Ngày Tết cần kiêng kỵ những gì?

07/02/2016 13:10 PM | Sống

Nhiều điều cần kiêng kỵ ngày Tết từ ngày xưa vẫn được lưu truyền đến hôm nay tuy đây là tập tục chưa chứng minh được tính khoa học.

Những điều kiêng kỵ ngày Tết được người Việt duy trì với quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, ngày đầu năm tránh những điều không tốt, để mọi chuyện suôn sẻ, tốt đẹp thì cả năm sẽ may mắn, hanh thông.

Sau đây là một số điều kiêng kỵ ngày Tết:

Không quét nhà và không đổ rác ngày mùng Một Tết

Theo quan niệm truyền thống của người Việt, quét dọn nhà cửa trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà. Do đó, từ xa xưa đã lưu truyền điều kiêng kỵ ngày Tết là không quét và không đổ rác trong ngày mùng Một Tết. Tục kiêng đổ rác có nguồn gốc từ một truyện dân gian bên Trung Quốc.

Truyện kể rằng ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó.

Có những gia đình cẩn thận còn kiêng quét nhà và kiêng đổ rác trong cả 3 ngày là mùng 1, 2, 3 vì sợ rằng sẽ quét hết tiền bạc, vận đỏ, lộc xuân ra khỏi nhà. Dân gian cho rằng, nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm thì cả năm gia đình sẽ nghèo túng, khánh kiệt, thần tài sẽ đi mất, tiền bạc không đến được với gia đình và hiển nhiên nó mang lại điềm xấu, không may mắn. Do vậy, ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, không vứt rác bừa bãi.

Không cho lửa và cho nước đầu năm

Trong quan niệm của người Việt, lửa đỏ tượng trưng cho may mắn. Vì thế, cho lửa đầu năm chẳng khác nào đem may mắn của mình đi cho người khác nên không ai muốn cho lửa vào ngày đầu năm.

Cũng như lửa, nước được coi như một trong những nguồn phát sinh tài lộc theo quan niệm dân gian. Do đó, đầu năm cho nước cũng coi như mất lộc. Xưa kia, khi nước còn phải gánh từ ao, hồ hoặc hứng trong chum, vại, thường ngày cuối năm, nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào các vật chứa. Từ trong tâm thức người Việt, hình ảnh nước đầy ăm ắp giống như một điềm may, hứa hẹn năm mới sẽ dễ làm ăn, sinh sống, cửa nhà mát mẻ.

Không đến nhà người khác vào sáng mùng Một

Điều này bắt nguồn từ tục kiêng những người xông đất hay đạp đất, mở hàng nặng vía. Tính từ thời khắc giao thừa, người nào đến nhà đầu tiên thì được gọi là xông đất cho gia chủ. Người ta quan niệm, người xông đất cũng như người mở hàng đầu tiên, nếu nhẹ vía thì gia chủ sẽ mua may bán đắt, còn nặng vía thì việc buôn bán cũng theo đó mà trì trệ.

Do đó, người khách đến nhà đầu tiên trong năm mới cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên, người ta thường nhờ những người bà con hay láng giềng có tính tình vui vẻ, linh hoạt, đạo đức tốt và thành đạt đến xông đất cho nhà mình.

Bởi vậy, nếu không được gia chủ mời, người Việt rất ngại đến nhà người khác và trở thành khách xông nhà “bất đắc dĩ” vào sáng mùng Một. Nếu năm tới, gia chủ được vạn sự tốt lành thì không sao nhưng nếu họ có việc gì không tốt đẹp, lại dễ đổ lỗi vì người xông nhà đầu năm “nặng vía”.

Chính vì sợ điều này xảy ra nên vào ngày mùng Một Tết, người Việt thường chỉ ở nhà thắp hương cúng lễ, sau đó, đi chúc Tết cha mẹ, nếu gia đình đã tách ra ở riêng. Thường người Việt chỉ đến chúc Tết anh em, họ hàng thân thiết, gần gũi trong ngày mùng Một Tết.

Không vay mượn trong dịp Tết

Ngày đầu năm, người Việt rất kiêng kỵ việc vay mượn, kể cả cho vay hay đi vay, đòi nợ hay trả nợ, dù là tiền bạc hay đồ vật vì sẽ bị “giông” cả năm. Đi vay đầu năm là điềm báo sẽ túng thiếu cả năm, cho vay đầu năm sẽ khiến tiền bạc phân tán, đòi nợ đầu năm dễ gây mất hòa khí và khiến người đi đòi cả năm sẽ mệt mỏi chạy theo con nợ, trả nợ đầu năm chẳng khác gì đem lộc nhà ra khỏi nhà.

Còn rất nhiều điều kiêng kỵ ngày Tết nhưng trên đây là một số điều kiêng kỵ ngày Tết cơ bản. Những điều khác theo vùng miền và do cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại hơn người dân cũng dần có suy nghĩ thoáng hơn trong vấn đề này. Theo các nhà văn hóa, những điều kiêng kỵ ngày Tết chưa chứng minh được cơ sở khoa học mà chủ yếu dựa trên quan niệm dân gian “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, kiêng kỵ được thì tốt nhưng không thì cũng không sao.

 

Cùng chuyên mục
XEM