Đi công tác thường xuyên có vui không?

19/08/2015 16:57 PM | Sống

Bạn có từng ước rằng “Giá mà ta cũng đi được như thế nhỉ?”

Những doanh nhân thường xuyên đi nước ngoài thường có mức sống khá giả và dành nhiều thời gian trên máy bay. Theo nghiên cứu, ở Thụy Điển, 3% dân số chiếm 1/4 các chuyến đi nước ngoài; ở Pháp, 5% dân số chiếm 1/2 tổng quãng đường đi lại của cả nước.

Chúng ta hay nhìn những bức ảnh trên Instagram hay facebook của những người đi công tác nước ngoài nhiều, họ bay lượn như chim, thưởng thức những bữa ăn mới lạ, hay tung tăng ở những nơi vui chơi mới mẻ… Bạn đã từng thầm mong ước rằng: “Giá mà ta cũng đi được như thế nhỉ?”. Trên thực tế, đi công tác không hề vui và hào nhoáng như vẻ ngoài.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Surrey, Anh Quốc và Đại học Linnaeus, Thụy Điển mới cho ra mắt một nghiên cứu nói về “Mặt trái của việc di chuyển cường độ cao”. Nghiên cứu này tổng hợp nhiều nghiên cứu đã có về hệ quả của việc thường xuyên đi xa và tìm ra ba loại hậu quả: sinh lý, tâm lý và cảm xúc xã hội, trong đó hậu quả sinh lý là rõ ràng nhất.

Jet lag (rối loạn sinh lý do lệch múi giờ) là một hiện tượng quen thuộc với những người hay đi lại nhưng ít ai có thể ngờ rằng jet lag có thể dẫn đến những hậu quả dù hiếm gặp những rất nghiêm trọng như tăng tốc độ lão hóa, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, còn cả chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (xuất hiện cục máu đông ở tĩnh mạch, nhất là tĩnh mạch chân), phơi nhiễm khuẩn và phóng xạ - những người bay trên 85.000 dặm (khoảng 136.800km) một năm bị phơi nhiễm phóng xạ cao hơn giới hạn quy định. Ngoài ra, họ cũng tập thể dục ít hơn và ăn uống không lành mạnh như người ở cố định một nơi.

Các tác động đến tâm lý và cảm xúc thì khó nhận thấy hơn nhưng cũng nghiêm trọng không kém. Họ thường xuyên bị “mất phương hướng do đi lại” vì thay đổi múi giờ quá nhiều, ngày càng căng thẳng vì quá tải công việc và lo âu khi việc chồng chất sau khi đi công tác về. Một nghiên cứu có đối tượng là 10.000 nhân viên của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng trong số này, những người hay đi công tác yêu cầu bồi thường bảo hiểm tâm lý nhiều gấp ba lần.

Cuối cùng là các ảnh hưởng xã hội. Thời gian xa cách kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến hôn nhân và ứng xử của con trẻ đối với bố mẹ chúng. Các mối quan hệ trong gia đình cũng bất bình đẳng vì người ở nhà sẽ phải lo nhiều việc gia đình hơn, chủ yếu là phụ nữ (74% số doanh nhân châu Á hay đi công tác của tập đoàn Accor là nam giới, theo một nghiên cứu năm 2011). Quan hệ bạn bè cũng rạn nứt vì họ thường hy sinh các hoạt động tập thể để dành thời gian cho gia đình sau mỗi chuyến đi.

Vì thế, dù đôi lúc bạn phải ghen tỵ với những người thường xuyên "tung tăng" đi công tác, có thể bạn nên dành chút lo lắng cho họ nữa đấy!

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM