Liệu sự phát triển của công nghệ có đặt dấu chấm hết cho những cuốn sách giáo khoa truyền thống?

21/07/2017 15:32 PM | Xã hội

Những tiến bộ công nghệ và sự gia tăng của các phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ đã đẩy nhanh quá trình rời xa khỏi sách giáo khoa.

Trong nhiều thập kỷ, sách giáo khoa được xem là nền tảng cho việc giảng dạy trong các trường học. Những bộ sách này là nền tảng của hệ thống giáo dục, được phân chia thành các môn học cụ thể và được mang trong những chiếc cặp sách của học sinh mỗi ngày tới trường.

Trải nghiệm của học sinh ngày nay khác trước rất nhiều. Những tiến bộ công nghệ và sự gia tăng của các phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ đã đẩy nhanh quá trình rời xa khỏi sách giáo khoa.

Liệu sự phát triển của công nghệ có đặt dấu chấm hết cho những cuốn sách giáo khoa truyền thống? Những chuẩn mực và sự ‘suy tàn’ của sách giáo khoa

Vào năm 1983, Ủy ban đảm bảo Chất lượng Giáo dục Quốc gia của Tổng thống Ronald Reagan đã công bố báo cáo “Một quốc gia lâm nguy” nhằm nhấn mạnh chất lượng trường học và trách nhiệm giải trình đối với thành tích của học sinh.

Đến giữa năm 1990s, phong trào tiêu chuẩn học thuật đã được đẩy mạnh, được thúc đẩy bởi “Những mục tiêu 2000” trong Đạo luật giáo dục của Mỹ năm 1994. Để hưởng ứng, những tiểu bang và các cộng đồng địa phương đã soạn thảo các nguyên tắc chỉ đạo chỉ rõ học sinh nên biết những gì ở mỗi cấp lớp.

Với những quy tắc này, các giáo viên và các nhà hoạch định chính sách bắt đầu đặt câu hỏi về sự phụ thuộc của giáo viên vào sách giáo khoa. Các tổ chức giáo dục đã sát hạch những cuốn sách giáo khoa không chỉ về tính chính xác và chất lượng của chúng mà còn về tính liên kết của chúng với chuẩn giáo dục.

Thành công của mỗi học sinh từng được đánh dấu bởi việc vượt qua các bài kiểm tra cuối chương của bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào mà mỗi trường sử dụng. Nhưng bây giờ, thành công này lại được đánh giá bằng mức độ mục tiêu học tập chuẩn được đặt ra cho mỗi cấp lớp mà học sinh đạt được.

Nếu trước đây những cuốn sách giáo khoa khác nhau có thể tạo ra mức độ hiểu biết và kiến thức khác nhau cho học sinh, thì các tiêu chuẩn mới này lại giống nhau trên khắp cả nước.

Những lợi ích của nội dung số

Liệu sự phát triển của công nghệ có đặt dấu chấm hết cho những cuốn sách giáo khoa truyền thống? - Ảnh 1.

Với sự phổ biến của mạng Internet và sự gia tăng của nội dung trực tuyến, giáo viên có đã tìm thấy những nguồn mới để hỗ trợ quá trình học tập của học sinh.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ học sinh - máy tính ở hầu hết các trường ở Mỹ là 5:1 (5 học sinh/máy tính) và hầu hết các giáo viên có quyền truy cập vào ít nhất một máy tính trong lớp học. Các chương trình sử dụng máy tính xách tay 1 vs 1 cung cấp cho mỗi học sinh một thiết bị máy tính đã lan rộng ra nhiều bang.

Để hỗ trợ những sáng kiến này, các trường học có thể truy cập nhiều nội dung miễn phí và chất lượng cao được thiết kế đặc biệt cho chương trình học K12. Hầu hết các nhà xuất bản sách giáo khoa đã cho ra mắt các nền tảng kỹ thuật số. Trên thực tế, một số đã chuyển nhận diện cốt lõi của họ từ các nhà xuất bản sách giáo khoa truyền thống sang các công ty giảng dạy khoa học hoặc các công ty giáo dục kỹ thuật số.

Phần lớn nội dung được kỹ thuật số hóa này đã làm mờ đi định nghĩa của một “cuốn sách” truyền thống. Các bài học trực tuyến có thể trình bày thông tin thông qua các tính năng luôn thay đổi và có tính tương tác như mô phỏng và videos. Các sách giáo khoa điện tử có thể cung cấp các tính năng hỗ trợ mà không có trong các sách giáo khoa in: học sinh có thể đánh dấu văn bản, tìm kiếm nội dung, thay đổi cỡ chữ hoặc sử dụng chức năng chuyển văn bản thành giọng nói.

Các giáo viên cũng tìm kiếm những nội dung bên ngoài K-12 để hỗ trợ các bài giảng của họ. Các nội dung miễn phí có sẵn trên Internet (bao gồm các bộ sưu tập điện tử của Smithsonian, Thư viện Quốc hội và NASA) đã tạo ra những cơ hội mới cho việc dạy và học.

Những giáo viên cũng có thể khiến lớp học trở nên sôi nổi hơn, chính xác hơn và dễ điều chỉnh hơn để đáp ứng nhu cầu học tập cá nhân của từng học sinh.

Những thách thức trong thế giới số

Liệu sự phát triển của công nghệ có đặt dấu chấm hết cho những cuốn sách giáo khoa truyền thống? - Ảnh 2.

Các trường học ở Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức mới do nội dung số mang lại.

Những cuốn sách giáo khoa tương đối dễ sử dụng. Trong khi đó, các nguồn dữ liệu số đòi hỏi các chuyên môn về công nghệ - của giáo viên hoặc một chuyên gia trong nhà trường – để vận hành tốt. Thêm vào đó, niềm tin của giáo viên vào tích hợp công nghệ vào giảng dạy là một rào cản đối việc áp dụng nội dung số vào trong lớp học.

Ngoài ra, chi phí cũng là một vấn đề. Các trường học được trang bị đầy đủ thì sẽ nhiệt tình phân bố lại ngân sách dành cho sách giáo khoa để mua các tài liệu số và thiết bị công nghệ hiện đại này. Tuy nhiên, rất nhiều trường học phải vật lộn trang trải chi phí chuyển đổi. Tương tự, một số trường học, đặc biệt những trường ở nông thôn, khó tiếp cận dịch vụ Internet không dây hoặc tốc độ cao cần thiết cho việc học tập kỹ thuật số: Năm 2016, 39% khu vực nông thôn không có Internet băng thông rộng.

Cơ sở hạ tầng và kiến thức về công nghệ không phải là những trở ngại duy nhất. Tài nguyên giáo dục số cũng khác nhau về chất lương và lựa chọn đúng nội dung có thể là một thách thức lớn cho các trường học.

Điều đó có nghĩa là khả năng đánh giá và lựa chọn nội dung số của giáo viên trở thành một yêu cầu quan trọng đối với học tập kỹ thuật số. Giáo viên cần có khả năng tìm nguồn thông tin phù hợp cho những bài giảng của mình và đảm bảo rằng chúng có chất lượng cao, phù hợp với các tiêu chuẩn và tương thích với các thiết bị hiện có. Nếu không có những kỹ năng này, giáo viên sẽ vất vả trong việc tích hợp công nghệ và nội dung số vào phương pháp giảng dạy của mình.

Trong khi những nguồn tài liệu tồn tại, không nhiều giáo viên có thể tận dụng được chúng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng đa số giáo viên đánh giá thấp bản thân khi được hỏi về trình độ và kỹ năng của họ trong việc đánh giá nội dung số.

Tương lai nào cho sách giáo khoa truyền thống?

Liệu sự phát triển của công nghệ có đặt dấu chấm hết cho những cuốn sách giáo khoa truyền thống? - Ảnh 3.

Vậy chúng ta có cần sách giáo khoa nữa không? Câu trả lời là có. Nhưng thành phần cũng như vai trò của sách giáo khoa đang thay đổi. Chúng đang được kỹ thuật số hóa hơn, cởi mở hơn, giá cả phải chăng hơn, dễ dàng thay đổi hơn, mang tính tương tác cao hơn và được cập nhật thường xuyên hơn.

Các trường học đang mua sách giáo khoa ít hơn và thường chỉ sử dụng chúng như những tài liệu tham khảo trong lớp học hoặc tài liệu thư viện hoặc để dạy các chủ đề đặc biệt. Nhiều trường học đang chuyển ngân quỹ từ sách giáo khoa sang mua sắm các thiết bị và nội dung số, nhưng những thay đổi này diễn ra từ từ và thay thế các cuốn sách in bằng nội dung số dựa trên kế hoạch thay đổi chương trình giảng dạy kéo dài từ 3 – 5 năm.

Trong khi đó, các công cụ và nguồn lực công nghệ ngày càng phổ biến đã thay đổi cách thức học tập. Quá trình chuyển đổi từ in ấn sang kỹ thuật số đã cho phép học sinh và giáo viên tiếp cận với nội dung số có chất lượng tốt hơn và số lượng lớn hơn sách giáo khoa truyền thống. Những tiến bộ này sẽ đem lại nhiều cách thức học tập hấp dẫn và thu hút đối với học sinh (và giáo viên).

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM