Những 'bà cô không chồng' ở Trung Quốc

08/02/2015 16:03 PM | Sống

Ở Trung Quốc, người ta hay nói rằng có 3 loại giới tính: nam giới, nữ giới, và “nữ tiến sĩ”.

Nội dung nổi bật:

- Định kiến về các nữ tiến sĩ đang là một mối lo to lớn ở Trung Quốc, họ bị coi là "giới tính thứ 3", hoặc bị gắn với biệt danh "bà cô không chồng"
- Tới năm 2020, số lượng nam giới sẽ hơn nữ giới tới 24 triệu người, dựa trên số liệu của tổng cục thống kê Trung Quốc.
- Không khuyến khích phụ nữ tìm việc hay đi học sẽ đem lại thiệt hại cho nền kinh tế ở bất cứ quốc gia nào, và đặc biệt là Trung Quốc.
- Tỉ lệ phụ nữ thành phố trong lực lượng lao động giảm xuống còn 60.8% năm 2010, so với 77.4% năm 1990.


"Đây là một trò đùa với ý nói chúng tôi là những người “vô tính” và không đủ nữ tính”, cô Đặng, một tiến sĩ xã hội học 27 tuổi ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc nói.

Cô Đặng là 1 trong hơn 100.000 phụ nữ Trung Quốc khác bị gắn với biệt danh “bà cô không chồng” thế hệ mới. Họ bị cho là khó gần, xấu xí, những người chỉ lo cho sự nghiệp cá nhân và thậm chí, họ còn bị coi là những người đe dọa đến tính chất xã hội khi đặt sự học lên trên cả gia đình.

Cô Đặng lại là người đi ngược lại với những thành kiến đó. Cô rất sôi nổi, giọng nói nhẹ nhàng cùng mái tóc ngắn làm cô trông thật hiền hậu. Hiện cô đang làm công việc nghiên cứu tại các nhà máy Trung Quốc với hi vọng đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho công nhân. Một công nhân tại xí nghiệp Quảng Châu đã tỏ ra khá "shock" khi được cô phỏng vấn và biết rằng cô sắp lấy bằng tiến sĩ. “Trông cô không hề tệ chút nào mặc dù là tiến sĩ”, cô Đặng nhớ lại lời của người đàn ông.

Ngày nay, phụ nữ Trung Quốc ngày càng đươc giáo dục tốt hơn, và cùng ngày càng có nhiều người muốn học cao hơn nữa. Nhưng những lời chỉ trích cùng điều bàn tán xì xào cũng tăng theo. Đây là một hiện trạng đáng lo ngại, các chuyên gia giới tính nói, những định kiến bảo thủ về phụ nữ ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, cho dù các công dân của họ có giàu có hơn hay được giáo dục tốt hơn đi chăng nữa.

Sinh viên tại buổi lễ tốt nghiệp tại trường đại học Fudan, Thượng Hải

Sinh viên tại buổi lễ tốt nghiệp tại trường đại học Fudan, Thượng Hải

Định kiến về các nữ tiến sĩ là một phần của một mối lo to lớn hơn ở Trung Quốc: số lượng phụ nữ bị “ế chồng” - những người đã bước qua tuổi 27 mà chưa hề kết hôn. “Phụ nữ thường bị coi là những “cỗ máy đẻ”, sinh con vì lợi ích của quốc gia”, Leta Hong Fincher, tác giả cuốn “Leftover Women: The Resurgence of Gender Inequality in China” nói.

Những lời chế nhạo các nữ tiến sĩ thực sự rất chua cay. “Có những lời châm chọc xoay quanh những phụ nữ có bằng cấp được bắt nguồn từ truyền thông”, Fincher cho hay, và phần lớn là từ internet và mạng xã hội.

Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 1 năm ngoái trên Weibo, 30% trong số 7.000 người đã bày tỏ ý kiến rằng mình sẽ không lấy một người phụ nữ có bằng tiến sĩ.

Họ thường bị gọi là “giới tính thứ 3”. Tại ngôi trường đại học mà cô Đặng tiến hành vài cuộc nghiên cứu, các nam sinh gọi kí túc xá nữ dành cho các nữ sinh học lấy bằng tiến sĩ là “Cung trăng”.

“Nó như là “cấm cung” để nhóm nữ sinh cô đơn lui tới và không người đàn ông nào dám bén mảng”, cô Đặng nói.

Định kiến về phụ nữ

Năm 1981, số lượng nữ sinh được tuyển vào các trường trung học đã đạt 40%, tăng 25% so với năm 1949. Còn ở các trường đại học, con số tăng từ 20% tới hơn 34% cùng thời điểm. Gần 90% phụ nữ đã đi làm vào giữa những năm 1980.

Kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc bị khủng hoảng trong những năm 1980 và 1990, khiến nhiều công ty tuyển nhân viên nữ phá sản, nhiều quan điểm bảo thủ đã rục rịch quay trở lại. Giờ đây, những quan niệm cổ hủ về phụ nữ lại được nhen nhóm trong xã hội Trung Quốc. “Cứ như thể xã hội lại quay lại với ý nghĩ nữ giới không "thông minh" băng nam giới vậy”, một học sinh của cô Đặng nói.

Các thí sinh nữ đang trò chuyện cùng nhau khi tham dự 1 gameshow về ghép cặp đôi tại Thượng Hải

Các thí sinh nữ đang trò chuyện cùng nhau khi tham dự 1 gameshow về "ghép cặp đôi" tại Thượng Hải

Đáng nói là, các định kiến cổ hủ này lại rất có lợi cho chính phủ Trung Quốc lúc này, khi nước này đang phải đối mặt với một vấn đề về nhân khẩu học. Tới năm 2020, số lượng nam giới sẽ hơn nữ giới tới 24 triệu người, dựa trên số liệu của tổng cục thống kê. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng khái niệm “bà cô ế chồng” là do chính phủ dựng nên để thúc ép phụ nữ kết hôn sớm.

“Xem ra chính phủ đang rất lo lắng cho số lượng đàn ông không tìm nổi vợ còn đang dư thừa, vậy nên họ mới hối thúc phụ nữ mau mau kết hôn đi. Họ không đề cập gì tới việc sẽ mất đi nguồn năng lực lao động nữ đầy tiềm năng”, Fincher nói.

Cả phụ nữ lẫn Trung Quốc sẽ đều chịu thiệt hại

Không khuyến khích phụ nữ tìm việc hay đi học sẽ đem lại thiệt hại cho nền kinh tế ở bất cứ quốc gia nào, và đặc biệt là Trung Quốc. Quốc gia này đang phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số và lực lượng lao động nhanh chóng mặt, với nguy cơ đánh mất khoảng 10 triệu người lao động trong năm nay.

Số dân trong độ tuổi lao động giảm gần 4 triệu trong năm ngoái. Trong khi hai quốc gia láng giềng cũng gặp phải vấn đề về nhân khẩu học tương tự là Nhật Bản và Hàn Quốc đang cố gắng lôi kéo lao động nữ, thì Trung Quốc lại không hề có một chiến dịch nào.

Kết quả là, tỉ lệ tham gia của lực lượng lao động nữ, từng đứng hàng cao nhất thế giới, giờ đã bị tụt hạng.

Tỉ lệ phụ nữ thành phố trong lực lượng lao động giảm xuống còn 60.8% năm 2010, so với 77.4% năm 1990, vì đa số họ lựa chọn ở nhà sau khi sinh con. Trong xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu, Trung Quốc đứng thứ 87 trên 142, dưới cả El Salvador, Georgia và Venezuela.

Khoảng cách lương cũng ngày càng rộng: một nghiên cứu cho thấy, so sánh năm 1995 và 2007, tỉ lệ mức lương của nữ giới trên nam giới đã giảm từ 84% xuống 74%.

Nhưng phụ nữ đang vùng lên đấu tranh

Số lượng nữ tiến sĩ tại Trung Quốc vấn tăng đều qua các năm

Số lượng nữ tiến sĩ tại Trung Quốc vấn tăng đều qua các năm

Vượt qua mọi định kiến, các nữ tiến sĩ đang nhanh chóng đuổi kịp các “nam tiến sĩ”. Từ 2004 tới 2012, số lượng nữ tiến sĩ đã tăng tới 19 lần. Hy vọng thời gian sẽ thay đổi được thái độ.

“Tôi nghĩ các nữ sinh đang cố gắng lấy tấm bằng tiến sĩ sẽ cho thấy một kiểu phụ nữ khác”, cô Đặng nói.

Đó là kiểu phụ nữ mà không muốn sống chỉ nhờ vào chồng, con trai, hay các anh em trai của mình, mà họ cho thấy phụ nữ có thể học hành tử tế, độc lập, và hạnh phúc.

>> Những người phụ nữ giàu nhất thế giới

Anh Thu

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM