Trào lưu bodykit chính hãng với xe hơi

25/10/2012 09:38 AM | Sống

Xu hướng mới mà các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng, phụ kiện.


Từ việc Mercedes-Benz giới thiệu phiên bản C300 AMG, còn Audi bán những gói nâng cấp ABT hay Toyota và Honda có những phiên bản TRD, Modulo, có thể thấy một xu hướng mới mà các nhà sản xuất xe hơi và phụ tùng, phụ kiện đang mang đến cho những chủ nhân đã cảm thấy nhàm chán với chính chiếc xe mà mình từng ưng ý: Tạo sự khác biệt, độc đáo cho xe bằng những gói nâng cấp chính hãng.

Khởi đầu trào lưu thời thượng này có lẽ là Mercedes-Benz Việt Nam khi cách đây hai năm, hãng này rầm rộ công bố chiếc C300 AMG tại Triển lãm VAMA 2010. Chiếc sedan C300 đã được gắn nhãn AMG cho dù nó chỉ mang một vài chi tiết phảng phất phong cách AMG trên thân xe và trong nội thất. Thành công từ C300 AMG giúp Mercedes-Benz tự tin tung ra phiên bản thứ hai E300 AMG một năm sau đó.

Nhìn vào hai chiếc AMG này và bảng thông số kỹ thuật của chúng, có thể thấy rằng C300 AMG và E300 AMG được trang bị gói phụ kiện AMG Package loại đơn giản nhất dành cho thân xe và nội thất, chứ không phải là xe AMG theo đúng nghĩa.

Đáng kể nhất trong số phụ kiện này là những tấm ốp cản trước, cản sau và hai bên hông chủ yếu để trang trí, vì tính năng khí động học được cải thiện không nhiều. Bộ vành thể thao với dòng chữ AMG là thứ đáng giá nhất của C300 AMG cùng với vô-lăng ba chấu và bộ ghế trước ôm sát người hơn. Không có bất kỳ thay đổi nào trong hệ thống động cơ giống như cách mà mọi chiếc AMG được sản xuất tại Affalterbach của nước Đức.

Theo nhận định của những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xe hơi thì việc tung ra những gói nâng cấp gắn mác AMG chỉ là một động tác làm đa dạng hóa sự lựa chọn cho khách hàng ở hai dòng C-Class và E-Class. Chúng nhắm tới những người muốn có một chiếc sedan hàng hiệu với kiểu dáng ấn tượng và nội thất cao cấp hơn, nhưng ở một mức giá mềm hơn so với một chiếc AMG chính hiệu.

Vậy AMG là gì?

AMG được thành lập từ năm 1967 với tư cách là một nhà sản xuất xe thể thao và xe đua dựa trên cơ sở của Mercedes. Năm 2005, AMG chính thức trở thành một bộ phận xe thể thao hiệu năng cao của Mercedes.

Mỗi chiếc AMG đều có nét đặc trưng ngoại hình về khí động học, nội thất sang trọng và tính năng vận hành cao hơn nhiều so với một chiếc Mercedes tiêu chuẩn.

Hiện nay, AMG có các dải sản phẩm từ A-Class đến S-Class, từ ML-Class đến G-Class và các mẫu xe lừng danh như SLS AMG cũng như phiên bản hạn chế Black Series. Các động cơ của AMG được chế tạo thủ công, theo nguyên tắc mỗi người một động cơ (One man – One engine) với cấu hình V8 (5,5 lít và 6,2 lít) hoặc V12 (6 lít), sử dụng tăng áp biturbo.

Với những thay đổi rõ rệt như vậy, giá thành của một chiếc AMG rất cao. Dòng C-Class hiện có các phiên bản C63 AMG (coupé, sedan và wagon) còn E-Class có các phiên bản E63 AMG (sedan và wagon). Giá bán chiếc C63 AMG tại Mỹ khoảng 60.000 USD, khác xa so với 35.000 USD của C300, còn E63 AMG có giá khoảng 90.000 USD, trong khi chiếc E300 chỉ được bán với giá 47.000 USD.

Audi là nhãn hiệu cao cấp thứ hai tại Việt Nam đi theo trào lưu này khi giới thiệu những gói phụ kiện nâng cấp ở nhiều mức độ khác nhau của “nhà độ xe ruột” ABT Sportsline. Khách hàng cũng có thể mua những gói S-line Package chính hãng để biến chiếc Audi thông thường trở thành chiếc Audi S.

ABT chuyên nâng cấp xe Audi và Volkswagen, có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu và túi tiền của khách hàng, đơn giản nhất là các tấm ốp cho bodykit sợi carbon, vành chính hãng ABT, một số chi tiết nội thất. Phức tạp hơn là những thay đổi trong hệ thống treo, phanh, ống xả và động cơ. 

Các sản phẩm bodykit của ABT cũng yêu cầu quá trình lắp đặt kỹ lưỡng hơn, nhưng hầu hết đều có thể được thực hiện ở các đại lý chính hãng của Audi và các xưởng nâng cấp.

Ở phân khúc hạng trung, hai nhà sản xuất xe hơi trong nước là Honda và Toyota cũng nhập các bộ phụ kiện chính hãng để lắp cho những chiếc xe đang bán tại Việt Nam. Toyota có những gói TRD dành cho chiếc SUV Fortuner và Altis, trong khi Honda cung cấp những tấm ốp Modulo dành cho Civic và CR-V.

Tương tự như AMG Package, về thực chất, TRD và Modulo chỉ là những phụ kiện trang trí để tạo nên sự thay đổi đơn giản nhưng tạo được một diện mạo mới hấp dẫn hơn cho những chiếc xe đã trở nên nhàm chán sau một thời gian dài xuất hiện trên thị trường mà chưa đến kỳ chuyển đổi thế hệ.

Ngoài ra, nó cũng mang đến cho người tiêu dùng thêm lựa chọn khi mua xe cũng như phong phú hóa danh mục các phụ kiện chính hãng của các nhà sản xuất vốn rất nghèo nàn và chưa được chú trọng đúng mức ở Việt Nam.

Một số nhãn hiệu độ xe của các hãng nổi tiếng

Audi: ABT, Sportec, PPI Design, MTM

BMW: BMW M, AC Schnitzer, G-Power, Hamann, Alpina, Breyton, Hartge, Vorsteiner

Mercedes-Benz: AMG, Brabus, Lorinser, Carlsson, MEC Design, WALD

Porsche: TechArt, RUF, 9ff, SpeedArt, TopCar, Edo Competition

Land Rover: Startec, Kahn Design, Hamann, Arden

Toyota: TRD

Honda: Mugen

Nhu cầu nâng cấp xe hơi cả về hình thức và khả năng vận hành đang gia tăng mạnh mẽ, dù mang tính chất tự phát. Đã xuất hiện những xưởng và câu lạc bộ nâng cấp uy tín tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để phục vụ nhu cầu này.

Bên cạnh những gói nâng cấp chính hãng, khách hàng còn có nhiều lựa chọn từ nhiều công ty sản xuất phụ kiện độ xe. Ở phân khúc này, các công ty của Đức, Mỹ và Nhật được ưa chuộng hơn vì hội đủ các yếu tố chất lượng, thẩm mỹ, thương hiệu, nhưng giá bán các gói nâng cấp của họ khá cao. Những mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, kể cả “made in Vietnam” (do các cơ sở trong nước tự chế) thường có giá rẻ hơn nhiều.

Việc thay đổi ngoại hình cho xe khá đơn giản, được thực hiện nhanh chóng tại các đại lý và các xưởng độ nơi đi kèm cả nhập khẩu, lắp ráp và bảo trì. Việc khách hàng cần làm là chọn thương hiệu, phong cách và chất liệu, nhưng quan trọng hơn cả là cần xác định xem có nên nâng cấp chiếc xe của mình hay không trước khi “phê duyệt dự toán tài chính”. Chi phí để có được gói nâng cấp bodykit có thể từ vài chục triệu đến hơn cả trăm triệu đồng.


Theo QUANG HIỆP
DNSG cuối tuần

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM