Nhật Bản 'đất nước câm lặng'

15/02/2016 10:08 AM | Sống

Người Nhật thường có xu thế không thích thể hiện bằng lời và quan tâm nhiều đến hành động, sự im lặng cũng là một cách để họ giao tiếp và đối với họ, làm nhiều thì tốt hơn là nói.

Những ngày tôi ở Tokyo, suốt hàng tháng trời tôi không bao giờ nghe thấy bất kỳ một tiếng động nào từ phía hàng xóm.

Có những khi tôi nghe thấy tiếng nhạc, tôi cứ ngỡ nó phát ra từ những căn nhà của người Nhật, nhưng cuối cùng khi đi quanh khu nhà để tìm kiếm thì nó lại phát ra từ căn phòng thuê của người nước ngoài, nhưng sống trong nếp của người Nhật nên tiếng nhạc cũng hiếm khi được chỉnh to.

Vậy là suốt một khoảng thời gian dài, tôi không bao giờ nghe thấy bất kỳ một âm thanh nào từ hàng xóm, dù là từ sáng sớm đến tối khuya. Tôi cứ ngỡ rằng hàng xóm ít người lắm, nhưng sau này khi tìm hiểu ra thì tôi được biết rằng nhà hàng xóm đều có khá đông người ở, có nhà có 4,5 người, có nhà còn nhiều hơn nữa.

Từ ngày này sang tháng khác, không bao giờ có một tiếng động nào phát ra ngoài, không tiếng người, không tiếng nhạc, nó yên lặng đến nỗi tôi có thể nghe thấy cả tiếng chuông tàu từ nhà ga cách đó đến 15 phút đi bộ.

Một thứ âm thanh duy nhất trong ngày mà tôi có thể nghe thấy một cách thực sự rõ ràng, đó chính là tiếng loa của đài địa phương trong khoảng thời gian kéo dài khoảng 10 phút vào lúc 5h chiều. Ngay sau đó tất cả lại chìm vào im lặng.

Ở Tokyo, ngoại trừ những khu vực ga tàu hoặc công cộng như trung tâm siêu thị, tiệm cafe hay trung tâm mua sắm thì hiếm khi người ta có thể nghe thấy tiếng ồn. Ngay cả nếu bạn đứng ngay vệ đường của những con đường đông nghẹt ô tô thì cũng gần như không bao giờ bạn nghe thấy tiếng bấm còi xe. Chỉ là tiếng của hàng loạt chiếc ô tô lao qua, vút vút vút.

Những ai dù chỉ đến Nhật một vài ngày để du lịch hoặc ở Nhật đã lâu đều nhận ra một điều rằng hiếm khi họ nghe thấy tiếng còi xe, và nếu chẳng may vì chúi mũi vào điện thoại mà bạn trót bước xuống đường nhầm chỗ thì sẽ có một hoặc vài chiếc ô tô đỗ xịch mà bạn không phải nghe những tiếng còi chói tai.

Đến lúc tắc đường, hàng dài những chiếc xe ô tô (chủ yếu là màu đen) cũng lầm lũi đi, dù có phải chờ đến nhiều tiếng vì tắc đường thì tất cả cũng trong im lìm, trật tự. Không thấy những tiếng còi xe, tiếng người quát mắng chửi rủa nhau trong bực tức.

Với 13,3 triệu người, trong đó khoảng 3,5 triệu ô tô đang chạy trên đường. Tokyo có đầy đủ lý do để ồn ào. Thế nhưng nó lại im lặng theo phong cách rất riêng của người Nhật.

Đó là trên mặt đất, còn ở dưới những chuyến tàu điện ngầm hay shinkansen, không khí cũng hoàn toàn im lặng bất kể chuyến tàu hay shinkansen đó đông đúc đến mức nào. Sẽ rất hiếm khi bạn thấy người Nhật nói chuyện điện thoại to tiếng trên tàu hay các phương tiện công cộng. Chỉ có tiếng xe/tàu, tiếng gió thổi vun vút bên ngoài và tiếng giở sách soàn soạt.

Nếu trót va chạm vào nhau hoặc trót làm rơi đồ khiến người khác vướng víu thì sẽ chỉ có một lời xin lỗi rất nhỏ đủ nghe và một cái cúi chào xin lỗi. Không bao giờ có ai trách móc hay phàn nàn ai một câu nào.

Cùng ở những nơi công cộng nhưng cách ứng xử của người châu Âu rất khác. Ở nơi công cộng như bến tàu bến xe, người châu Âu với văn hóa tự do và tôn trọng quyền cá nhân nói chuyện rất nhiều rất to, cười nói ha hả.

Khi lên tàu hay các phương tiện công cộng, họ cũng gây ra rất nhiều tiếng ồn. Họ vô tư nghe điện thoại và trả lời bằng một âm lượng khá lớn trên các phương tiện cộng cộng – những người Nhật hoặc người nước ngoài khi sang Nhật sẽ không khỏi choáng váng với điều này.

Không chỉ so với người châu Âu, Mỹ mà người Nhật cũng rất ít nói so với tất cả người dân ở châu Á. Sự khác biệt về văn hóa có thể nhìn thấy rõ ràng trong một chuyến tàu với người dân đến từ nhiều quốc gia châu Á khác nhau.

Trong khi người Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc buôn chuyện ồn ào thoải mái, nghe điện thoại thì người Nhật trong khi đó hoàn toàn im lặng, họ chỉ nói chuyện nhỏ với nhau khi tàu dừng lại trong chốc lát rồi khi tàu chạy thì câu chuyện cũng chấm dứt.

Họ chúi mũi vào những quyển sách hay điện thoại di động, vào giờ đi làm hay giờ tan tầm thì thậm chí nhiều người nhắm mắt ngủ, nhưng không mấy khi họ ngủ quên, đến ga cần xuống lập tức họ tỉnh dậy và xuống rất chuẩn.

Người Nhật thường có xu thế không thích thể hiện bằng lời và quan tâm nhiều đến hành động, sự im lặng cũng là một cách để họ giao tiếp và đối với họ, làm nhiều thì tốt hơn là nói.

Trong các cuộc tranh luận công việc, người có vị trí cao nhất thường là người nói ít nhất và ý kiến của người này thường được coi như cuối cùng, những người xung quanh sẽ im lặng coi như một sự đồng thuận.

Câu “Im lặng là vàng” đúng trong văn hóa Việt Nam như thế nào thì trong văn hóa Nhật nó còn đúng như thế gấp nhiều lần. Người Nhật quan niệm rằng sự im lặng mang đến sự bình yên, hành động có giá trị hơn nhiều so với lời nói, một bài học có nhiều ý nghĩa mà người Việt mình có thể học tập.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM