Liệu Snapchat có chịu kiếp "tự hủy" sau màn IPO sắp tới?

11/02/2017 09:36 AM | Kinh doanh

Tăng trưởng chậm, lỗ lớn cũng như việc các cổ đông chẳng có tiếng nói gì trong các quyết định có thể khiến phiên IPO của Snap Inc. trở thành một ván cược rủi ro cho các nhà đầu tư. Những thứ đáng giá nhất mà công ty này đang sở hữu chính là những người dùng nghiện Snapchat, mức tăng trưởng doanh thu cao và một vị CEO có tầm nhìn.

Snap đang dần tự khẳng định mình là một công ty camera với không chỉ một ứng dụng duy nhất, cho dù hiện tại hầu hết doanh thu vẫn đang phụ thuộc vào Snapchat. Đây vẫn chỉ là một sản phẩm hot trong giới thanh thiếu niên tại Mỹ. Ngoài thị trường quê nhà và Châu Âu, công ty không cho thấy tăng trưởng đáng kể nào về lượng người dùng.

Xét kỹ ra thì Snap vẫn có nhiều tiềm năng ngay cả khi không thể đạt đến ngưỡng 1 tỷ người dùng hàng ngày. Cũng như Facebook, màn IPO của Snap có vẻ như diễn ra hơi quá sớm, và công ty cần thêm thời gian để tạo ra lợi nhuận.

Những khó khăn về tài chính hiện nay của công ty lại cho thấy nhiều điểm tương đồng với Twitter – mạng xã hội đang nhanh chóng làm mất dần lòng tin từ phía các nhà đầu tư sau một thời gian dài tăng trưởng chậm, chịu lỗ cao. Ngay khi kết thúc một năm tăng trưởng doanh thu cho thấy tín hiệu tốt thì Snapchat đã cho thấy mức tăng trưởng người dùng chững lại, đồng thời cũng dấy lên mối nghi ngờ về việc liệu công ty có thể mở rộng thị trường trong tương lai.

Giờ đây, niềm hy vọng lớn lao nhất của các nhà đầu tư chính là Evan Spiegel – người có thể tạo ra những sản phẩm gây nghiện tiếp theo cho công ty. Dưới đây là một số điểm mạnh và yếu trong màn lên sàn sắp tới mà dư luận đang đặc biệt quan tâm:

Thế mạnh:

Chỉ số tương tác người dùng khá ấn tượng: Trung bình mỗi người dùng truy cập ứng dụng Snapchat 18 lần mỗi ngày với tổng thời lượng sử dụng lên đến 25-30 phút. 60% trong số này chụp/quay snap (ảnh/video) và/hoặc sử dụng tính năng chat.

Tăng trưởng doanh thu tốt: Snap đã nhanh chóng mở rộng mảng quảng cáo với doanh thu từ 59 triệu USD năm 2015 lên đến 204,5 triệu USD năm 2016. Công ty đã cố gắng thuyết phục các nhà quảng cáo sử dụng những công cụ độc đáo của mình để đưa sản phẩm tới cộng đồng người dùng nghiện Snapchat.

Các sản phẩm quảng cáo hấp dẫn: Snapchat đã tìm được cách khắc phục được sự nhàm chán của quảng cáo full màn hình. Cụ thể, trong khi Snap Ads cho phép đăng tải các video quảng cáo full màn hình với tùy chọn chèn link tới website nhãn hàng, Sponsored Geofilter và Lens lại gắn đè các bộ lọc thú vị lên hình ảnh bạn chat gửi đến người dùng nên họ sẽ không thể nào tránh được quảng cáo nếu muốn xem nội dung chat.

Các doanh nghiệp trả tiền quảng cáo cho Snap để hiển thị các bộ lọc gắn thương hiệu lên ảnh/video của người dùng

Tầm nhìn của Spiegel: Evan Spiegel chính là người đã dẫn dắt công ty qua hàng loạt sản phẩm và tính năng thú vị như tin nhắn tự hủy, Snapchat Stories (cho phép người dùng chia sẻ ảnh/video theo chuỗi như một câu chuyện liền mạch, tự hủy sau 24h) cũng như tính năng Discover cho phép các kênh truyền thông xuất bản nội dung mobile-first. Gần đây, quyết định của Spiegel trong việc thâu tóm startup Looksery để bổ trợ cho sản phẩm Lens selfie cũng như startup Bitstrip để tăng cường tính năng avatar/sticker tùy chọn cũng cho thấy vị CEO trẻ tuổi rất biết tìm kiếm các công nghệ phụ trợ tiềm năng. Trong khi nhiều người chỉ biết copy, Spiegel lại đi đầu trong việc sáng tạo cũng như tuyển mộ những con người tiềm năng cho sản phẩm kế tiếp.

Điểm yếu:

Sự cạnh tranh ngày một lớn từ các sản phẩm copy: Tính năng độc đáo Snapchat Stories đã bị hàng loạt sản phẩm khác đạo nhái mà điển hình nhất là Instagram Stories (đã đạt 150 triệu người dùng hàng ngày – gần bằng tổng lượng người dùng của Snapchat tính đến nay) chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt, chưa kể đến việc cướp mất cả người dùng của sản phẩm nguyên gốc. Ngoài Instagram, chúng ta còn có thể kể ra Facebook Stories , Messenger Day và WhatsApp Status cũng liên tục copy trong Snapchat Stories thời gian qua. Bởi các sản phẩm trên phổ biến ở các nước đang phát triển nên rất có thể chúng sẽ thu phục được hết người dùng (đặc biệt là đối tượng trên 25 tuổi) trước cả khi Snapchat kịp phủ sóng tới họ.

Tăng trưởng đang chậm lại: Tăng trưởng người dùng của Snapchat đã giảm mạnh từ mức 17% vào quý II/2016 xuống còn 3,2% vào quý IV – dấu hiệu nguy hiểm khiến người ta phải đặt nghi vấn về tiềm năng mở rộng trong tương lai. Sự suy giảm này cũng đến đúng vào thời điểm Instagram Stiories ra mắt.

Biểu đồ tăng trưởng lượng người dùng hàng ngày của Snapchat từ 2014 đến nay (Đơn vị: Triệu người)

Sự lệ thuộc vào Google Cloud: Hạ tầng của Snapchat hiện đang phụ thuộc khá nhiều vào Google Cloud (lưu trữ tin nhắn và ảnh/video). Điều này đặc biệt nhạy cảm với các thay đổi về giá từ phía Google cũng như nỗ lực của Snap trong việc tiến công sang thị trường Trung Quốc – nơi Google không hề hoạt động. Mới đây, công ty cũng đã quyết định trả cho Google 2 tỷ USD chi phí cho 5 năm hoạt động.

Các cổ đông không có quyền quyết định: Các nhà sáng lập Evan Spiegel và Bobby Murphy hiện đang kiểm soát hầu hết quyền bỏ phiếu trong nội bộ công ty, chưa kể đến việc lượng cổ phiếu phát hành trong lần IPO sắp tới cũng sẽ không có quyền bỏ phiếu về đường đi nước bước của Snap. Điều này cũng có nghĩa có đầu tư nhiều tiền vào Snap, các cổ đông cũng chẳng có chút tiếng nói nào hết.

Cơ cấu sở hữu cổ phần của Snap Inc.

Nguồn doanh thu không quá khác biệt: Snap vẫn kiếm hầu hết doanh thu từ quảng cáo; trong khi đó mảng sản phẩm phần cứng như Spectacles cũng cần một khoảng thời gian nhất định để mang về tỷ lệ doanh thu cao hơn. Khi doanh thu phụ thuộc hết vào quảng cáo, chỉ cần lượng người dùng hay tương tác giảm thôi là Snap đã “gánh” đủ.

Các khoản lỗ tăng nhanh: Chuyện startup chịu lỗ vài năm đầu có lẽ không hiếm gặp, nhưng khoản lỗ của Snap khi chuẩn bị IPO vẫn là khá lớn. Cụ thể, trong quý IV/2016, công ty đã lỗ 170 triệu USD, đóng góp vào mức lỗ 514,6 triệu USD trong năm 2016. Với tiến độ chi tiêu mạnh cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm phần cứng và thực tế ảo tăng cường, doanh thu từ quảng cáo sẽ khó lòng chống lưng nổi nếu Snap không sớm đưa ra được sản phẩm gây nghiện kế tiếp.

Tuy vậy, Snap vẫn được coi là một công ty non trẻ, mới bắt đầu có doanh thu từ 2 năm nay và còn nhiều thời gian để trưởng thành.

Liệu Snap có thể được cứu vãn hay sẽ chịu kiếp “tự hủy”?

Hai kịch bản dễ thấy có thể xảy ra với Snap:

Kịch bản xấu: Bị nhấn chìm bởi các sản phẩm copy, cố vật lộn kiếm thêm nhiều tiền hơn trên mỗi lượt hiển thị quảng cáo tới người dùng, xu hướng teen thay đổi khiến nhóm người dùng đông đảo này không còn mặn mà với Snapchat, các nỗ lực nghiên cứu sản phẩm phần cứng không mang lại kết quả, tăng trưởng trùng xuống, cổ đông vẫn không có tiếng nói => giá cổ phiếu lao dốc.

Kịch bản tích cực: Quay lại vòng tăng trưởng nhanh và ổn định nhờ các tính năng đột phá và sáng tạo, mở rộng thị trường ra ngoài Âu Mỹ, cắt giảm lỗ, cho ra những sản phẩm phần cứng camera và AR đột phá, tạo được thêm nguồn doanh thu mới, tăng mức giá quảng cáo và thu phục được nhiều nhãn hàng tên tuổi hơn. Với lượng người dung đông đảo, Snapchat tạo được hiệu ứng mạng lưới (network effect) - khi người dùng có quá nhiều bạn bè sử dụng Snapchat, họ cũng bị trói buộc vào đó chặt hơn.

Tham khảo Techcrunch

Theo Ngocmiz

Từ khóa:  Snapchat , ipo , snap
Cùng chuyên mục
XEM