Liệu stress có thực sự là kẻ thù của tâm hồn? Việc gì cũng có hai mặt, tốt hay xấu còn tùy thuộc vào mỗi người

11/11/2019 09:13 AM | Sống

Stress không hẳn là xấu, việc khiến nó trở thành một viên thuốc bổ hay là liều thuốc độc cho chính mình lại tùy thuộc vào bản thân của mỗi người.

Dạo gần đây, từ vụ việc một người nổi tiếng trẻ tuổi tự vẫn vì trầm cảm đã khuấy lên sự quan tâm rất lớn của xã hội về sức khỏe tinh thần. 

Sức khỏe tinh thần là một yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống cũng như cơ thể của chúng ta, nhưng lại chẳng mấy ai quan tâm. Nhất là trong thời đại 4.0, khi mà cuộc sống thay đổi không ngừng nghỉ, mọi thứ đều vội vã và bận rộn, con người bị cuốn vào một vòng xoáy liên hồi mà không hề nhận ra mình đã bị lún khá sâu, có một khái niệm mà chúng ta nghe đề cập tới hàng ngày đó là stress. Lý do bị stress thì vô vàn, từ những chuyện lớn lao như công việc, sự nghiệp, tới những chuyện hàng ngày như kẹt đường, tắc nước…

Stress nôm na là một phản ứng của cơ thể trước bất cứ một yêu cầu, áp lực hay một yếu tố tác động nào đe dọa đến sự tồn tại lành mạnh của con người cả về thể chất lẫn tinh thần. Người ta hay nói chung chung là stress mà không biết rằng stress cũng có rất nhiều loại và tác động tới chúng ta cũng khác nhau.

Các loại stress

1. Stress cấp tính

Kiểu stress này mang tính nhất thời và khá thường gặp trong cuộc sống. Ví dụ như ngày nào cũng kẹt xe ở những nút thắt giao thông giờ tan tầm, khi mà ai cũng đã khá mệt mỏi sau một ngày làm việc; tháng này đột nhiên có quá nhiều chi phí phát sinh, hôm nay bạn có buổi phỏng vấn hay đang cố hòa nhập với môi trường mới, hoặc lý do bé tẹo như đang vội mà bàn ủi bị hỏng… 

Vô vàn những yếu tố có thể gây stress cấp tính liên tục ập đến trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Với dạng stress cấp tính, bạn có thể dễ mắc sai lầm, dễ nổi nóng, nhưng đổi lại nó giúp kích thích não bộ và cải thiện tình hình sức khỏe của bản thân vì việc có quá ít áp lực sẽ khiến cuộc sống trở nên nhàm chán, thậm chí dẫn đến trầm cảm.

Liệu stress có thực sự là kẻ thù của tâm hồn? Việc gì cũng có hai mặt, tốt hay xấu còn tùy thuộc vào mỗi người - Ảnh 1.

2. Stress cấp tính theo giai đoạn

Khi tình trạng stress diễn ra thường xuyên, chúng sẽ chuyển thành stress cấp tính theo giai đoạn. Cảm xúc tiêu cực kéo dài và gây tác động xấu đến cả thể chất và tinh thần của bạn như: gây đau đầu, mệt mỏi, và khiến hệ miễn dịch yếu đi. Đó là lý do tại sao bạn cần sớm cải thiện lối sống của mình sao cho lành mạnh hơn, đồng thời tích cực rèn luyện để mọi thứ trở nên dễ dàng.

3. Stress mãn tính

"Mãn tính" có nghĩa là kéo dài, "stress mãn tính" nghĩa là stress đã bám rễ trong bạn quá lâu, những suy nghĩ tiêu cực không được giải tỏa cứ mãi ở đó và phá hủy bạn. Những tác hại xấu có thể gây ra cho cơ thể như: ung thư, bệnh tim, béo phì, xáo trộn nồng độ hormone trong cơ thể, khiến trí nhớ ngày càng tồi tệ hơn…

Tác nhân gây stress mãn tính cũng rất đa dạng: có thể do hôn nhân không hạnh phúc, khó khăn tài chính trong thời gian dài. Đôi khi, nguyên nhân gây stress mãn tính lại là do tuổi thơ quá khắc nghiệt: đói nghèo, bị bạo hành...

Nếu tình trạng đã ở mức độ này thì đi gặp bác sĩ tâm lí là một lời khuyên chân thành và thiết thực nhất; bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng một số phương pháp làm tăng cường sức khỏe tinh thần ví dụ như thiền định. Vì mãn tính có nghĩa là cơ thể bạn, tâm hồn bạn đã không thể tự chữa lành nữa, và nếu tình trạng càng kéo dài lâu thì càng khó điều trị.

Liệu stress có thực sự là kẻ thù của tâm hồn? Việc gì cũng có hai mặt, tốt hay xấu còn tùy thuộc vào mỗi người - Ảnh 2.

Người ta chỉ hay đề cập đến những mặt tiêu cực của stress mà quên rằng stress cũng có mặt tích cực của mình. Sau đây là 3 loại hiệu ứng của stress đến cơ thể bao gồm cả tích cực và tiêu cực.

- Hiệu ứng tích cực: Đây là lợi ích lớn nhất mà stress mang lại và cũng là điều chúng ta hay gặp trong quá trình trưởng thành, định hình bản ngã của mỗi cá nhân. Là khi ta có những mục tiêu muốn vươn tới, những hoài bão muốn thực hiện. Nó liên tục thúc đẩy chúng ta thành một bản thể tốt nhất của mình. Là khi nhịp tim tăng lên, hormone cũng tiết ra nhiều hơn một chút, giúp chúng ta tập trung hơn.

- Hiệu ứng chịu đựng: Hiệu ứng này mang tính chất là bạn phải trải qua nó, chịu đựng nó và phải gặp nhiều khó khăn để vượt qua. Vậy nên việc cần bao nhiêu thời gian để bạn có thể vượt qua stress thì là tùy ở bạn.

- Hiệu ứng độc hại: Là khi stress gây độc hại cho cơ thể, tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Có lẽ đây là điều mà không ai mong muốn, cũng là tác động tiêu cực mà stress mang lại.

Thực ra trong cuộc sống, ai mà không có stress, chỉ là cách bạn đối mặt với nó, cách bạn để nó ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của mình mà thôi. Biến stress thành động lực hay để nó tạo một hố đen sâu thẳm trong tâm hồn bạn tất cả đều tùy thuộc vào ý chí và khả năng của mỗi người.

Bảo Trân

Cùng chuyên mục
XEM