Liên tục bị startup từ chối, Shark Hưng vẫn tuyên bố chỉ đầu tư những sản phẩm chưa có trên thị trường

19/01/2018 13:55 PM | Kinh doanh

“Có những thương vụ tôi đầu tư nó hoàn toàn chưa có trên thị trường, thậm chí còn đang ở ý tưởng, nhưng tôi vẫn đầu tư”, shark Phạm Thanh Hưng khẳng định.

Sau 9 tập chỉ biết lắc đầu, tập 10 Shark Tank Việt Nam vừa qua gây chú ý với quyết định xuống tiền từ shark Phạm Thanh Hưng. Song, Shark Hưng vẫn bị các startup lắc đầu từ chối.

Và trong một cuộc gặp gỡ gần đây, khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn đầu tư là gì, Shark Hưng thẳng thắn: "Tôi chọn những sản phẩm mới. Tôi thì hơi khác với một số shark khác là hay nhìn vào kết quả kinh doanh hiện hữu. Ví dụ như mô hình đó phải có doanh thu, phải có lợi nhuận mới đầu tư. Riêng tôi thì đánh giá cao về sự sáng tạo, những cái mới của sản phẩm đó. Có những thương vụ tôi đầu tư nó hoàn toàn chưa có trên thị trường, thậm chí còn đang ở ý tưởng, nhưng tôi vẫn đầu tư".

Thoạt nghe thì tiêu chí đầu tư của vị cá mập này hao hao giống với một vị shark cũng được cho là khó tính – Thái Vân Linh. Khi mà trước đó, shark Linh từng chia sẻ: "Có rất nhiều startup lặp lại ý tưởng kinh doanh khác và đưa ra mức giá hời, mà họ lại còn nghĩ là giá họ đề nghị thấp hơn sẽ tốt hơn. Nhưng tôi thì rất không thích những công ty bán giá thấp, mà tôi đang tìm những mô hình mà khác biệt và có biên lợi nhuận (margin) cao".

Tuy nhiên, sau cùng thì sáng tạo chỉ là một trong những tiêu chí đi kèm, với shark Linh vẫn chú trọng tính khả thi của dự án, thể hiện qua việc các startup có thực sự hiểu và nắm chắc mô hình kinh doanh của mình hay không.

Ngoài ra, theo chủ nhân câu nói "Cần cù thôi chưa đủ, muốn làm chủ phải tinh khôn", mỗi shark có mỗi quan điểm riêng, có những shark chỉ đầu tư vào những mô hình đã có doanh thu lợi nhuận, có hệ thống cũng như thị trường riêng, bởi các shark muốn rằng việc đầu tư đó có thể mở rộng hệ sinh thái sẵn có của mình. Ví dụ như shark Khoa, hay shark Phú thường có xu hướng lựa chọn những mô hình kinh doanh đã hình thành và có thể tận dụng được hệ sinh thái sẵn có của các shark để mở rộng hệ thống; đồng thời hỗ trợ được các startup đó trưởng thành nhanh hơn, được nuôi dưỡng tốt hơn.

"Cần cù thôi chưa đủ, muốn làm chủ phải tinh khôn"

"Tôi thì nhìn câu chuyện ở đây là sáng tạo, ý tưởng táo bạo có thể làm thay đổi những mô hình kinh doanh thông thường, khác biệt với mô hình kinh doanh truyền thống. Làm những điều mà chưa ai làm cả, làm những việc chưa ai nghĩ đến, thì đó là khẩu vị của tôi khi lựa chọn đầu tư", shark Hưng tuyên bố.

Với khẩu vị táo bạo như vậy, tất yếu khi đầu tư sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro về tính khả thi có được thị trường chấp nhận hay không; mô hình kinh doanh có hiệu quả, tạo ra doanh thu lợi nhuận hay không… Tuy nhiên, để đối mặt với vô vàn khó khăn trên, shark Hưng cho biết sẽ luôn theo sát những dự án mình đầu tư để đảm bảo các bạn startup đi đúng hướng.

Đặc biệt, shark Hưng cũng nhấn mạnh luôn cố gắng phân biệt giữa ý tưởng khởi nghiệp và những mô hình lập nghiệp thông thường, "Nếu mà tôi không nhìn thấy yếu tố mới, yếu tố sáng tạo, đặc biệt là không có liên kết với sự phát triển công nghệ thì tôi không quan tâm lắm".

Khác biệt, nhưng hễ xuống tiền là bị từ chối!

Luôn là ẩn số của chương trình khi liên tiếp 9 tập Shark Tank trôi qua với nhiều mô hình - táo bạo mới mẻ có, hoàn thiện đã tạo được dòng tiền có – nhưng đều không "hấp dẫn" được shark Hưng. Đến tập 10 phát sóng hôm 13/11 vừa qua, vị cá mập này mạnh tay quyết định xuống tiền tới 800.000 USD, nhưng bị cả 2 startup từ chối!

Đầu tiên là dự án Power Ring dây thun tập thể thao của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên - trong vai trò Giám đốc Marketing và nhà sáng lập Huy Võ – một huấn luyện viên thể hình tại Mỹ .

Liên tục bị startup từ chối, Shark Hưng vẫn tuyên bố chỉ đầu tư những sản phẩm chưa có trên thị trường  - Ảnh 1.

Cặp đôi "thể thao" này đã kêu gọi đổi 11 tỷ đồng lấy 20% cổ phần cho sản phẩm Power Rings, được cho là có thể thay thế nhiều thiết bị và dụng cụ hỗ trợ cho người tập, thậm chí có thể ứng dụng trong vật lý trị liệu. Nhà sáng chế cho rằng Power Rings có ưu điểm nhẹ hơn, rẻ hơn, gọn hơn và hiệu quả hơn nhiều dụng cụ thể thao khác. Được biết, sản phẩm này đã được giới thiệu như tâm sức của founder Huy Võ sau 8 năm ròng nghiên cứu.

Bị thuyết phục bởi startup này, shark Hưng tuyên bố góp vốn tới 500.000 USD đổi lại 40% cổ phần, nhưng đã bị MC Kỳ Duyên từ chối để chọn Shark Vương.

Chưa hết, thương vụ "hố" tiếp theo phải khiến shark Hưng thốt lên: "Không hiểu được luôn!" là Hoozing bất động sản – Startup môi giới bất động sản thứ cấp dành cho người nước ngoài.

Liên tục bị startup từ chối, Shark Hưng vẫn tuyên bố chỉ đầu tư những sản phẩm chưa có trên thị trường  - Ảnh 2.

Hoozing là trường hợp khá đặc biệt khi lần đầu tiên Shark Tank có cofounder người nước ngoài lên thuyết trình. Hoozing đã vận hành được 2,5 năm, muốn kêu gọi 6,82 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần. Startup này hiện đang hoạt động dựa trên nền tảng website, app và công nghệ quảng bá hình ảnh 360 với 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Hàn. Riêng năm 2017, Hoozing đã môi giới cho thuê được hơn 500 căn hộ với khoảng 80% là khách hàng đang sống tại Việt Nam.

Trên vai trò là "trùm" bất động sản, shark Hưng đưa ra lời đề nghị đầu tiên với 6,82 tỷ đồng đổi lấy 30% cổ phần, với lời hứa giúp hai chàng trai Hoozing giải bài toán con gà – quả trứng. Song, kết quả shark Hưng nhận vẫn là sự từ chối!

Theo Bảo An

Từ khóa:  shark hưng
Cùng chuyên mục
XEM