Người Mỹ tốn nhiều tiền vẫn sống không thọ

19/11/2015 16:25 PM | Sống

Tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ vào khoảng 78,3 tuổi, thấp hơn mức bình quân 80,5 tuổi của OECD và chỉ tương đương với người dân Chile.

Báo cáo mới đây của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cho thấy chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân tại các nước phát triển đang ngày càng tốt hơn trong 10 năm qua và số bác sĩ bình quân đầu người tại các nước OECD cũng đã tăng qua thời gian.

Tuy nhiên, nếu xét trên chi phí cho chăm sóc sức khỏe thì Mỹ là quốc gia chi tiêu nhiều nhất nhưng tuổi thọ trung bình của người dân nước này lại không phải cao nhất.

Theo báo cáo của OECD, chi tiêu bình quân đầu người cho sức khỏe tại Mỹ đạt khoảng 8.713 USD/người, cao hơn bất kỳ nước thành viên nào khác và cao gấp đôi mức bình quân trong OECD là 3.453 USD/người.

Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ vào khoảng 78,3 tuổi, thấp hơn mức bình quân 80,5 tuổi của OECD và chỉ tương đương với người dân Chile.

Một loạt những nước như Na Uy, Hy Lạp, Nhật Bản, Slovenia hay nhiều nước khác có chi tiêu chăm sóc sức khỏe thấp hơn Mỹ nhưng người dân các nước này lại sống lâu tương đương, thậm chí sống thọ hơn người Mỹ.

Tổ chức OECD cho rằng những chi tiêu “khủng” của người dân Mỹ không hoàn toàn được dùng cho những dịch vụ chăm sóc sức khỏe hàng đầu, thậm chí đôi khi được dùng sai mục đích. Bình quân mỗi năm người Mỹ tốn khoảng 750 triệu USD do hệ thống y tế không hoạt động hiệu quả. Trong đó bao gồm chức năng quản lý yếu kém, các dịch vụ chắm sóc sức khỏe không cần thiết hoặc thậm chí những vụ gian lận về y tế.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Barack Obama thực hiện cải tổ chương trình chăm sóc sức khỏe, hay còn gọi Obamacare, đã khiến lượng người Mỹ không có bảo hiểm y tế giảm từ 15% năm 2013 xuống 11% hiện nay.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM