Tới thăm biệt thự cổ trăm năm, ăn bữa cơm thuần nếp Việt

20/02/2015 19:01 PM | Sống

Biệt thự thời nay có lớp vữa là xi măng mác cao , còn ở đây, chủ nhân căn biệt thự lại dùng vữa trộn từ vôi, mật và muối- rất dân dã và đậm chất Việt.

Biệt thự cổ 120 năm không “cũ”

Người dân làng cổ Bát Tràng xem ngôi biệt thự cổ như một tài sản vô giá của cả làng. Người ta còn kháo nhau, không biết thật hay đùa, biệt thự này là “bạn đồng niên” với cầu Long Biên, thậm chí nếu nhìn qua nhìn lại 2 “ông bạn”, niềm tự hào của làng cổ Bát Tràng nom có vẻ còn “đạo mạo, phong độ” hơn.

120 năm trở về trước, ông nội chồng bà Nguyễn Thị Lâm (dâu trưởng dòng họ Lê, hiện đang trông nom ngôi biệt thự)-cụ Lê Quang Bưu kén lựa thợ giỏi khắp nơi về để xây nên toà biệt thự ngay xóm 1, làng cổ Bát Tràng.

Cụ Bưu là người khéo nhìn, có con mắt thẩm mỹ, ngày công trình được hoàn tất, cả làng tấm tắc ngợi khen toà biệt thự vừa sang trọng theo lối kiến trúc Pháp, lại có nét thân quen, dân dã đậm chất Việt Nam.

Nhẹ nhàng rót ly trà hát nóng hổi, thơm lừng, bà Lâm kể: “Ông nội chồng tôi vốn là người kỹ tính, phần lớn các nguyên liệu để xây tường, lát nền, lợp mái đều do những người thợ Việt dày dạn kinh nghiệm sản xuất ra từ chính những xưởng gốm trong gia đình cụ. Mái biệt thự lợp bằng ngói Bát Tràng. Hai bên mái nhà gắn 2 chiếc bình gốm Bát Tràng. Nền nhà là thứ gạch men được nung 7 lửa. Tường gạch xây dầy dặn và có lỗ thông hơi hợp lý nên trong các phòng luôn mát về mùa hè, ấm về mùa đông”.

Biệt thự thời nay có lớp vữa là xi măng mác cao , còn ở đây, chủ nhân căn biệt thự lại dùng vữa trộn từ vôi, mật và muối- rất dân dã và đậm chất Việt.

Dạo một vòng biệt thự, chúng tôi bắt gặp và không khỏi thắc mắc về hàng sứ tròn được bố trí chạy ngang, dọc trên trần. Bà Lâm giải thích: “ Vốn dĩ ai cũng tưởng hàng sứ tròn là để trang trí ngẫu nhiên, nhưng thực ra, đó là tượng trưng cho những giọt nước phúc-đức-tài-lộc đang rơi xuống nhà.

Toàn bộ những thứ thuộc về ngôi biệt thự cổ, từ kết cấu tổng quan cho đến tiểu tiết trang trí đều được lưu giữ cẩn thận nhờ vào sự chu toàn của 3 thế hệ những người phụ nữ trông nom tại đây. Bà Lâm thuộc về thế hệ thứ 3, đồng thời là dâu trưởng của dòng họ Lê.

Mải trầm trồ trước sự hoàn hảo của kiến trúc cổ trăm năm, mãi tới khi hương trà hạt thơm lừng kéo chúng tôi tới chiếc bàn gỗ để trò chuyện kỹ cùng vị “quản gia”, chúng tôi mới vỡ nhẽ: Du khách nườm nượp đổ về thăm nơi đây, không phải chỉ để tận mắt bảo vật trăm năm của làng cổ Bát Tràng, mà còn là để thưởng thức bữa ăn thuần Việt hiếm có ngay tại nơi đây...

Bữa cơm “chuẩn vị” Việt của bà dâu trưởng

Thời nay, giữa bạt ngàn những sơn hào hải vị, những món ăn cách tân, những quán đồ ăn nhanh Âu-Á, những người sành ăn lại càng thèm muốn có được một bữa ăn “chuẩn vị Việt Nam, và được thưởng thức bữa ăn ấy trong ngôi biệt thự cổ nhất nhì nước mình, thì chắc chắn không còn gì có thể khoái khẩu hơn được.

Từ nhỏ, bà đã theo chân các cô, dì trong gia đình học nữ công gia chánh. Vì thế, bà rất hiểu những món ăn Việt truyền thống. Sau này, mỗi khi trong họ ngoài làng có giỗ chạp cưới xin, nhiều người lại nhờ đôi tay nấu cỗ khéo léo của bà giúp cho. Điều mọi người trân trọng ở bà, hơn cả tài nấu ngon, chính là cách bà giữ cho từng món ăn luôn “chuẩn vị” Việt.

Ghé thăm ngôi biệt thự cổ, du khách không thể quên đề nghị được ăn bữa cơm Việt (nhiều món cũng chỉ ở làng cổ Bát Tràng mới có và ngon) do tự tay bà nấu. Nếu vào bữa chính, du khách thích nhất là thực đơn 3 bát (bóng - măng mực khô - chim hầm cốm hạt sen) và 3 đĩa (nộm bò khô - nem rán - thịt nướng). Nếu để điểm tâm buổi sáng hoặc ăn bữa phụ khách thường chọn xôi vò - chè đường. Rượu mà bà dùng để mời khách là rượu Bách Nhật (100 ngày) do chính người Bát Tràng nấu. Bữa ăn kết thúc cũng không phải bằng ly cà phê đậm đặc mà là chén nước chè hạt nóng hổi với thanh kẹo lạc đậm chất quê.

Những người “mê” món ăn của bà Lâm, không chỉ mê cái hương, cái vị, mà còn là mê các cảm giác được trở về với những ngày xưa, trong không gian cổ kính, bữa cơm làm cho người ăn có được cảm giác ấm cúng, thân quen, gần gũi với các giá trị truyền thống hơn bao giờ hết.

Bà Lâm cùng những người bạn bên bữa cơm thuần Việt (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bà Lâm cùng những người bạn bên bữa cơm thuần Việt (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Các cô gái trẻ tới đây, đều lân la hỏi “tiền bối” bí quyết nấu ăn, bà dâu trưởng đảm đang cũng chẳng ngần ngại chia sẻ: “ Tôi luôn giữ một nguyên tắc trong hàng nghìn, hàng vạn bữa ăn của mình, đó là ít dùng mì chính để tạo độ ngọt!”.

Nồi canh bóng bà nấu có đến hơn 10 loại nguyên liệu. Nước canh ngọt thanh nhờ rau củ và nước dùng gà. Chỉ riêng với nước dùng gà bà cũng tỉ mỉ hớt “nước một” ở phía trên với nhiều váng mỡ chuyển cho nồi canh măng. “Nước hai” ở dưới vừa trong vừa ngọt mới được đưa vào nồi canh bóng. Bà bầy bát bóng đủ 5 màu tự nhiên của nguyên liệu: cà rốt đỏ - thăn gà xé và củ đậu trắng - đậu Hà Lan xanh - trứng gà trắng vàng - tôm khô hồng. Điểm xuyết trên cùng là những cọng hành lá và rau mùi.

Còn rất nhiều bí quyết khác cho từng món ăn, người phụ nữ đoan trang đã ngoài 70 có thể kể hết không sót một chi tiết. Nhưng tựu chung, bà cho rằng: Nấu ăn là cả một nghệ thuật, đòi hỏi người nấu phải có sự cẩn thận, chu toàn, và trên hết, tình cảm của người nấu đặt vào món ăn của mình là vô cùng quan trọng.

Mỗi tuần, do lựa sức khỏe, bà Lâm chỉ dám đón tiếp một vài lượt khác tới dùng bữa. Từ tờ mờ sớm, bà dâu trưởng đảm đang đã thức dậy để tới phiên chợ sớm, chọn lựa những nguyên liệu ngon nhất, đảm bảo cho sự ngon miệng của các vị khách quý tới thăm.

Gần 10 năm qua, không thể nhớ hết đã có bao nhiêu lượt khách tới tham quan và dùng bữa tại ngôi biệt thự cổ này, nhưng bà Lâm còn nhớ rất rõ nhiều kỷ niệm với các vị khách đặc như nghệ sỹ nhân dân Trà Giang, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, ca sĩ Trọng Tấn…

Gần đây cụ giáo sư trăm tuổi Vũ Khiêu đến thăm, đã trải giấy viết tặng đôi câu đối như thể thay lời khích lệ tâm nguyện gìn giữ nét văn hóa Việt cổ của bà và gia đình.

Chúng tôi tạm biệt “ông bạn đồng niên” với cầu Long Biên, tạm biệt bữa cơm chuẩn vị Việt, có thể sớm hay muộn sẽ quay trở lại đây, nhưng những kỷ niệm đẹp, cùng cảm giác yên bình cổ kính chắc chắn sẽ lưu giữ mãi, không bao giờ quên.

>> Tết xưa đầy bản sắc của người Việt dưới ống kính nhiếp ảnh gia thế giới

Theo Võ Phương

Cùng chuyên mục
XEM