Hà Nội có phải nơi đáng sống?

03/10/2015 12:05 PM | Sống

TS-KTS. Phó Đức Tùng: “Hà Nội là một đô thị đáng sống!”

Hà Nội hiện có dân số gần 10 triệu người và vẫn tiếp tục tăng. Điều gì khiến Hà Nội thu hút dân nhập cư đến vậy? Phải chăng Hà Nội là một thành phố đáng sống?... Đó là nội dung được luận bàn trong tọa đàm “Để Hà Nội trở thành nơi đáng sống” diễn ra vào trung tuần tháng 9 tại Không gian di sản (Heritage Space), với diễn giả là TS-KTS-.

Phó Đức Tùng - người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu các đô thị phát triển bền vững trên thế giới và họa sĩ Bùi Hoài Mai - người nhiều năm thực nghiệm các mô hình bảo tồn di sản. Người Đô Thị lược ghi cuộc tọa đàm thú vị này.

TS-KTS. Phó Đức Tùng: “Hà Nội là một đô thị đáng sống!”

Không cần đặt câu hỏi Hà Nội có đáng sống hay không, vì khi gần 10 triệu dân người ta dồn vào đấy tức là nó đáng sống. Điều đặt ra là tại sao nó đáng sống và nó đáng sống ở chỗ nào? Và tại sao mọi người luôn luôn coi khu phố cổ là biểu tượng, bản chất của Hà Nội?

TS-KTS. Phó Đức Tùng (phải) và họa sĩ Bùi Hoài Mai. Ảnh Đình Toán

Xét trên cục diện toàn quốc thì người dân có một sự tự do lựa chọn nhất định, và khi người ta dồn đến khu vực nào để sống thì chắc chắn nơi ấy đáng sống hơn và có cơ hội sống tốt hơn khu vực khác. Về lý thuyết, đô thị đáng sống có mô hình từng bước phát triển. Người ta cho rằng những nền kinh tế phát triển thấp nguyên tắc là phải tập trung tại một số điểm (khu vực). Sau giai đoạn đó thì mới đến giai đoạn phát triển những khu vực nhỏ khác.

Nuôi sống 10 người đã là khó, 20 người là vô cùng khó, vậy nuôi sống 10 triệu người là chuyện không đơn giản. Chúng ta có thể thấy thành phố của chúng ta xấu, nhưng so với nhiều thành phố trên thế giới thì dù nó xấu nhưng sống được.

Sống được là một giá trị nhưng cao hơn nữa cần phải có chiến lược. Khi tất cả nói Hà Nội là cái phố cổ, thì chúng ta phải xem hạt mầm đó là gì, nằm ở đâu? Và nếu chúng ta vun trồng hạt mầm ấy, chăm lo hợp lý thì nó sẽ phát triển thành cây lớn.

Cấu trúc nuôi sống xã hội

Đơn nguyên tạo hình của phố cổ chính là gia đình. Cấu trúc đô thị là cấu trúc không gian hỗ trợ sự an cư lạc nghiệp của một gia đình. Xét về mặt không gian, nó là phương nằm ngang với mỗi một điểm trong phố cổ là một mắt xích của những cái đứng cạnh nhau.

Về mặt thời gian, nó là chuỗi thẳng đứng từ xưa và đi tiếp tới tương lai. Nói cách khác nó là một không gian Khổng giáo. Và một con người có trực giác Khổng giáo khi rơi vào không gian ấy người ta thấy dễ chịu, thoải mái.

Ảnh Anh Huy

Tham khảo một số mô hình trên thế giới như mô hình Nam Ninh - Trung Quốc, ta thấy đây là một thành phố xã hội chủ nghĩa, không còn khái niệm gia đình nữa. Nó là một tòa nhà rất to và trong đấy mỗi con người như một ong thợ di chuyển liên tục, ra vào nhưng không ai biết ai. Nó là một không gian hỗ trợ cấu trúc tập thể, không lấy gia đình mà lấy xã hội làm hạt nhân. Và trong một cấu trúc như vậy thì yếu tố cá thể và yếu tố gia đình tiêu biến nhưng yếu tố tập thể được phát triển.

Mô hình thứ hai là Mỹ. Đây là một trong những nước thử nghiệm mô hình chung cư đầu tiên, nhưng những năm 1970 thì họ đập tất cả bởi họ cho rằng không thể triệt tiêu hoàn toàn không gian cá nhân, mỗi người phải có một ngôi nhà riêng có sân vườn, có tự nhiên... Mô hình thành phố của họ gồm một cái lõi, như trung tâm thương mại, còn chỗ ở là một nơi bên ngoài, mà mỗi nhà là một biệt thự và được kết nối bởi hệ thống giao thông.

 

Ảnh Ngodung

Nhìn vào hai mô hình trên, ta thấy mô hình nhà chung cư và giao thông công cộng là mô hình tập thể, mô hình tư nhân là mô hình nhà biệt thự ở ngoại ô và kết nối bởi hệ thống giao thông. Còn ở ta, phố cổ là mô hình gia đình, nhưng không phải mô hình cá nhân như ở Mỹ, bởi nhà tôi phải đứng cạnh nhà anh, tôi phải biết tới hàng xóm láng giềng.

Cấu trúc đô thị dựa trên đơn nguyên gia đình là hỗ trợ sự bền vững về mặt xã hội. Không gian tạo điều kiện cho đơn nguyên đấy là bản sắc, là cốt lõi của giá trị phố cổ cũng như giá trị Việt Nam nói chung.

Ảnh La Palm Film

Phố cổ có giá trị khác nữa là các gia đình đứng cạnh nhau có sự đa dạng cao. Để có sự đa dạng này cần có mật độ cao. Muốn có sự đa dạng và mật độ cao thì cần có sự đa dạng về không gian. Tức là có chỗ cho người giàu, người nghèo, cho người thích sôi động, người thích yên tĩnh... Mà cấu trúc lô phố Hà Nội là một trong những cấu trúc tối ưu để tạo ra sự đa dạng này. Bởi ngoài mặt tiền ra, cấu trúc này còn có chiều sâu, nó có những vùng lõi yên tĩnh hơn, rẻ tiền hơn để những người không kinh doanh muốn sống yên tĩnh sống trong đó.

Tốc độ giao thông tỷ lệ nghịch với giá trị của đất

Có một thực tế là chúng ta đang “thái” đô thị ra quá mỏng. Tức là một nhà có hai mặt tiền hoặc hai nhà úp lưng vào nhau cũng có hai mặt tiền. Cấu trúc lô phố của phố cổ là một cấu trúc tối ưu để tạo được mật độ mà lại không quá to.

Nhìn vào khu Đống Đa ta thấy có phần đằng sau nhưng lại quá nhiều, và khi không được chia ra thì nó dẫn tới tắc nghẽn giao thông. Bởi số lượng đường giao thông, số lượng người ra mặt tiền ít trong khi số lượng người bị đẩy vào bên trong quá nhiều. Đây không phải là cấu trúc tốt.

Trên thế giới có những lý thuyết đô thị nói rất kỹ rằng trong một đô thị tốt phải chia nhiều đường nhỏ. Và những đường đó chỉ được cách nhau tối đa 150m, tạo thành những ô nhỏ với tốc độ càng chậm càng tốt. Chậm thì người ta mới dừng lại và mua bán. Nhưng ở Việt Nam vẫn chưa nhận ra được sự thật ấy, mà chỉ nghĩ tới tiện ích giao thông là quan trọng. Chúng ta phải hiểu giao thông có nhiều cấp. Đi xa thì tốc độ nhanh còn trong bán kính gần thì phải chậm. Càng chậm càng tốt.

Ảnh Khanh HMoong

Ngay trong nội bộ phố cổ, người ta ngăn ra phố đi bộ nhưng vẫn không nắm được bản chất. Người ta chỉ nghĩ dành ra vài phố để làm du lịch. Vấn đề là phải quy hoạch tuyến nào là tuyến nhanh, tuyến nào là tuyến chậm. Toàn bộ khu phố cổ phải là khu có khả năng đi bộ. Toàn bộ đô thị lớn chia ra mạch chính là những mạch đi rất nhanh, sau đó là mạch cấp hai đi vừa vừa rồi đến là mạch cấp ba là hoàn toàn đi bộ hay dành cho xe đạp...

“Bảo hiểm” của cư dân đô thị

Hai mô hình của Trung Quốc và Mỹ nói trên có điểm chung là những cá thể được bộ máy lo cho công ăn việc làm. Còn bản chất bố trí xã hội của Việt Nam là chỉ lo được cho một lượng nhỏ, còn lại phải tự thân vận động. Nghĩa là một gia đình dứt khoát cần có một giao diện với xã hội thì mới đảm bảo được cuộc sống.

Mô hình không gian ấy cho phép người ta có thể sống, và quan trọng hơn là có hy vọng sống. Cho nên ta hiểu được tại sao người ta lại trả nhiều tiền cho một ngôi nhà mặt phố: nó là một bảo hiểm về mặt tâm lý rằng nếu ngày mai thất nghiệp tôi sẽ mở một cửa hàng, và nếu không mở được cửa hàng thì có thể cho thuê.

Tức là nó cho phép người ta có một hy vọng, một cơ hội. Việc cho phép người ta có một cơ hội là yếu tố xã hội học vô cùng quan trọng giữ cho một xã hội sống được. Cơ hội tuy là giá trị vô hình nhưng nó là giá trị thật. Và chừng nào kinh tế còn yếu thì yếu tố hy vọng, cơ hội là rất quan trọng.

Nhìn lại sau tất cả, giá trị lớn nhất của Hà Nội chính là nơi nuôi sống cho mấy triệu dân tập trung một chỗ với mức sống cao hơn khu vực xung quanh. Nếu chúng ta định nghĩa Hà Nội là một nơi tinh hoa dưới dạng “thanh lịch Tràng An” thì chúng ta sẽ thất vọng. Bởi nó vốn là một nơi kẻ chợ, bây giờ vẫn là một nơi kẻ chợ, và chắc chắn là một kẻ chợ phồn hoa, sầm uất, nuôi sống được nhiều người. Nơi đô hội ấy, tập trung anh tài, tinh hoa... và cả cái xấu xí.

“Tôi sinh ra ở Hà Nội, mẹ là người Hà Nội sau đó rời thủ đô về quê, thỉnh thoảng trở lại Hà Nội. Mọi người về quê thường để tránh chỗ ồn ào, nhưng thực tế trong vài năm trở lại đây thì quê thay đổi nhanh hơn, ồn ào hơn.

Lâu lắm rồi tôi mới quay về phố Tạ Hiện vào ban đêm, và phố đó giờ trở thành khu phố rất nhộn nhịp, nhiều người ngồi vỉa hè uống bia. Và tôi nhìn thấy một đời sống thú vị nằm ở vỉa hè. Đọc cuốn Hà Nội một chốn rong chơi của Martin Rama - một người nước ngoài yêu Hà Nội, khi mở cuốn sách ra thì thấy không có gì vĩ đại, mà ở đó là vài ba ô cửa sổ, vài ba song sắt cũ, vài ba quán chè cháo... Vậy mà ông quyết định ở lại Hà Nội và quyết định rằng đó là nơi đáng sống. Hình như Hà Nội hấp dẫn người ta bởi những thứ như thế, chứ không phải bằng cái gọi tên được” - Họa sĩ Bùi Hoài Mai

Theo Lệ Quyên

Cùng chuyên mục
XEM