Đây là cách làm du lịch của dân đảo Armantani – nơi không có điện, nước rất hiếm và lúa không sống nổi (P1)

03/02/2016 09:38 AM | Sống

Trước chuyến đi tôi không tìm hiểu nhiều thông tin về hồ Titicaca cũng như đảo Armantani. Tôi muốn để trái tim mình rộng mở và đầy tò mò trước tất cả những gì mình sẽ được thấy và được biết.

Homestay ở Armantani

Đón chúng tôi là 6 người phụ nữ bản địa, ăn mặc quần áo truyền thống. Mọi thứ trên người họ đều mang sắc màu rực rỡ, trừ cái khăn màu đen. Nhưng hai đầu khăn lại thêu hoa văn rất sặc sỡ. Tấm khăn thường rất to, bản rộng 80 cm và có thể dài tới 2 mét.

Hướng dẫn viên du lịch chia chúng tôi về từng gia đình và hành trình leo bộ bắt đầu. Dốc khoảng 45 độ, đường lát sỏi rất đẹp làm tôi có cảm giác mình đang sống trong một ngôi làng cổ tích nào đó. Mỗi gia đình sống trong một ngôi nhà xây bằng đá với một mảnh vườn toàn hoa và hàng rào đá.


Những phụ nữ bản địa đi đâu cũng cầm con xe để xe len. Ảnh: Nhung Nguyễn.

Những phụ nữ bản địa đi đâu cũng cầm con xe để xe len. Ảnh: Nhung Nguyễn.

Homestay là hình thức sống chung với gia đình người bản địa, cùng ăn thức ăn của họ, có thể học làm một việc gì mang tính địa phương như thu hoạch mùa màng hay làm nghề thủ công.

Gia đình tôi sống trải nghiệm ở khu dân cư gần trên đỉnh đốc. Leo dốc với 10kg trên vai khiến ai nấy thở dốc. Nắng chói chang. Và mọi người đều đã đói.

Chỉ trong vài tiếng, tôi đã trải nghiệm rất nhiều cảm giác khác nhau. Cảm giác ngạc nhiên tới thích thú, khi tôi bắt gặp bộ dao nĩa chúng tôi sử dụng là hàng “Made in Germany” (Sản xuất ở Đức).


Súp Quinoa được phục vụ bằng đồ ăn sản xuất tại Đức. Ảnh: Nhung Nguyễn.

Súp Quinoa được phục vụ bằng đồ ăn sản xuất tại Đức. Ảnh: Nhung Nguyễn.

Cô con gái của gia đình tên là Glendy. Cô bé mới 5 tuổi và rất dạn dĩ. Người bạn đồng hành với tôi nói rằng: “Lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy một đứa trẻ thực sự hạnh phúc”. Cô bé không có nhiều đồ chơi như trẻ em ở các thành phố lớn. Nhưng nó chơi với một quả bóng với một vẻ hạnh phúc vô cùng.

Bé hỏi đi hỏi lại những cái tên khó nhớ của chúng tôi vào buổi trưa. Tối lại hỏi lại lần nữa, đánh vần cẩn thận. Nhưng tôi chắc là sáng sau nó đã quên rồi. Bé nói được tiếng Tây Ban Nha và tiếng Quechua của người Inca bản địa.

Tôi tin rằng cô bé sẽ sớm nói được tiếng Anh trong môi trường tiếp xúc liên tục với người nói tiếng Anh như thế. Nó làm tôi bắt đầu tò mò, muốn xem hòn đảo du lịch này vận hành như thế nào.


Nanda và con gái Glendy (ở giữa). Ảnh: Nhung Nguyễn.

Nanda và con gái Glendy (ở giữa). Ảnh: Nhung Nguyễn.

Đất của đền mẹ đền cha

Đi tàu ra đảo, bạn được ngắm cảnh hồ tuyệt đẹp, nước mênh mông, trời trong xanh ngắt. Xế trưa, bước chân lên đảo, ấn tượng đầu tiên là sao mà người dân ở đây “sướng” thế, sống ở chỗ mênh mông trời nước, xa hẳn với những vẫn vũ của thế giới ngoài kia như chiến tranh, khủng bố, chết chóc, giá dầu, đánh bom…

Nhưng đi du lịch không phải là lúc nào cũng hào hứng. Hành trình càng dài càng khiến bạn kiệt sức. Sự thay đổi về thời tiết, thức ăn, liên tục di chuyển bằng các phương tiện giao thông khác nhau khiến bạn mệt mỏi. Bên cạnh đó bạn còn phải mang vác hành lý cho mình, quản lý chúng, còn phải thích ứng với sự thay đổi về tiền tệ ở các quốc gia.

Thường thì những thay đổi này diễn ra rất nhanh. Bạn buộc phải thích ứng và chú ý giữ gìn để tránh mọi sự cố có thể. Nói vậy là vì, đến được Armantani thì tôi cũng đã thấm mệt. Cái balo 10kg những ngày đầu còn nhẹ tênh, sau ngày càng nặng, mặc dù các thức ăn dự trữ, tôi đã cố tiêu thụ đi nhiều phần.

Armantani là hòn đảo nằm ở phía Peru của hồ Titicaca. Hòn đảo rộng khoảng 9,3 km2. Do có hai đỉnh núi tự nhiên trên đảo, người dân đã xây dựng hai ngồi đền ở trên hai đỉnh này. Một đên là Pachatata (đền thờ cha của trái đất) và Pachamama (Đền thờ mẹ đất). Một điều sẽ khiến bạn đi ngạc nhiên và thán phục là tất cả các công trình này đều được xếp bằng đá.


Người phụ nữ bản địa bán hàng trên đường lên Pachatata. Ảnh: Nhung Nguyễn.

Người phụ nữ bản địa bán hàng trên đường lên Pachatata. Ảnh: Nhung Nguyễn.

Con đường dẫn lên hai khu đền cũng bằng đá xếp. Hai bên đường, bạn có thể nhìn thấy các khu ruộng trồng lúa mì, quinoa (diêm mạch), khoai tây và rau. Người dân cũng có nhiều loại cây hương liệu, để uống hoặc gội đầu. Đặc biệt, do nước rất hiếm, nên họ sử dụng một loại thảo mộc có tác dụng như xà phòng, gội rất sạch.


Giới thiệu thảo dược gội đầu. Ảnh: Nhung Nguyễn.

Giới thiệu thảo dược gội đầu. Ảnh: Nhung Nguyễn.

Tôi nghiệm ra rằng, con người thực sự giỏi trong việc thích nghi với điều kiện tự nhiên. Tôi tin rằng, những con người đầu tiên tới hòn đảo này cả ngàn năm trước chắc cũng sốc như tôi khi nhìn thấy những gì họ đã làm sau một ngàn năm.

Có thể tưởng tượng một hòn đảo với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, rất nhiều đá. Người ta sẽ phải nghĩ cách để dọn đá đi, nhằm có thể trồng trọt. Đá được xếp gọn lại, rồi dần dần người ta nghĩ ra cách phân chia các khoảng ruộng bằng đá. Vì không có vật liệu xây dựng nào khác nên nhà cũng được xếp bằng đá, tường rào bằng đá.

Và rồi, cộng đồng nào cũng cần tôn giáo, tín ngưỡng. Đá được dùng để xếp thành đền thờ. Và cho tới thời hiện tại, đá trở thành di sản để con cháu nhiều đời sau khai thác từ du lịch.

(còn nữa)

Nhung Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM