Định giá một viên kim cương như thế nào?

26/11/2015 19:28 PM | Sống

Sau khi thẩm định, mỗi viên kim cương sẽ có giấy tờ “chứng sinh” kèm theo ghi rõ nguồn gốc, trọng lượng, độ tinh khiết hay độ mài giũa để có thể được định giá một cách chính xác nhất.

Kim cương là một trong những loại đá quý và đắt giá bậc nhất thế giới, đặc biệt là kim cương tự nhiên. Nói một cách bay bổng như các nghệ nhân kim hoàn, mỗi viên kim cương có một câu chuyện và một sức sống của riêng nó.

Để đánh giá chất lượng nhằm xác định giá trị của một viên kim cương, những nghệ nhân và nhà chế tác đã sáng tạo ra rất nhiều phương thức khác nhau để có thể đem đến các kết quả toàn diện và đáng tin cậy nhất cho các khách hàng, hầu hết là giới giàu có và quý tộc.

Tuy nhiên, trải qua rất nhiều quy chuẩn thẩm định, các chuyên gia đã hoàn toàn nhất trí với một quy tắc chính xác nhất để định giá kim cương – quy tắc 4C.

Từ đó, bất cứ một viên kim cương dù là nhỏ nhất cũng cần phải qua tất cả các bước xác định nghiêm ngặt của quy tắc 4C rồi mới có thể được đem bán. Sau khi thẩm định, mỗi viên kim cương sẽ có giấy tờ “chứng sinh” kèm theo ghi rõ nguồn gốc, trọng lượng, độ tinh khiết hay độ mài giũa để có thể được định giá một cách chính xác nhất.

C1: Carat – Trọng lượng

Trọng lượng của kim cương được tính bằng carat. – ký hiệu viết tắt quốc tế được sử dụng là ct. Trọng lượng này trong giấy chứng nhận được ghi chính xác cho hai vị trí thập phân. Và công việc đo trọng lượng tiến hành với độ chính xác tới ba vị trí thập phân, trong khi đó chỉ có thể làm tròn vị trí thập phân thứ hai lên cao trong trường hợp vị trí thập phân thứ ba là 9.

1 ct = 200 mg = 0.2g

Vì các thông số hình học chính xác của viên kim cương giác cắt brilliant đã được tính toán và chuẩn hóa, nên từ trọng lượng người ta có thể tính ra được kính thước đường kính, độ cao và ngược lại.

Trọng lượng (ct) = (đường kính)2 x (độ cao) x 0,0061

Đơn vị carat được xuất hiện từ các khu chợ buôn bán thời trung cổ, khi đó trọng lượng được xem là đơn vị để tính giá trị của đá quí, để đo lường tương tương đương người ta đã sử dụng những hạt xa kê. Hạt xa kê có tính chất đặc biệt tất cả các hạt đều có trọng lương như nhau. Tên tiếng Anh của quả xa kê là carob, và từ chữ này đã xuất hiện tên carat.

C2: Color – Màu sắc

Kim cương là một lọai đá quí trong xuất hiện trong thiên nhiên dưới nhiều dạng màu sắc khác nhau. Thực tế những viên kim cương xuất hiện trong tự nhiên sau khi mài thường là có các màu từ trắng đến vàng.

Để xác định và phân loại màu cho kim cương người ta sử dụng bảng thang độ màu đã được công nhận quốc tế. Theo bảng này màu được viết theo theo bảng chữ cái La Tinh từ D đến Z. Màu đá càng trắng thì ký hiệu cho nó càng gần đầu bảng chữ cái, trắng nhất có ký hiệu D.

Việc phân loại màu phải do chuyên gia có kinh nghiệm thực hiện bằng cách đối chiếu với bộ đá mẫu (master stones) đã được ký hiệu màu trước. Khi thực hiện so sánh đối chiếu tất cả các điều kiện quan sát cơ bản phải được tiêu chuẩn hóa. Ví dụ độ cân bằng trắng ánh sáng bình thường là 5000 đến 5500 K (D55), theo đó tùy theo sự tương đồng với viên đá trong bảng mẫu mà viên đá xem xét được ký hiệu theo mầu của viên đá mẫu.


Bảng màu kim cương

Bảng màu kim cương

Fancy color dùng để gọi kim cương có màu sắc ấn tượng.

Phát huỳnh quang

Khi chiếu sáng kim cương bằng tia sáng UV thì một số kim cương phát ra ánh sáng có màu huỳnh quang.

Tùy theo viên kim cương mà nó có thể phát ra ánh sáng huỳnh quang theo cấp độ: không có - nhạt - trung bình - mạnh.

C3: Clarity – Độ tinh khiết

Độ sạch được xác định trên cơ sở đo lượng tạp chất không đồng nhất có ở trong viên kim cương.

Những tạp chất hay sự không đồng nhất này ở bên trong viên kim cương được gọi là độ inclusion (bao gồm các-bon dạng sẫm màu, đá trắng hay những vết dạn nứt, vv...). Tạp chất và sự không đồng nhất có thể xuất hiện trong các giai đoạn khác nhau của quá trình hình thành tinh thể.

Yếu tố tiếp theo của độ tinh khiết là những đặc tính ở bên ngoài (vết xước, những mặt nhỏ bị thừa, các chất tự nhiên khác vv...), những lỗi này xuất hiện trong quá trình chế tác hoặc lỗi tự nhiên nhưng không thể loại bỏ trong quá trình gia công.

Người ta chia độ sạch của kim cương ra làm nhiều thang độ, tương ứng với từng thang độ tinh khiết, là khả năng phát hiện bằng các phương pháp quan sát, đo đạc trực quan khác nhau. Mức chuẩn thông thường cho việc đo lường thì người ta sử dụng kính lúp với độ phóng to gấp 10 lần.


Thang bậc tinh khiết của kim cương

Thang bậc tinh khiết của kim cương

LC (Loupe-kính lúp, Clean-sạch) hay IF (Internal Flawless–bên trong hoàn hảo)

Độ sạch của kim cương được đánh dấu là sạch dưới kính lúp, nếu như trong những điều kiện nhất định kim cương hoàn thành được điều kiện trong suốt tuyệt đối, tinh thể đồng nhất không có tạp chất - độ inclusion thấp nhất.

VVS* (Very Very Small – rất rất nhỏ) (VVS1, VVS2)

Nếu trong viên kim cương có tạp chất - inclusion rất rất nhỏ, mà phải thật kỹ mới thấy, ngay cả khi tăng độ phóng đại thêm 10 lần.

VS* (Very Small-rất nhỏ) (VS1, VS2)

Tạp chất được phát hiện nhưng rất nhỏ - inclusion rất nhỏ, có thể phát hiện khi tăng độ phóng đại lên 10 lần.

SI* (Small Inclusions-Đông thể nhỏ) ( SI1, SI2)

Tạp chất nhỏ, dễ dàng xác nhận bằng kính lúp với độ lớn gấp 10 lần, nhưng lại không nhìn thấy được bằng mắt thường nếu nhìn từ phía đỉnh vương miện mài.

PI (Pique-Tức giận)

Chất liệu không đồng nhất - inclusion trung bình, nhìn thấy được khi phóng to lên 10 lần và khó có thể nhìn thấy bằng mắt từ phía vương miện mài, không ảnh hưởng tới độ sáng rực của kim cương

PII (Pique II)

Tạp chất rõ, nhiều rất dễ dàng nhìn thấy chỉ bằng mất thường từ phía vương miện mài, hơi ảnh hưởng tới độ sáng rực của kim cương.

PIII (Pique III)

Tạp chất lớn, nhiều rất dễ nhìn thấy chỉ bằng mắt thường từ phía vương miện mài và nó làm giảm độ sáng rực của kim cương.

Sự phân chia tiếp theo của các nhóm VVS, VS và SI thành hai phân khu 1 và 2 có thể chỉ sử dụng cho kích thước của đá 0.47 carat và lớn hơn.

Thuật ngữ pure - nguyên chất, pure to eye - sạch, comercial pure - nguyên bản hay là những các thức phân chia mức độ sạch khác ít được sử dụng.

C4: Cut – Giác cắt

Ngày nay việc mài cắt kim cương được được thực hiện trên cơ sở tính toán yếu tố khúc xạ quang học nhằm hội tụ tối đa vẻ đẹp của viên đá, phát huy hết ánh sáng phản xạ lấp lánh, tạo cho kim cương vẻ đẹp rực rỡ.

Giác cắt theo dạng brilliant có hình dáng tròn và tạo nên từ vòm vương miện phía trên (gồm 32 mặt bên nhỏ + một mặt phẳng lớn) và phần dưới hình chóp nhọn (gồm 24 mặt nhỏ + chóp).


Các hình dạng thường được mài cắt của kim cương

Các hình dạng thường được mài cắt của kim cương

Chất lượng giác mài được đánh giá dựa trên so sánh kích thước mài với tỉ lệ kích thước hình học lý tưởng được xác định bằng các công thức toán học nhằm đạt độ phản xạ ánh sáng tối đa (viên kim cương không đều hoặc sai lệch với kích thước chuẩn được xem như là lỗi mài).

Những sai lệch với kích thước chuẩn được xác định như là chất lượng cắt mài, và để xác nhận cho chất lượng đó người ta sử dụng bảng chia độ: very good - rất tốt, good - tốt, fair - tạm được và poor – xấu. Một số phòng thí nghiệm cho kim cương tốt nhất và chất lượng nhất thì sử dụng xác nhận thứ hạng: excellent – tuyệt vời hoặc ideal – cắt mài lí tưởng. Viên kim cương sau khi thực hiện xong giác cắt được gọi là kim cương thành phẩm.

Nếu viên kim cương đạt độ mài hoàn hảo, ta sẽ thấy hiệu ứng ánh sáng xuất hiện hình trái tim và mũi tên khi soi lên. Bạn có thể nhìn thấy ánh sáng trên viên kim cương xuất hiện những hình ảnh trái tim và mũi tên như ví dụ ở hình dưới.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM