Chỉ trong vòng 50 năm, những đảo quốc này sẽ bị nhấn chìm dưới đáy đại dương

03/01/2016 13:14 PM | Sống

Biến đổi khí hậu, đối với nhiều người có vẻ vẫn còn quá xa vời, nhưng với những người dân đảo quốc như Fiji, Tuvalu, Kiribati, Vanuatu và quần đảo Marshall, thì đó lại là một thực tế hiện hữu và ngày càng trở nên đáng lo ngại.

Những năm gần đây, lốc xoáy, hạn hán và vô số những thiên tai khác đã và đang xảy ra tại các quốc đảo thuộc Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác khiến không ít gia đình phải li tán và thiệt hại từ bão lũ lên đến nhiều tỉ đô la.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc được công bố trong Hội nghị Biến đổi Khí hậu tại Paris đầu tháng vừa qua, nếu mực nước biển cứ tiếp tục tăng như tốc độ hiện tại thì chỉ trong vòng một vài thập kỷ tới, những nước kể trên sẽ hoàn toàn nằm dưới lòng đại dương.

“Chúng ta liên tục  bị tấn công bởi nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có trong lịch sử”, ông Christopher de Brum, ngoại trưởng quốc đảo Marshall nói.

Kiritbati, một quốc gia gồm 105.000 dân, nằm ở miền trung Thái Bình Dương, có thể bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước biển trong ít nhất là 50 năm nữa, ông Anote Tong, tổng thống nước này cho biết tại Hội nghị biến đổi khí hậu vừa qua.

Các quốc đảo khác như Fiji và quần đảo Marshall cũng đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ lũ lụt và hạn hán  như nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, mùa màng bị mất trắng và người dân đảo quốc phải di dời đi nơi khác.

Còn tại Vanuatu, 3.300 người cũng đã phải di dời sau khi cơn siêu bão Pam tấn công trực diện vào thủ đô Port Villa của nước này.

Trong cuộc họp với Tổng thống Mỹ Obama, Liên minh các đảo nhỏ đã thể hiện quan điểm và bàn luận về hiệp ước nhằm hạn chế sự nóng lên của toàn cầu. Trong vòng đàm phán tại hội nghị COP21, thoả thuận cuối cùng đã được sự nhất trí của 195 nước là các nước sẽ hết sức nỗ lực để hạn chế sự nóng lên của toàn cầu xuống dưới 1.5 độ (Celsius).

Lo ngại tình huống xấu nhất có thể xảy đến, một số quốc đảo đang xây dựng kế hoạch di dời toàn bộ dân chúng sang các nước khác. Mới đây, quốc đảo Kiribati đã thoả thuận xong việc mua đất tại Fiji - cách Kiribati hơn 2000 dặm – để di dời tất cả người dân đảo quốc khi tình huống tồi tệ nhất xảy ra.

Fiji đang bị nhấn chìm dần bởi biến đổi khí hậu
Fiji đang bị nhấn chìm dần bởi biến đổi khí hậu

Tuy nhiên tình hình tại Fiji cũng không sáng sủa hơn là mấy, nơi nhà cửa ven biển thường xuyên bị ngập úng dưới tác động của thuỷ triều. Hiện tượng xâm thực của nước mặn cũng đang làm tha hoá đất và nước khiến nhiều nơi không thể canh tác được, đặc biệt là mía đường- thứ cây trồng vốn được coi là động lực kinh tế của vùng đất này.

Con người cũng chịu ảnh hưởng và bệnh tật từ biến đổi khí hậu gây ra. Ngành du lịch mũi nhọn của đảo cũng bị đe doạ không kém. Nhiều khu nghỉ dưỡng đã và đang tính đến việc triển khai cấp bách các dự án tôn tạo tốn kém và phức tạp.

Dù vậy, Fiji vẫn được coi là một nơi có địa hình đồi núi thuận lợi và dự kiến sẽ trở thành một trong những trung tâm dành cho những người tị nạn khí hậu tại Thái Bình Dương, cùng với những nước khác như Australia và New Zealand- bà Sarika Chand, Tư vấn viên truyền thông về Môi trường và Phát triển bên vững tại Đại học South Pacific nói.

Ít nhất là một ngôi làng trên đảo Fiji đã phải di dời khoảng 2 dặm vào đất liền và sẽ ngày càng nhiều người dân đổ xô đến thủ đô Suva- điều này chắc chắn sẽ gây ra tình trạng quá tải cho thành phố này.

Quần đảo Marshall cũng đã phải gánh chịu những tác động tương tự

Cách đây 2 năm, các quan chức đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau đợt hạn hán kéo dài bất thường gây ra tình trang khô hạn và thiếu nước sinh hoạt, nước uống tại nơi này. Chưa đầy một năm sau, một đợt triều bất ngờ dâng cao càn quét thủ đô Majuro khiến 600 người phải sơ tán trong hoảng loạn.

Vào tháng bảy, cơn bão Nangka cũng rầm rập đổ bộ vào những mái nhà tại Majuro và để lại một nửa quốc đảo chìm trong bóng tối vì mất điện.

Biến đổi khí hậu thực sự đã và đang trở thành mối nguy hiểm khôn lường không chỉ với những quốc đảo như Fiji hay Marshall mà đối với toàn thể nhân loại trên thế giới. Vì vậy, nếu chúng ta không có những hành động kịp thời và quyết đoán thì không bao lâu nữa, kể cả những miền đất nằm sâu trong lục địa cũng sẽ trở thành hoài niệm.

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM