Lo bị phạt, khách hàng dừng mua ô tô trả góp

16/07/2017 21:33 PM | Kinh doanh

Chưa bao giờ vay tiền ngân hàng mua ô tô lại dễ như hiện nay, trong khi giá xe đang giảm mạnh. Mơ ước của nhiều người sớm trở thành hiện thực nhanh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, "giấc mơ" này có nguy cơ sớm chấm dứt với nhiều người.

Mua xe trả góp ngày càng tăng

Với hình thức trả góp, người mua xe chỉ cần trả trước từ 10%-30% giá trị chiếc xe, phần còn lại được ngân hàng cho vay và trả dần trong nhiều năm.

Mua xe trả góp ngày càng tăng.

Các gói cho vay mua ô tô của ngân hàng hiện nay khá hấp dẫn và dễ dàng. Khách hàng có nhu cầu, sẽ được vay với thời hạn tối đa 60 tháng, hạn mức vay lên đến 100% giá trị xe, nếu có tài sản bảo đảm khác, hoặc 70%- 90% khi dùng chính chiếc xe đã mua làm tài sản đảm bảo. Thủ tục cho vay cũng "siêu tốc", chỉ trong vòng 4 giờ, kể từ khi khách hàng cung cấp đủ hồ sơ và tiến hành giải ngân trong vòng 2 giờ, sau khi khách hàng có giấy hẹn lấy đăng ký xe.

Lãi suất cho vay bình quân tính ra khoảng từ 0,7% -1%/tháng, tùy từng ngân hàng. Theo tính toán, với lãi suất như hiện nay, khách hàng vay 500 triệu đồng mua ô tô, trong thời hạn 5 năm, mỗi tháng sẽ phải trả từ 11,5- 13,5 triệu đồng. Với khoản vay ít hơn, thì số tiền trả hàng tháng sẽ thấp hơn. Phương thức này mang lại lợi ích cho cả 3 bên. Các đại lý bán ô tô thì bán được hàng. Ngân hàng cho vay được tiền và hưởng lãi suất, còn người tiêu dùng thì "kéo" nhu cầu trong tương lai của mình về với hiện tại.

Một đại lý bán xe Toyota tại Hà Nội cho biết, mấy năm gần đây số lượng khách hàng mua ô tô theo phương thức trả góp tăng mạnh. Thống kê của đại lý này cho biết, từ cuối 2016 đến nay, bình quân cứ 10 khách đến mua xe, có tới 4 -5 người mua trả góp. Đa số khách vay 50%- 70% giá trị xe.

Mơ ước của nhiều người đang trở thành hiện thực nhanh hơn bao giờ hết.

Khi vay mua xe trả góp, các ngân hàng thường giữ giấy tờ gốc. Trong hợp đồng cho vay, các ngân hàng không đưa vào điều khoản phải cầm cố giấy tờ bản chính của xe. Họ giữ bản gốc của người vay mua ô tô bằng thỏa thuận: đơn đề nghị ngân hàng giữ hộ bản chính, vì sợ thất lạc. Ngân hàng sẽ sao y và công chứng cho khách hàng một bản để sử dụng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, từ năm 2011 về trước, Chính phủ có quy định, cho phép các ngân hàng được giữ giấy tờ bản gốc của khách hàng, nên những người vay thế chấp xe tại ngân hàng lưu thông xe đều xuất trình giấy tờ bản sao công chứng có xác nhận của ngân hàng. Tuy nhiên, từ năm 2012, Chính phủ ra quy định mới, không cho phép ngân hàng tiếp tục giữ giấy tờ gốc của người vay mua ô tô.

Vì vậy, hiện nay các ngân hàng giữ giấy tờ gốc của khách hàng là sai, nhưng họ không thể buông được. Khi khách hàng vay vốn mua ô tô lại được giữ cả xe lẫn Giấy đăng ký, có thể tự động chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, cầm đồ... mà tổ chức tín dụng không thể biết được. Ngoài ra, khách hàng không bị áp lực với phía ngân hàng, nên việc ngân hàng kiểm tra tài sản đảm bảo định kỳ, theo dõi biến động của xe và quản lý tài sản bảo đảm là việc không thể thực hiện được.

Trên thực tế, điều này đã từng xảy ra. Ngay cả việc không cầm giấy tờ gốc, một số kẻ lừa đảo vẫn mang ô tô mua trả góp đi cầm cố hoặc bán trả góp cho đối tượng khác, để chiếm đoạt tiền. Cho nên sống chết, các ngân hàng phải cố giữ bản chính.

Nguy cơ dừng cho vay tiền mua xe

Nay khi cảnh sát giao thông kiểm tra xe và không chấp nhận giấy đăng ký bản công chứng, đang khiến mọi chuyện trở nên phức tạp, nhiều người có ý định mua xe trả góp bắt đầu "chùn bước".

Vay mua xe, ngân hàng giữ giấy tờ gốc mà ra đường cảnh sát giao thông kiểm tra không chấp nhận chứng từ công chứng thì rất phiền toái.

Anh Trần Văn Trương, giám đốc 1 doanh nghiệp tư nhân chuyên về đo đạc có văn phòng tại ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, cho biết đang có ý định mua 1 chiếc bán tải vừa đi lại vừa phục vụ kinh doanh. Tôi định vay mua trả góp trong 5 năm, số tiền vay khoảng 500 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu bây giờ vay mua xe, ngân hàng giữ giấy tờ gốc mà ra đường cảnh sát giao thông kiểm tra không chấp nhận chứng từ công chứng thì rất phiền toái. Vậy nên quyết định lùi lại, chờ đợi khi nào có quy định rõ ràng mới tiến hành mua. Nhiều thông tin cho biết thời gian tới xe bán tải có thể tăng giá, mua bây giờ sẽ rẻ hơn. Nhưng nếu mua mà ra đường bị kiểm tra còn mệt mỏi hơn. Có DN đã bị cảnh sát gaio thông giữ ô tô, vì không có giấy tờ gốc, anh Trương nói.

Nhân viên bán hàng tại đại lý Hyundai (Hà Đông) cho biết, nếu trước kia khách hàng mua xe trả góp nhiều thì nay đang chững lại. Họ chờ đợi quy định mới giải quyết ổn thỏa chuyện này. Từ đầu tháng 7 tới nay, số có khách hàng mua xe trả góp rất ít. Điều này làm cho doanh số bán xe của chúng tôi bị giảm.

Không chỉ đại lý ô tô, mà các đại lý xe máy cũng than thở. Sắp vào năm học mới, nhu cầu xe máy thường tăng cao. Nhưng hiện nay cửa hàng bán không nhiều như trước. Nhiều người đến xem xe rồi bỏ đi, muốn chờ các cơ quan có quyết định rõ ràng mới mua xe trả góp. Vào thời điểm này những năm trước, nếu chúng tôi bán được 10 xe/ngày thì nay giảm chỉ được 6-7 xe/ngày.

"Giấc mơ" sở hữu ô tô có nguy cơ sớm chấm dứt với nhiều người.

Một số ngân hàng cho biết, nếu phải trả giấy tờ gốc cho người đi vay, có nguy cơ dẫn đến việc ngừng cho vay mua xe trả góp. Khi đó, người dân, DN sẽ không còn có cơ hội để vay vốn, giấc mơ lên đời xế hộp với nhiều người có nguy cơ cấm dứt, ngành ô tô, xe máy sẽ giảm doanh số bán...phương thức mua trả góp sẽ bị ảnh hưởng.

Để giải quyết vướng mắc này, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP theo hướng quy định bên nhận thế chấp có quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Đồng thời, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định /2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đề nghị Bộ Công an, chỉ đạo cơ quan công an các cấp, cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông có xác nhận của ngân hàng khi lưu thông phương tiện giao thông.

Theo Trần Thủy

Cùng chuyên mục
XEM