70 năm sự kiện Hiroshima: ‘Đứng lên từ cái chết’

09/08/2015 09:32 AM | Sống

Hiroshima dường như đã đứng lên từ cõi chết. Con người nơi đây đang đưa thành phố trở lại với bản đồ thế giới”.

Ngày 6-8 vừa qua, Nhật Bản đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Mỹ ném bom hạt nhân vào TP Hiroshima. Thị trưởng TP, ông Kazumi Matsui, lại một lần nữa kêu gọi Tổng thống Mỹ Obama và các nhà lãnh đạo thế giới tăng cường nỗ lực xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Hai quả bom lịch sử nhân loại

Sau cuộc chiến đẫm máu nhằm chiếm lấy quần đảo Okinawa làm hơn 12.000 quân nhân Mỹ và gần 200.000 người Nhật thiệt mạng, Tổng thống Truman đã lựa chọn phương án ném bom hạt nhân thay vì tiến hành các cuộc tấn công đổ bộ vào lãnh thổ Nhật Bản.

Những con số thống kê về số người chết do hai quả bom hạt nhân đến ngày nay vẫn không thống nhất và còn mang tính ước đoán. Quả bom hạt nhân đầu tiên, Little Boy, thả tại TP Hiroshima đã giết chết gần 140.000 người, trong đó có những người chết vì chấn thương và bệnh tật liên quan đến bức xạ. Gần 90.000 người tại Hiroshima thiệt mạng ngay lập tức.

Trong số này, có khoảng 2.000 người Mỹ gốc Nhật và từ 800 đến 1.000 người Mỹ khác mang hậu quả của vụ nổ. Họ là những công dân Mỹ đang theo học ở Nhật và không thể rời khỏi Nhật khi chiến tranh nổ ra. Có thể có cả hàng trăm tù binh phe Đồng Minh chết trong lần ném bom này.

Quả bom Little Boy được thả bởi máy bay ném bom B-29 mang tên Enola Gay, của phi đoàn 509, cơ trưởng-Đại tá Paul Tibbets, xuất phát từ North Field - căn cứ không quân trên đảo Tinian ở tây Thái Bình Dương, cách Nhật khoảng sáu giờ bay. Quả bom nổ cách mặt đất khoảng 600 m với đương lượng nổ 13 kiloton. Bán kính bị tàn phá là 1,6 km và cháy trên diện tích 4,4 km2. Theo tạp chí Time, quả bom này đã phá hủy gần 90% TP Hiroshima.

Quả bom hạt nhân thứ hai mà Mỹ thả tại TP Nagasaki, Fat Man, cũng giết chết từ 50.000 đến 100.000 người. Trước con số thương vong khủng khiếp này, chính quyền của Nhật Hoàng Hirohito đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt Thế chiến thứ hai trên mặt trận châu Á-Thái Bình Dương. Sau vụ nổ, hiện tượng “mưa đen” mang theo các thành tố phóng xạ đã khiến một bộ phận rất lớn những người may mắn sống sót sau vụ nổ nhiễm các bệnh liên quan đến phóng xạ và ung thư, gây nên những cái chết và đột biến sinh học đau đớn mãi về sau.

Theo tạp chí Time, trong năm 2014 vừa qua, đã có thêm 5.359 nạn nhân sống sót sau vụ nổ (người Nhật gọi là các Hibakusha) tại Hiroshima qua đời, nâng tổng số người chết có liên quan đến sự kiện Hiroshima lên gần 297.684 người.

Quang cảnh hoang tàn của Hiroshima một tháng sau vụ ném bom.

Nơi quả bom tàn phá TP chính là “tâm điểm của hòa bình thế giới”

Lễ kỷ niệm hai năm sau sự kiện Hiroshima bị ném bom hạt nhân, người ta cứ ngỡ những đau thương và mất mát kinh hoàng sẽ còn ám ảnh con người hai TP Hiroshima và Nagasaki trong một thời gian rất dài, rằng người Nhật sẽ vẫn than khóc trước những tang thương vẫn còn quá mới.

Nhưng trái lại với mọi cái nhìn bi quan, ngày 6-8-1947, chính những con người của TP Hiroshima đã cùng nhau công bố thông điệp về hy vọng và sự đoàn kết cho nhân loại, khẳng định tâm điểm nơi quả bom phát nổ và tàn phá TP cũng chính là “tâm điểm của hòa bình thế giới”.

Trong lễ kỷ niệm đó, Hiroshima đã khẳng định mình là một “thánh địa Mecca” của hòa bình thế giới. Người tham dự buổi lễ kỷ niệm lịch sử đó, phóng viên ảnh Cary Mydans của tạp chí Life nổi tiếng, đã ghi lại: “Họ trồng một cây long não, biểu trưng cho sự trường thọ và họ cầu nguyện. Nhưng họ cũng tổ chức diễu hành qua những cung đường, lắng nghe các bài diễn thuyết và họ có được những niềm vui. Hiroshima dường như đã đứng lên từ cõi chết. Con người nơi đây đang đưa TP trở lại với bản đồ thế giới. Họ đưa ra khẩu hiệu: Hãy nhìn chúng tôi và vượt qua chiến tranh”.

Chỉ hai năm sau khi Mỹ ném trái bom, dân số của TP đã hồi phục với tốc độ đáng khâm phục. Trong số 60.000 căn nhà bị hủy diệt trong thảm kịch bom hạt nhân, có 23.000 căn nhà đã được xây lại với đa số có phong cách kiến trúc của Mỹ, đại diện cho làn sóng văn hóa phương Tây đang dần phổ biến tại Nhật.

70 năm sau, với sức sống mãnh liệt của người dân Hiroshima, nền kinh tế Hiroshima phát triển mạnh với nhiều loại hình doanh nghiệp, các ngành công nghiệp hiện đại đã giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Hiroshima còn trở thành một điểm du lịch lịch sử nổi tiếng thế giới.

Rất nhiều khách du lịch chọn Hiroshima để tìm hiểu, chia sẻ những mất mát mà người dân nơi đây đã phải hứng chịu, cũng như tận mắt chứng kiến tinh thần vươn lên không ngừng của người Nhật.

“Bảo tồn” ký ức vì hòa bình

Vào cái ngày kinh hoàng khi quả bom Little Boy thắp sáng rực cả bầu trời TP Hiroshima, lấy đi sinh mạng hàng trăm ngàn người, ông Hiromi Hasai vẫn chỉ mới 14 tuổi. Ông may mắn thoát chết nhờ bị chính quyền động viên rời trường và tham gia lao động tại một xưởng chế đạn cách nơi đánh bom hơn 16 cây số. Hàng trăm người bạn cùng trường của ông đã không có cùng may mắn đó.

Nay đã 84 tuổi, ông Hasai vẫn thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện đại chúng, chia sẻ cho mọi người những ký ức của ông về ngày kinh hoàng đó, cũng như về TP Hiroshima những tháng ngày sau vụ việc. Theo tạp chí Time, những nạn nhân sống sót sau vụ nổ hạt nhân tại Hiroshima đang cố gắng truyền lại những câu chuyện của họ cho con cháu và các thế hệ sau, với một tâm thế người thực hiện một sứ mệnh vô cùng cấp bách và quan trọng.

Giáo sư sử học Hidemichi Kawanishi, ĐH Hiroshima, nhận định: “Ngay cả tại TP này, ký ức cũng đang dần phai nhạt”. Theo một khảo sát mới đây của kênh truyền hình NHK (Nhật Bản), có gần 30% người dân TP Hiroshima giờ đây không thể nói chính xác ngày mà quả bom Little Boy phát nổ. Con số này đối với khảo sát quy mô toàn Nhật Bản lên đến 70%.

Nhưng ông Hasai không hề đơn độc. Bên cạnh các thước phim tư liệu và tài liệu sách báo về ký ức vụ ném bom, chính quyền TP Hiroshima hiện nay đã tiến hành xây dựng mô hình những “Denshosha”. Họ là những người tình nguyện viên gắn bó, lắng nghe, “lưu giữ” và truyền tải ký ức của những người sống sót trong vụ ném bom năm 1945.

Cô Kinoshita, tình nguyện viên gắn bó cùng ông Hasai hơn 20 năm qua, giờ đây có thể kể chính xác cách mà ông Hasai và các cộng sự nhà máy đã giúp đỡ những “người ma” từ trong trung tâm TP đổ ra ngoại ô - những nạn nhân với những vết bỏng kinh hoàng đến mức da thịt dễ dàng rã ra chỉ với một cái chạm nhẹ. Cô còn có thể kể lại chặng đường ông Hasai quay về thị trấn đổ nát của mình, đi qua những con đường ngổn ngang xác chết để tìm lại mẹ và em gái của ông. “Tôi không những cố ghi lại cuộc sống của ông mà cả cách ông suy nghĩ, rõ ràng hết mức có thể”.

Theo GS Kawanishi, đây chỉ mới là mô hình thử nghiệm chờ tiếp tục được nhân rộng. Tờ The New York Times cho biết hiện nhóm các Denshosha tại TP đang có khoảng 50 thành viên, được tài trợ bởi bảo tàng TP. Họ mang theo sứ mệnh tiếp tục truyền tải những ký ức về sự kinh hoàng của chiến tranh và khát vọng về hòa bình cho các thế hệ mai sau, một khi những tiền nhân của họ đã quá già yếu.

Theo Thiên Anh

Cùng chuyên mục
XEM