Nước Nhật “sốc” khi nạn bắt nạt học đường lên mức cao kỷ lục

29/10/2015 10:20 AM | Sống

Văn hóa tập thể của Nhật có thể tốt trong việc khuyến khích các cá nhân sống hòa đồng với tập thể, nhưng mặt khác nó “đào thải” khốc liệt những cá nhân dám khác biệt

Những trường hợp thương tâm

Đã từ lâu, bắt nạt học đường đã trở thành một vấn nạn của giáo dục Nhật. Rất nhiều trường hợp thương tâm đã xảy ra. Tháng trước, Kyodo News đưa tin thành phố Kariya của Nhật đã choáng váng sau thông tin một học sinh cấp 2 của Nhật đã chết đuối do bị 3 bạn học ép nhảy xuống sông.

3 bạn học của Kohei đã ép em nhảy xuống sông vì những lý do không đáng. Kohei và các bạn đến một buổi liên hoan của trường. Tại buổi liên hoan này, Kokei đã nói chuyện khá lâu với một bạn nữ khá xinh đẹp trong khi thực tế Kohei đã có bạn gái. Việc đó khiến bạn của cậu rất khó chịu.

Hết buổi liên hoan, các bạn của Kokei đã không cho em về nhà, dồn em đến gần một con sông, không cho em chạy thoát. Các bạn ép em phải nhảy xuống sông, bơi sang bờ bên kia rồi bơi trở lại thì mới được tha thứ. Kokei đã buộc phải xuống sông nhưng khi bơi được một nửa thì em kêu lên: “Tớ đuối quá cho tớ quay về”. Em đã muốn quay về nhưng vì không đủ sức bơi về nên em đã chìm xuống. Thi thể của em được tìm thấy 3 ngày sau đó. Sau đó 3 bạn học của em đã bị bắt giữ.

Đây chỉ là một vụ việc trong số hàng trăm nghìn vụ bắt nạt học đường mỗi năm. Tháng 4 năm nay, một sinh viên trường nghề bị bạn học đánh và ném xuống sông khi em đang bất tỉnh, sau đó em cũng chết đuối.

2 tháng trước đó, tại thành phố Kawasaki ngay ngoại ô Tokyo, thi thể của một học sinh 13 tuổi tên Uemura cũng đã được tìm thấy trong tình trạng em bị đâm nhiều nhát bằng kéo bởi bạn học của mình. Nhiều trang báo của Nhật cho rằng những học sinh tấn công em đã bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công của các chiến binh thuộc Nhà nước Hồi giáo IS trước đó không lâu.

Cái chết của Uemura đã khiến cả nước Nhật chấn động. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sau đó phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng bắt nạt học đường. Theo báo Mainichi Shimbun, nhóm học sinh tấn công Uemura đã cố gắng ép em tham gia vào nhóm của họ nhưng em không thích, em đã bỏ học nhiều ngày, giáo viên cố gắng mà không liên lạc được với em. Tuy nhiên ngay cả khi em đã rời trường mà bạn học vẫn tiếp tục đeo bám và kết quả là em đã bị bạn học hại chết.

Một lý do chính dẫn đến tình trạng bạo lực học đường gia tăng ở Nhật, theo học giả Asao Naito, chuyên gia về Nhật bản tại Mỹ, bắt nguồn chính từ văn hóa tập thể của Nhật. Theo đó, một cá nhân sẽ không được chấp nhận nếu không thuộc vào một nhóm nào đó. Quan điểm giáo dục Nhật không chấp nhận cho học sinh rút khỏi nhóm, sống độc lập theo cách riêng của mình. Chính vì thế nhưng em lựa chọn cách sống độc lập thường hay bị bắt nạt.

Hơn một nửa các trường phổ thông có tình trạng bắt nạt học đường

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học Nhật mới đây công bố tình trạng bắt nạt trong các trường trung học cơ sở ở Nhật năm học 2014 – 2015 đã lên đến mức đáng báo động, số lượng các vụ bắt nạt lập kỷ lục 122.721, tăng 3.973 vụ trong năm vừa qua.

Nếu tính cả các trường cấp 2, cấp 3, tổng số vụ bắt nạt trường học trong năm qua lên đến mức 188.057, tăng 2.254 vụ so với năm trước đó.

So với năm học 2010 – 2011, số vụ bắt nạt đã tăng đến 4,3 lần. Theo lý giải của Bộ Giáo dục Nhật, số lượng các vụ việc tăng lên là bởi các trường đã sát sao hơn trong việc quản lý học sinh, chính vì thế kể các những vụ bắt nạt nhỏ cũng được phanh phui.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát khác, khoảng một nửa trong số tất cả các trường phổ thông của Nhật phải đối diện với tình trạng bắt nạt học đường. Số lượng các vụ bắt nạt trên mạng Internet giảm 890 vụ so với con số 7.898 vụ trước đó.

Tuy nhiên Bộ Giáo dục Nhật cùng thừa nhận rằng rất khó để nắm được hết các vụ bắt nạt trên mạng Internet hay điện thoại di động bởi việc kiểm soát được các phần mềm mà học sinh đang sử dụng như Line tốn nhiều công sức mà nhiều khi vẫn không thực hiện được.

Đến 99% các trường học ở Nhật công bố họ đã thành lập các tổ điều tra riêng để kiểm tra sát sao về các trường hợp bắt nạt học đường.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM