Sống bên cạnh người giàu có giúp người nghèo đổi đời?
Trong tình hình bất bình đẳng xã hội đang ngày càng gia tăng, việc chi tiêu nhiều hơn để giúp đỡ trẻ em nghèo thông qua giáo dục có vẻ hữu ích hơn là chỉ trợ cấp tài chính và đưa người nghèo vào sống trong khu vực của tầng lớp giàu có.
Thành phố Leicester-Anh là nơi có rất nhiều người Somali thuộc tầng lớp nghèo khó sinh sống. Đây là những người tị nạn trốn khỏi các cuộc nội chiến và đã phải đi qua Thụy Điển hay Hà Lan trước khi đến được nước Anh. Kể cả khi thành công vượt biên, những người này vẫn phải sống một cuộc sống khổ cực và thất nghiệp. Theo một khảo sát gần đây, tỷ lệ thất nghiệp tại thành phố này cao gấp 3 lần mức bình quân cả nước.
Tuy nhiên, ông Abdikayf Farah, người điều hành một tổ chức từ thiện tại địa phương lại khá lạc quan về tình hình giáo dục tại đây. Vậy đâu là lý do cho sự lạc quan này?
Gần văn phòng của ông Farah là trường tiểu học Taylor, một ngôi trường có kết quả cao hơn các ngôi trường khác tại Leicester trong các bài kiểm tra về tiêu chuẩn. Hiệu trưởng Chris Hassall của trường Taylor cho biết ông nhận các học sinh nhập cư người Somali vào trường và thật bất ngờ với những gì họ thể hiện. Các phụ huynh Somali thường tích cực đưa con mình đến những lớp học thêm vào cuối tuần và hay than phiền với ông Hassall nếu con cái họ tụt hậu trong lớp. Rõ ràng, những người dân nhập cư này đều hiểu rằng kiến thức là chìa khóa giúp họ thoát nghèo.
Sự kết hợp của môi trường có nhiều người dân nghèo, hệ thống giáo dục tốt và những đưa trẻ biết nghe lời không phải là điều lạ thường tại nước Anh. Ý tưởng kết hợp xã hội, cho phép người nghèo sống xen kẽ với tầng lớp giàu có đã bắt đầu từ thế kỷ 19 tại Anh với lập luận rằng, những người nghèo khi tập trung lại với nhau thường ảnh hưởng tiêu cực lên người bên cạnh và kéo cả nhóm người đi xuống. Trong khi đó, thành phần giàu có lại thường giao lưu với tầng lớp của riêng họ và chỉ giúp đỡ có hạn với người nghèo. Do đó, nếu để người nghèo và tầng lớp giàu có sống xen kẽ lần nhau, họ sẽ giúp đỡ cả khu vực dân cư tốt lên. Tuy nhiên, nhiều tranh cãi vẫn xảy ra quanh ý tưởng trên khiến mô hình này chưa thể được nhân rộng tại Anh.
Mới đây, những chuyên gia nghiên cứu đến từ trường đại học Duke-Mỹ đã khảo sát hơn 1.600 trẻ em trong độ tuổi từ 5-12 tại Anh. Họ nhận thấy những trẻ em nghèo sống tại khu vực khá giả có xu hướng tham gia vào những hoạt động tiêu cực, như nói dối, đánh nhau, nhiều hơn những trẻ em nghèo sống tại khu vực không giàu có. Đối với những đứa trẻ thuộc tầng lớp giàu, xu thế lại trái ngược khi chúng có nhiều hành động cực đoan hơn nếu sống tại khu vực nhiều người nghèo.
Những nhà nghiên cứu trên cho rằng tầng lớp nghèo khó ở Anh thường khá khắt khe với lớp trẻ để ngăn chặn các tệ nạn xấu, trong khi tầng lớp giàu có hơn lại nới lỏng và ít khi phát hiện sớm các hành vi sai trái. Ngoài ra, sống cùng những người giàu có thể khiến người nghèo nhận thức rõ hơn về sự thiếu thốn của mình và làm tăng cảm giác tha hóa liên quan đến các hành vi tiêu cực chống xã hội hoặc những hành vi phạm tội.
Một nghiên cứu khác liên quan đến các trường học của Anh cho ra kết quả gần tương tự. Những trẻ em nhà nghèo theo học tại các trường có rất ít người nghèo hoặc toàn người nghèo theo học có thành tích khá tốt. Trong khi đó, những học sinh nghèo theo học tại các trường có sự trộn lẫn giàu nghèo thường không có thành tích tốt bằng.
Nguyên nhân được các chuyên gia giải thích là giáo viên buộc phải chú ý đến các học sinh nghèo nếu họ học trong một lớp có rất nhiều người tầng lớp giàu, hoặc buộc phải gây sức ép cho cả lớp nếu trường học toàn người thuộc tầng lớp nghèo. Đối với những trường có tỷ lệ giàu nghèo không quá chênh lệch, sự chú ý của giáo viên đến những học sinh nghèo cá biệt là không đủ lớn, khiến thành tích kém hơn.
Chương trình Moving to Opportunity vào thập niên 90 tại Mỹ cũng cho thấy những bằng chứng rằng ý tưởng kết hợp sinh sống giữa các tầng lớp trong xã hội là không hoàn toàn hiệu quả. Trong đó, một số người nghèo được nhận tiền và tư vấn để chuyển đến các khu vực giàu có hơn, một số khác chỉ nhận được tiền để di chuyển còn những người khảo sát còn lại không nhận được gì cả. Sau 10-15 năm, kết quả cho thấy thu nhập và tình trạng việc làm của những người nghèo chuyển đến khu vực giàu có không cải thiện hơn. Thậm chí những thanh thiếu niên chuyển đi còn có nhiều hành động phạm tội và bị tạm giam.
Trường hợp thành công của thành phố Leicester tại Anh được nhiều chuyên gia giải thích dựa trên thành phần nhập cư của nước này. Những người dân được đánh giá là “nghèo khó” tại đây là những người không thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh và thiếu các kỹ năng cần thiết để có việc làm, nhưng họ không hề thiếu sự “khát khao” được thoát nghèo. Rõ ràng, những người dân nhập cư này đã truyền niềm “khát khao” đó cho tầng lớp trẻ em trong việc học tập.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng ngân sách chi cho giáo dục tại Anh là khá lớn và những trẻ em tại các vùng nghèo nhất thường có xu hướng nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Những ngôi trường ở vùng Tower Hamlets, một vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao ở phía Đông thủ đô Luân Đôn, nhận được 7.014 Bảng Anh (10.610 USD) mỗi năm cho mỗi trẻ em theo học, cao hơn nhiều so với mức bình quân 4.675 Bảng Anh trên toàn quốc.
Tại các trường trung học Anh, mỗi học sinh thuộc dạng nghèo sẽ được hỗ trợ thêm 935 Bảng Anh. Ngoài ra, Hội đồng giáo viên Anh cũng luôn ưu tiên đưa các giảng viên xuất sắc nhất đến những ngôi trường nhiều học sinh nghèo. Trái ngược lại, tài trợ giáo dục địa phương ở Mỹ phần lớn đến từ thuế bất động sản và con số này đang ngày càng giảm qua thời gian.
Những nghiên cứu trên cho thấy ý tưởng kết hợp xã hội giữa tầng lớp nghèo và giàu không hoàn toàn không hiệu quả, vấn đề nằm ở cách ứng dụng thế nào. Trong tình hình bất bình đẳng xã hội đang ngày càng gia tăng và phân biệt giàu nghèo ngày càng rõ, việc chi tiêu nhiều hơn để giúp đỡ trẻ em nghèo thông qua giáo dục có vẻ hữu ích hơn là chỉ trợ cấp tài chính và đưa người nghèo vào sống trong khu vực của tầng lớp giàu có.