Chạy bộ ngoài trời hay chạy trên máy sẽ tốt cho sức khỏe hơn?

10/02/2016 22:30 PM | Sống

Hãy cùng nhau phân tích hai hình thức chạy bộ này để có một sự lựa chọn tối ưu khi tập thể dục nhé.

Thời điểm năm mới là lúc mọi người đặt ra những mục tiêu của bản thân, một trong những mục tiêu được nhiều người chọn nhất chính là giảm cân. Khi nói đến giảm cân, phương pháp đơn giản, tiện lợi và ít tốn kém nhất đó là chạy bộ. Ngoài việc giúp giảm cân, nó còn khiến cơ thể khoẻ mạnh và cơ bắp săn chắc, đồng thời hệ thống tim mạch cũng sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, sẽ có hai luồng ý kiến khác nhau khi nói đến việc chạy bộ: chạy ngoài trời và chạy trong phòng tập bằng máy. Hai phương pháp này đều có ưu và nhược điểm riêng, Phương pháp nào sẽ là tối ưu hơn đối với chúng ta? Bài viết này sẽ phân tích sự khác nhau giữa hai hình thức luyện tập này.

Đốt cháy năng lượng

Hình thức chạy bộ nào sẽ đốt nhiều năng lượng hơn? Những người ủng hộ việc chạy bộ ngoài trời đều cho rằng họ sử dụng nhiều năng lượng hơn vì phải chịu sức cản của gió, điều không thể có được khi chạy bằng máy. Nhưng những người hay chạy bằng máy cho rằng việc này không hoàn toàn đúng. Một cuộc thử nghiệm của giáo sư Andrew Jones từ trường Đại học Exeter (Anh) cho thấy những người chạy trên máy có thể đạt mức đốt cháy năng lượng tương được với hình thức chạy bộ ngoài trời bằng cách tăng độ dốc của máy lên 1% trên cùng một quãng đường.

Tốc độ

Khi chạy trên máy, tốc độ chạy thường sẽ chậm hơn người ta nghĩ. Hay nói cách khác, những người chạy bằng máy thường chạy với tối độ chậm hơn nếu họ chạy ngoài trời. Một nghiên cứu được tiến hành tại Singapore đã chứng mình điều này là do khi chạy bộ bằng máy, người chạy sẽ không thấy cảnh vật xung quanh thay đổi để cảm nhận được vận tốc thực sự của mình. Thế nên, thường thì chạy bộ ngoài trời chúng ta sẽ chạy nhanh hơn, đồng thời sử dụng nhiều sức hơn.

Sự an toàn

Tất nhiên trong phòng tập, chúng ta sẽ ít bị tai nạn từ tác nhân bên ngoài như cành cây rơi trúng đầu, trượt vỏ chuối, v.v... Nhưng ngoài việc đó ra, loại hình chạy bộ nào sẽ an toàn hơn nếu xét về khía cạnh cách thức tập luyện?

Khi chạy bằng máy, chúng ta như con chuột thí nghiệm trên bánh xe: làm một việc lặp đi lặp lại liên tục không ngừng. Mỗi 1,6 km chạy bằng máy, chân chúng ta sẽ tiếp đất khoảng 1000 lần. Việc này có thể gây những chấn thương/thoái hoá khớp gối hoặc dây chằng nếu cứ chạy cùng một vận tốc trên quãng đường dài. Để phòng tránh điều này, chúng ta không nên chạy với một tốc độ duy nhất, mà hãy điều chỉnh tốc độ cao thấp một cách liên tục, đồng thời điều chỉnh độ dốc nếu máy chạy bộ có tính năng này.

Với hình thức chạy bộ ngoài trời, tốc độ chạy của chúng ta sẽ thay đổi theo những bước chân chạm đất. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được vận tốc đều nhau như chạy bằng máy. Hơn nữa, bề mặt chạy cũng sẽ rất khác nhau, ví dụ như đường đất, đường nhựa, đường sỏi, v.v... Các nghiên cứu cho thấy sự thay đổi về tốc độ và bề mặt chạy sẽ khiến dây chằng và các nhóm cơ khác nhau khoẻ mạnh, đồng thời cơ thể sẽ có khả năng giữ thăng bằng tốt hơn.

Tuy nhiên, ngã trên máy chạy bộ có lẽ đỡ đau hơn nhiều so với ngã trên đường nhựa. Hãy cẩn thận hơn khi chạy bộ ngoài trời.

Niềm vui

Có một sự thật hiển nhiên là nếu chạy bộ ngoài trời chúng ta sẽ được tiếp xúc với cảnh vật thiên nhiên, cây cối, hoa lá, còn người nhiều hơn. Các nhà khoa học đã chứng mình rằng nếu chạy bộ ngoài trời, đặc biệt là trong những rừng cây, sẽ khiến chúng ta cảm thấy tích cực, giảm căng thẳng và trầm cảm, đồng thời giúp gia tăng năng lượng trong cơ thể. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy những người tập thể dục ngoài trời khẳng định họ thích loại hình này hơn là tập trong phòng gym và họ rất cỏ thể sẽ duy trì việc tập luyện ngoài trời.

Một lợi ích chỉ có được khi tập ngoài trời chính là nguồn ánh sáng Mặt Trời sẽ giúp cơ thể chúng ta sản sinh ra vitamin D.

Kết

Có vẻ như chạy bộ ngoài trời có lợi ích vượt trội hơn so với chạy bộ bằng máy. Tuy nhiên hãy lựa chọn một hình thức phù hợp nhất với nhu cầu và thời gian của bản thân. Nếu chọn chạy bộ bằng máy thì hãy nhớ liên tục thay đổi tốc độ và độ dốc để bảo vệ các khớp gối nhé!

Theo Tâm Phan

Cùng chuyên mục
XEM