu tư bằng cách sử dụng cấu trúc tài chính có phần phức tạp và lên kế hoạch chuyển quyền sở hữu sang quỹ đầu tư 100 tỷ USD Vision Fund của họ.

- Cổ đông lớn thứ hai sau SoftBank là Benchmark, công ty đầu tư mạo hiểm đã giúp thay thế CEO Travis Kalanick vào năm ngoái.

- Hai nhà đồng sáng lập Uber: Kalanick và Garrett Camp lần lượt là cổ đông lớn thứ ba và thứ tư của công ty. Dù đã bán 29% cổ phần trị giá khoảng 1,4 tỷ USD trong thỏa thuận với SoftBank nhưng Kalanick vẫn sở hữu 5% cổ phần công ty mà ông gây dựng nên. Cả hai người đều là thành viên hội đồng quản trị của Uber.

- Chính phủ Ả Rập Saudi sở hữu hơn 5% cổ phần Uber thông qua quỹ đầu tư công của họ.

- Alphabet Inc. (công ty mẹ của Google) là cổ đông lớn thứ sáu của Uber.

Lyft

- Cổ đông lớn nhất của Lyft: Công ty thương mại điện tử Rakuten sở hữu hơn 10% Lyft. CEO Hiroshi Mikitani của Rakuten nằm trong ban điều hành của hãng gọi xe công nghệ.

Lộ diện hai ‘đại gia’ Nhật ‘chống lưng’ cho thương vụ IPO của Uber và Lyft - Ảnh 2.

Rakuten là cổ đông lớn nhất của Lyft.

- General Motors đã đầu tư 500 triệu USD vào Lyft cách đây vài năm. Ban đầu, đây được coi là sự khởi đầu của mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai công ty gọi xe và sản xuất xe tự lái. Tuy nhiên nó đã không được như kỳ vọng. Dù vậy, GM vẫn kiếm được tiền từ khoản đầu tư của mình.

- Quỹ Fidelity sở hữu cổ phần của cả Uber và Lyft. Quỹ này có tỷ lệ cổ phần tại Lyft là hơn 5%.

- Andreessen Horowitz đã đầu tư vào Lyft năm 2013. Công ty đầu tư mạo hiểm này đã mua và bán cổ phiếu Lyft kể từ đó. Đến nay, họ vẫn sở hữu hơn 5% cổ phần của Lyft.

- Hai người đồng sáng lập Lyft: Logan Green và John Zimmer cùng sở hữu khoảng 7% cổ phần công ty. Họ đã phải từ bỏ rất nhiều quyền kiểm soát trong nhiều năm để gọi vốn và cạnh tranh với Uber.

Gia Vũ

Từ khóa:  uber
Cùng chuyên mục
XEM