Sự thật đằng sau vẻ đẹp của siêu xe triệu đô

14/04/2015 12:10 PM | Sống

Không phải cứ đắt tiền là có cả tốc độ, sức mạnh và tiện nghi.

Làm ra siêu xe triệu đô không tốn, khách hàng đi xe thường cũng được thơm lây. Tuy nhiên không phải cứ đắt tiền là có cả tốc độ, sức mạnh và tiện nghi.

Đứng giữa một biển những cỗ máy cứng cáp, mạnh mẽ trong Fast & Furious 7, chiến mã Lykan HyperSport nổi bật lên hẳn với hình tượng là một siêu phẩm sang trọng gắn kim cương, đá quý. Chiếc xe có giá 3,4 triệu USD, vận tốc cực đại lên tới 230 dặm/giờ. Dù chưa chắc có cơ hội được chiêm ngưỡng Lykan HyperSport một lần trong đời nhưng sau khi xem phim khán giả sẽ còn nhớ mãi. Lykan là siêu xe đầu tiên được sản xuất bởi một công ty tại Trung Đông (W Motors, thành lập ở Beirut, trụ sở ở Dubai). Đây không phải chiếc "tên lửa mặt đất" duy nhất được tung ra gần đây với giá trên 1 triệu đô la.

Trong suốt thập kỷ vừa qua, gần như hãng ô tô nào cũng sản xuất ra một mẫu xe giá hàng triệu đô. Đôi khi chỉ là nhờ có đèn pha viền kim cương và khung titan mà giá được đẩy lên cao ngất. Họ sản xuất ra đơn giản là vì có người mua.

Tờ Bloomberg đã thống kê được chỉ riêng từ tháng 1 năm 2015, trên thế giới đã có hơn ba chục tỉ phú mua những siêu xe này, còn tính từ năm 2012 thì con số phải lên tới 300. Một số người như ông trùm khách sạn Steve Wynn mua xe chỉ để đánh bóng cổ phiếu cũng như cuộc sống cá nhân. Nghe có vẻ xa xỉ nhưng đối với họ đấy chỉ là chuyện nhỏ.

 

Chiến mã Lykan HyperSpot, vận tốc cực đại 239 dặm/giờ, đèn pha làm từ khung titan và gắn kim cương. Giá: 3,4 triệu USD.

1. Sản xuất xe triệu đô chẳng tốn

Dù phải thêm thắt nhiều công đoạn để chiếc xe trở nên đặc biệt nhưng các nhà sản xuất vẫn có lời. Thông thường, lợi nhuận của một chiếc Ferrari hay Lamborghini cơ bản dao động quanh 15%, khi giá của một sản phẩm đặc biệt trong hãng bán được với giá lên tới 7 con số, lợi nhuận đó có thể tăng đáng kể. Nếu xây dựng một chuỗi lắp ráp riêng biệt thì sản xuất sẽ rất tốn kém, nhưng nếu áp dụng cho những chiếc xe triệu đô thì lại có lãi.

Quy tắc cơ bản là để phát triển và sản xuất một chiếc xe thị trường đại chúng thông thường thì cần 1 tỷ USD. Nhưng để làm ra một chiếc xe không dành cho đám đông đại trà thì lại ít tốn kém hơn vì nhu cầu nguồn lực hẹp hơn. Ngoài ra, khi giá xe lên tới hàng triệu đô vốn liếng sẽ dễ thu về hơn so với cái giá 30.000 đô. Kể cả khi một công ty chỉ bán được 300 chiếc, điều này vẫn đúng.

Những siêu xe đốt túi tiền này nằm trong các nhóm khác nhau. Một số chiếc thì giống như Bugatti Veyron và LM2 của Lyons Motor Car, thực sự độc đáo và được sản xuất cực kỳ hạn chế về số lượng. Một số khác là phiên bản đặc biệt của những mẫu đã có.

 

Vật liệu làm nên nội thất Rolls-Royce Phantom Serenity: gỗ anh đào, tre, trai xà cừ. Đồng hồ ở đằng trước đính hồng ngọc. Giá: 1,2 triệu USD.

Vì sao một chiếc Rolls-Royce lên tới triệu đô? Một chiếc Phantom cấp độ cơ bản có giá khoảng 400.000 USD. Sau đó bạn đưa thêm các tùy chọn như ốp gỗ quý, sơn, lót da... Những yếu tố này đẩy giá thành lên tới hàng trăm nghìn đô la.

Công cuộc "mông má" cho xe bắt đầu: đính đá quý, ngọc trai, khâu tay, chống đạn, cài hệ thống âm thanh và động cơ cao cấp. Tới đây, một chiếc Phantom cơ bản đã cán ngưỡng triệu đô.

"Xu hướng này đang đi lên, dẫn đầu bởi những chiếc xe hàng độc như Serenity của chúng tôi", Gerry Spahn, giám đốc truyền thông của Rolls-Royce nói đến chiếc Phantom 1,5 triệu USD vừa tung ra vào tháng trước ở Geneva.

2. Cả hãng cả khách đều thơm lây

Khi một hãng ô tô vốn sản xuất nhiều dòng xe khác nhau chợt tung ra một chiếc xe theo chủ đề hoặc siêu xe đẳng cấp để phục vụ một mục đích nào khác ngoài giá, đây chính là các flagship của hãng. Lợi ích gián tiếp của các siêu xe đại diện này thường quan trọng hơn lợi nhuận trực tiếp. Chúng tạo hiệu ứng halo, nên còn được gọi là "xe halo", có thể giúp toàn bộ hãng xe sáng chói như kim cương, nếu nó đủ thu hút thì sẽ còn đem cả tiền tươi thóc thật về cho hãng.

Khi người ta bỏ ra 200.000 USD để mua một chiếc Ferrari California T, họ đang "hưởng xái" ánh hào quang tỏa ra từ chiếc Ferrari FXX 2,1 triệu USD. Hiện chỉ có khoảng 30 chiếc FXX còn California T thì ra đời hàng nghìn chiếc mỗi năm. Mỗi khi một chiếc xe đua của hãng nào đó thắng giải Công Thức 1, những người sử dụng những chiếc xe thuộc đẳng cấp dưới của cùng hãng đó cũng cảm thấy "thơm lây".

LaFerrari ra mắt tại Motor Show Geneva năm 2013, phần lớn dựa trên Ferrari FXX nổi tiếng. Giá: 1,69 triệu USD.

3. Được ăn cả, ngã về không

Một số hãng không muốn thị trường đại chúng mua được xe của mình. Ví dụ như Koenigsegg, Zenvo hay Lykan, họ chỉ bán cho giới siêu giàu. Nhưng điều này chẳng khác nào một vụ các cược, rủi ro cao và không phải lúc nào cũng "được ăn cả".

Ví dụ như hãng Zenvo của Đan Mạch họ sẽ sản xuất 15 chiếc ST1 giá 952.000 USD. Nhưng trước triển lãm Geneva năm nay, công ty chỉ bán được hai chiếc, nhận đơn đặt hàng năm chiếc. Họ đặt cược cả một dòng sản phẩm vào một chiếc xe 1.140 mã lực, vận tốc cực đại là 233 dặm/giờ.

4. Không phải cứ 'có tiền mua tiên cũng được'

Tuy nhiên, giá cao không có nghĩa là cái gì cũng có. Tốc độ, sức mạnh và tiện nghi, chọn thế nào cũng được nhưng đừng mong có cả ba.

Ví dụ: chiến mã Lykan siêu nhanh, nhưng động cơ chỉ chứa 6 xi lanh, chẳng hơn những chiếc xe sản xuất hàng loạt chạy đầy rẫy trên đường là mấy, trong khi những xe hàng triệu đô khác có từ 10, 12 đến 16 xi lanh. Hoặc Mercedes-Maybach Pullman phải mất 5 giây để lên vận tốc 60 dặm/giờ, muốn đua thì đừng mua!

 

Lamborghini Sesto Elemento V10 ra mắt trong Motor Show 2010 ở Paris, tăng tốc lên 60 dặm/giờ trong 2,5 giây. Siêu tốc, nhưng không có radio hay điều hòa. Giá: 2,2 triệu USD.

Cars.com nói rằng: "Những chiếc siêu xe không thực dụng chút nào. Nếu tậu một chiếc chắc bạn phải sắm nguyên một ga-ra đủ các thứ kèm theo mới dùng được. Ví dụ như Pagani, bạn cần phải có đường đua để chú ta tung hoành." Nhưng dĩ nhiên nếu có ai đủ giàu để mua những thứ như Pagani thì việc vung tiền mua luôn đường đua kèm theo có gì là khó!

>> Điểm danh 11 siêu xe sang trọng nhất thị trường

Thùy An

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM