Lo cơm áo gạo tiền, người Hàn Quốc thờ ơ chuyện Triều Tiên

27/09/2017 08:49 AM | Kinh tế vĩ mô

“Chúng tôi đã có đủ chuyện phải lo trong cuộc sống hàng ngày rồi”...

Đầu tháng 9 này, sau khi nghe tin về vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của Triều Tiên, You Jae-youn, một nhân viên văn phòng 32 tuổi người Hàn Quốc, nhanh chóng quên chuyện và quay lại với những nỗi lo cận kề hơn.

Chiến tranh là chuyện xa vời

“Chúng tôi đã có đủ chuyện phải lo trong cuộc sống hàng ngày rồi. Riêng tôi, tôi nghĩ nhiều hơn về giá thực phẩm hơn là chuyện Triều Tiên”, You Jae-youn, người đến từ thành phố Sejong thuộc miền Trung của Hàn Quốc, nói trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters. “Thú thực là chuyện Triều Tiên nghe hơi xa vời đối với tôi”.

Giống như You Jae-youn, đối với hầu hết người dân Hàn Quốc - vốn đã sống hàng thập kỷ trong sự đe dọa chiến tranh từ một uốc gia láng giềng thường xuyên gây hấn và giờ thậm chí còn sở hữu vũ khi hạt nhân - những mối bận tâm thường nhật mới là điều họ mất ngủ mỗi đêm: việc làm, kinh tế, và những áp lực đi kèm sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc kể từ khi cuộc chiến tranh giữa hai miền bán đảo Triều Tiên kết thúc vào năm 1953.

Trên thực tế, có nhiều bằng chứng cho thấy người Hàn Quốc đang ngày càng trở nên thờ ơ với mối nguy chiến tranh từ Triều Tiên: những cuộc diễn tập dân phòng bị phớt lờ và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ người Hàn Quốc lo xảy ra chiến tranh hiện nay giảm so với cách đây 1/4 thế kỷ.

Theo một cuộc khảo sát do Gallup Kore thực hiện hồi đầy tháng này, 58% người Hàn Quốc được hỏi nói họ không nghĩ sẽ có thêm một cuộc chiến tranh nữa trên bán đảo Triều Tiên - tỷ lệ cao thứ hai kể từ khi cuộc khảo sát này lần đầu tiên được thực hiện vào năm 1992.

Kể từ đó đến nay, tỷ lệ người Hàn Quốc lo có chiến tranh ngày càng giảm, chỉ còn 37% trong cuộc khảo sát mới nhất, bất chấp các vụ thử tên lửa dày đặc kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên cầm quyền ở Triều Tiên.

Về mặt kỹ thuật, hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn đang ở trong một cuộc chiến tranh, vì cuộc chiến 1950-1953 giữa hai bên mới khép lại bằng một thỏa thuận ngừng bắn thay vì một hiệp ước hòa bình.

“Mọi người nói rằng chiến tranh vẫn chưa kết thúc trên phương diện kỹ thuật, nhưng thế hệ tôi chưa bao giờ thấy chiến tranh cả. Đây có vẻ như là điều rất mơ hồ đối với tôi”, nhà thiết kế đồ họa 27 tuổi Kim Hye-ji người Hàn Quốc nói. “Đó là lý do tại sao mà khi mọi người nói tình hình nguy hiểm, tôi chẳng cảm thấy gì cả. Bạn bè tôi đều lo chuyện công ăn việc làm hơn”.

Nền kinh tế công nghệ cao và hướng ra xuất khẩu của Hàn Quốc hiện đang cố gắng thoát khỏi tốc độ tăng trưởng thấp vốn đang có nguy cơ trở thành một xu hướng dài hạn.

Bảo đảm việc làm là một vấn đề nữa, khi mà tỷ lệ lao động tạm thời ở Hàn Quốc cao gấp đôi so với mức trung bình của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Từ năm 2013-2016, tỷ lệ thất nghiệp ở người lao động trẻ của nước này tăng 4 năm liên tục.

Áp lực cuộc sống

Những thách thức về kinh tế và việc làm càng khiến môi trường học tập và làm việc nổi tiếng vì độ cạnh tranh cao của Hàn Quốc càng thêm căng thẳng. Điều này được cho là khiến mức độ stress và số vụ tự tử gia tăng. Trong số các nước OECD, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong năm 2015, cao gấp đôi so với Mỹ và gấp khoảng 4 lần so với Anh.

“Phần đông những người tìm đến với chúng tôi để được tư vấn giải tỏa stress đều vì những vấn đề thực trong cuộc sống của họ, như tìm việc làm. Ngay cả những người có việc làm cũng tìm đến chúng tôi vì họ gặp vấn đề trong thích nghi với công việc”, bác sỹ tâm lý Sim Min-young chuyên về các chứng rối loạn lo lắng và stress tại Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe tâm thần Hàn Quốc cho biết.

“Họ không đến đây để nói về Triều Tiên”, ông Sim nói.

Vị bác sỹ cũng nói rằng nếu người Hàn Quốc phải đối mạt với một nguy cơ như siêu bão Irma ở Mỹ, họ sẽ chủ động làm việc gì đó, như vạch kế hoạch sơ tán hay tìm nơi trú ẩn. Nhưng một cuộc tấn công hạt nhân là điều mà họ không thể chống đỡ, nên họ chẳng buồn nghĩ về những việc mà họ có thể làm.

“Khi chúng tôi nghĩ về một quả bom hạt nhân phát nổ cách mình vài km, chúng tôi chẳng biết sẽ làm gì để bảo vệ mình cả”, ông Sim phát biểu.

Đối với số ít người Hàn Quốc lo chiến tranh, những lựa chọn mà họ có cũng rất hạn chế. Một số người đã lên kế hoạch sơ tán khỏi tầm bay của đạn pháo từ Triều Tiên. Doanh số những mặt hàng cho tình huống khẩn cấp như “túi chiến tranh” - chiếc túi chứa những vật dụng như bật lửa, còi báo hiệu, và thức ăn đóng gói - đã tăng đáng kể.

Một số người tìm đến nhà thờ hoặc chùa chiền để cầu nguyện.

Ông Lee Chul-hyee, 63 tuổi, đã đi nhà thờ để cầu nguyện nhiều hơn kể từ khi ông rời quân ngũ Hàn Quốc 6 năm trước. Ông cũng có các bài giảng tại các tòa thị chính và nhà thờ để chia sẻ những hiểu biết dựa trên thời gian phục vụ trong quân đội.

Tại một ngôi chùa Phật giáo ở trung tâm Seoul, bà Mun Myung-ha, 59 tuổi, cho biết bà thường xuyên cầu cho chiến tranh không xảy ra. “Triều Tiên lại thử hạt nhân. Mỗi lần nghe tin là tim tôi lại đập loạn lên”, bà Mun nói.

Những người đi xem bói ở Hàn Quốc cũng tỏ ra lo ngại hơn về chiến tranh so với trước kia. Một giáo sỹ Hàn Quốc có tên Byeorakdaegam cho biết, cứ 10 người tìm đến ông để xem bói hiện nay thì có 6 người hỏi liệu có chiến tranh xảy ra không, bên cạnh những câu hỏi thường gặp về tình yêu và hôn nhân.

“Hồi đầu năm nay, chẳng ai hỏi tôi về chiến tranh, nhưng giờ thì mọi chuyện đã thay đổi”, vị giáo sỹ cho hay. “Tôi hỏi lại họ là họ có tích trữ đồ ăn nước uống phòng chiến tranh hay không thì họ đều nói không. Thế là tôi trấn an họ rằng ông trời nói với tôi là không có chiến tranh đâu”.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM