Béo phì đe họa kìm hãm tăng trưởng kinh tế

21/01/2013 20:00 PM | Sống


2/3 người Mỹ đang thừa cân hoặc bị béo phì. Số người béo phì tại các nước đang phát triển cũng đang tăng tốc để bắt kịp Mỹ. Chẳng hạn tại Trung Quốc, gần 30% người lớn bị thừa cân/béo phì. Trong khi đó, xấp xỉ 30% người lớn tại Mexico đã bị béo phì. Một người bị xem là thừa cân khi chỉ số cơ thể BMI từ 25 trở lên (ít nhất nặng 77kg đối với môt người cao 1,75m). Còn béo phì là khi chỉ số cơ thể BMI ít nhất từ 30 trở lên.

Béo phì, vốn là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ về bệnh tim ngạch, gan, tiểu đường… một số loại ung thư, đang trở thành gánh nặng cho hệ thống chăm sóc y tế và ngân sách chính phủ các nước. Tại Mỹ, chi phí y tế cho các bệnh liên quan đến béo phì đã lên tới 190 tỉ USD mỗi năm, chiếm tới 1/5 tổng mức chi tiêu dịch vụ y tế của nước này, theo Viện Y học (Mỹ). Đây là một con số rất khủng.

Tại các nước đang phát triển, béo phì đang đe dọa kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế khi người lao động làm việc kém hiệu quả hơn và gây sức ép tài chính lớn lên hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, nhất là trong bối cảnh nguồn thu ngân sách đang eo hẹp do kinh tế khó khăn.

Vậy lượng người béo phì tăng nhanh là do đâu? Và giải quyết bằng cách nào? Người ta bị thừa cân đơn giản là vì lượng calorie mà họ tiêu thụ cao hơn nhiều so với lượng calorie mà họ đốt cháy. Nhưng khổ nỗi lựa chọn ăn uống thế nào là tùy mỗi cá nhân. Không ai có thể ép họ phải chạy bộ tập thể dục trong khi lúc này họ đang muốn xơi một cái bánh hamburger béo ngậy.

Trong khi đó, thế giới xung quanh cũng đầy rẫy cám dỗ. Các cửa hàng thức ăn nhanh hay nước ngọt thì tràn lan với giá cả hợp túi tiền và trên hết là chúng tạo cảm giác ngon miệng, đã khát. Xu hướng ăn uống nhiều calorie càng được cổ vũ khi các doanh nghiệp đã bỏ ra hàng tỉ USD để quảng bá cho sản phẩm của mình. Tại Mỹ, các loại thức uống có đường chiếm tới gần 50% mức tăng về calorie từ năm 1977-2001. Tại các trường học, cha mẹ cũng không thể kiểm soát thực đơn của con cái vì họ đâu có thời gian để chuẩn bị cơm trưa cho con.

Nếu không kiểm soát được loại thức ăn cho vào miệng thì chúng ta phải kiểm soát “đầu ra”, tức đảm bảo vận động nhiều để tiêu hao lượng calorie khổng lồ nạp vào cơ thể mỗi ngày. Thế nhưng thế giới càng hiện đại, con người càng ít vận động. Các công việc ngày nay đều không còn đòi hỏi nhiều sức lực như trước. Nhu cầu đi bộ hay xe đạp thì cũng ít hơn vì đã có xe máy và ôtô…

Bài toán cân bằng giữa lượng calorie tiêu thụ vào cơ thể và lượng calorie cần đốt cháy để tránh béo phì là vấn đề nan giải đối với các nhà làm chính sách. Một giải pháp là phạt những người bị thừa cân. Nhật là nước đã đặt ra giới hạn cụ thể đối với vòng eo của người dân. Nếu người lao động không giảm cân thì các chủ doanh nghiệp, những người thuê họ làm việc, sẽ bị phạt. Hoặc thậm chí là hạn chế môt số loại thức ăn thức uống có nhiều calorie nhưng ít giá trị dinh dưỡng. Chẳng hạn, thị trưởng Michael Bloomberg của New York (Mỹ) đã ban hành lệnh cấm bán các chai soda kích cỡ lớn và luật này sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 3.2013.

Nhưng đôi khi thừa cân, béo phì là chuyện ngoài ý muốn. Có những người béo là do bị thay đổi hóc-môn hoặc vì một số lý do khác, trong đó có lý do liên quan đến tuổi thơ và công việc của họ. Rõ ràng, đối với những trường hợp này, béo không phải lỗi tại họ.

Một giải pháp khả dĩ hơn giải quyết tình trạng béo gia tăng là đưa ra lựa chọn cho người dân để họ chọn giữa việc ăn súp lơ xanh, một loại rau chứa nhiều vitamin, giúp phòng tránh chứng béo phì, với đồ ăn nhiều chất béo. Nói rõ ràng hơn là các nhà làm chính sách không thể bắt người dân phải ăn súp lơ xanh (và các loại rau khác), nhưng họ có thể thực hiện chính sách trợ giá để khiến cho súp lơ xanh trở nên rẻ hơn. Họ cũng có thể đảm bảo chế độ ăn ít chất béo ở các trường học, đồng thời đảm bảo trẻ em có thời gian chạy nhảy, vận động dể tiêu tốn bớt calorie, chứ không phải là nhồi nhét lịch học dày đặc “không kịp thở” cho học sinh.

Ngoài ra, các nhà làm chính sách có thể đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể về một chế độ ăn khoa học để người tiêu dùng có thể làm căn cứ để đi chợ một cách thông minh, lựa chọn những thức ăn dinh dưỡng cho gia đình mình. Họ cũng có thể thực hiện đánh thuế đối với nước uống soda chẳng hạn, một nguyên nhân gây ra chứng béo phì.

Một vấn đề quan trọng hơn hết là liệu chính phủ có thể buộc các doanh nghiệp sản xuất thức ăn dinh dưỡng hơn. Cách đây 3 năm, PepsiCo đã tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh lượng chất béo, đưòng, muối trong các sản phẩm của mình. Hồi cuối năm ngoái, hãng nước giải khát này đã tung ra nước ngọt chống béo Pepsi Special dành cho thị trường Nhật. Sản phẩm này, theo Suntory, nhà phân phối của PepsiCo tại Nhật, có chứa chất dextrin có thể giúp hạn chế việc hấp thụ chất béo. Pepsi Special chưa có mặt tại Mỹ.

Không chỉ PepsiCo, nhiều doanh nghiệp khác của Mỹ như Kraft Foods cũng bị áp lực trước chính phủ và người tiêu dùng Mỹ. Năm 2010, các doanh nghiệp Mỹ đã cam kết cắt giảm 1.500 calorie trong thức ăn thức uống tại Mỹ trong vòng 5 năm. Báo cáo đầu tiên về kết quả thực hiện lời cam kết này sẽ được tung ra trong năm nay.  

Theo Nhịp cầu đầu tư/Economist

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM